Lính bắn tỉa hay xạ thủ bắn tỉa (thuật ngữ tiếng Anh Sniper) là người sử dụng súng bắn tỉa từ vị trí ẩn nấp, bắn vào mục tiêu thường là từ khoảng cách xa đến hàng cây số.
Từ "xạ thủ bắn tỉa" bắt nguồn từ năm 1824 giữa những người sử dụng súng trường. Hồng quân Liên Xô là đội quân tiên phong sử dụng bắn tỉa ở quy mô lớn và coi đây là một lực lượng chuyên biệt. Khi Thế chiến thứ 2 nổ ra, có tới 60.000 lính bắn tỉa đã đào tạo trong biên chế của Hồng quân Liên Xô.
Năm 2009, xạ thủ Craig Harrison người Anh, thuộc cận vệ Hoàng gia Anh trong cuộc tấn công Afghanistan đã sử dụng súng trường L115A3 cỡ đạn.338 Magnum lên đạn bằng tay hạ mục tiêu ở cự ly 2.475 mét (kỷ lục tại thời điểm đó). Thời gian bay của viên đạn lên đến 4 giây, và tạo đường đạn cầu vồng cao đến hơn 50 m (thời tiết khi đó rất thuận lợi: gió lặng, độ ẩm thấp và không khí loãng nên đường đạn không bị sai lệch nhiều, điều này đã giúp Harrison thực hiện được phát bắn rất khó này).
Đến tháng 6 năm 2017 tại miền Bắc Iraq, một xạ thủ Canada sử dụng khẩu súng trường bắn tỉa McMillan TAC-50 từ khoảng cách 3.450m đã hạ gục một lính ISIS, phá kỷ lục bắn tỉa tầm xa từ trước đến nay. Danh tính của xạ thủ này vẫn đang được giữ bí mật vì lý do an ninh.
Xạ thủ tiêu diệt nhiều quân địch nhất là Mikhail Ilyich Surkov người Liên Xô trong chiến tranh Xô-Đức, với 702 lính Đức bị diệt được khẳng định cộng thêm khoảng 300 lính Đức khác có thể đã bị anh tiêu diệt (tổng cộng là hơn 1.000).
Để thựa hiện cú bắn tỉa thành công lính bắn tỉa không chỉ cần học cách ngắm bắn cho chính xác, mà còn phải học các biện pháp ngụy trang hoặc ẩn nấp, bởi nếu bị phát hiện ra vị trí thì xạ thủ sẽ dễ bị tấn công bởi hỏa lực đối phương.
Nhiệm vụ của lính bắn tỉa là tiêu diệt các mục tiêu ở phạm vi xa hơn so với súng trường thông thường, từ 500m đến 1,8km.
Các tay súng bắn tỉa thường phải trải qua khóa huấn luyện chuyên biệt, loại súng trường được trang bị phải có chất lượng kính ngắm quang học cao để đánh trúng các mục tiêu thường chỉ là những đốm sáng trên đường chân trời.
Các xạ thủ bắn tỉa được huấn luyện để bóp cò bằng đầu ngón tay nhằm hạn chế xê dịch khẩu súng, tư thế bắn chính xác nhất là nằm sấp với túi cát hoặc giá hai, ba chân đỡ súng, và áp má vào báng súng.
Xạ thủ luyện bắn giữa hai lần tim đập để giảm thiểu rung súng. Thêm vào đó, còn phải nắm vững kỹ năng xác định khoảng cách, gió, chênh lệnh độ cao và những yếu tố có thể ảnh hưởng đường bay viên đạn.
Khoảng cách tới mục tiêu nên được đo đạc và ước tính càng chính xác càng tốt. Tính toán khoảng cách trở nên tối cần thiết với những mục tiêu ở xa bởi viên đạn đi theo đường vòng cung và xạ thủ phải điều chỉnh súng cao hơn mục tiêu do viên đạn sẽ bay hạ xuống bởi trọng lực.
Ống nhòm hay kính ngắm có thiết bị laser đo khoảng cách có thể được sử dụng nhưng thường là không được lựa chọn trên chiến trường bởi tia laser có thể bị đối phương phát hiện. Một phương pháp hữu dụng để xác định khoảng cách là so sánh chiều cao của mục tiêu (hoặc vật thể gần mục tiêu) với thước đo trên kính ngắm để suy ra khoảng cách. Trung bình đầu người có kích thước chiều ngang 150 mm, vai rộng 500 mm, và khoảng cách từ mông lên đỉnh đầu là 1m.
Ngoài khoảng cách đơn thuần, các tay súng bắn tỉa còn phải đối mặt với những hạn chế về kỹ thuật của vũ khí và các định luật vật lý khi thực hiện những cú bắn tầm xa.
Khi ra khỏi nòng, đạn sẽ bắt đầu giảm tốc độ do trọng lực tác động. Điều này làm cho viên đạn đi theo đường vòng cung hướng xuống từ từ. Đạn cũng dễ bị ảnh hưởng bởi các điều kiện thời tiết, đặc biệt là gió và dễ chịu tác động bởi các điều kiện môi trường khi chúng mất dần vận tốc.
Các tay súng bắn tỉa, thường sử dụng kinh nghiệm từ các cuộc giao tranh trước đó để dự đoán cách một viên đạn sẽ di chuyển trong các điều kiện như thế nào. Ví dụ, một lính bắn tỉa sẽ biết một viên đạn 7,62mm rơi như thế nào ở cự ly 700m và cách một luồng gió 9,6km/h sẽ thổi bay viên đạn ra sao. Khi nắm được những kiến thức này, các tay súng bắn tỉa có thể điều chỉnh vũ khí của họ cho phù hợp để bắn một viên đạn trúng mục tiêu ở khoảng cách lên tới cả km.
6 phát bắn tỉa tiêu diệt địch thần sầu nhất lịch sửCông nghệ đạn dẫn đường cho lính bắn tỉa
Mới đây, DARPA (Cơ quan Chỉ đạo các Dự án Nghiên cứu Quốc phòng Tiên tiến) của Mỹ đã nghiên cứu thành công loại đạn EXACTO (Extreme Accuracy Tasked Ordnance) có khả năng dẫn đường và bắn trúng mục tiêu với độ chính xác cao.
Mặc dù DARPA không chia sẻ về công nghệ nhưng theo một số nguồn tin, họ dùng các cảm biến quang học ở mũi đạn và phần cạnh để điều chỉnh đường bay của viên đạn. Cảm biến quang học dường như nằm ở một vị trí đã được laser chỉ định. Hệ thống dẫn đường tương tự như tên lửa dẫn đường bằng laser.
Xạ thủ Anh Craig Harrison
Trung sĩ Craig Harrison thuộc lực lượng bắn tỉa, làm nhiệm vụ yểm trợ cho quân đội Anh chống tay súng cực đoan Taliban ở Afghanistan.
Tháng 11.2009, Harrison phát hiện hai phiến quân Taliban với khẩu súng máy đang xả đạn vào đồng đội ở phía trước. Trung sĩ Anh ước tính khoảng cách đến mục tiêu lên tới 2.475 mét, xa hơn 900 mét so với tầm bắn hiệu quả của súng bắn tỉa L115A3 tiêu chuẩn.
Harrison bắn 5 phát đạn, mỗi viên đạn cần 6 giây để đến vị trí mục tiêu. Hai phát đạn bắn trượt nhưng một viên xuyên qua bụng phiến quân Taliban, viên đạn khác hạ gục tay súng hỗ trợ và viên đạn cuối cùng phá hủy khẩu súng máy.
Nhờ chiến công này mà Craig Harrison lập kỷ lục bắn tỉa xa nhất thế giới, do Sách Kỷ lục Guinness công nhận.
Lính bắn tỉa Canada.
Trong Chiến dịch Anaconda, lính bắn tỉa Rob Furlong, thuộc tiểu đoàn số 3, quân đoàn Patricia, Canada đã đi vào lịch sử với phát đạn “cực khó”, tiêu diệt tay súng khủng bố.
Tháng 3.2002, Furlong sử dụng khẩu súng trường Tac-50R2 ngắm bắn một tay súng al-Qaeda từ khoảng cách 2.430 m tại miền nam Afghanistan. Hai phát đạn đầu tiên trượt nhưng đến phát thứ ba thì trúng vào kẻ khủng bố.
Phát đạn từ khoảng cách “không tưởng” của Furlong được ca ngợi không chỉ vì cự ly mà còn bởi nó được thực hiện trong một hoàn cảnh vô cùng bất lợi. Mục tiêu khi đó cũng đang trèo lên một sườn núi.
Xạ thủ Canada Arron Perry
Perry đồng đội của Furlong, thuộc nhóm trinh sát bắn tỉa của Quân đoàn Patricia (PPCLI). Đây là lực lượng Canada tham gia các sứ mệnh gìn giữ hòa bình ở nước ngoài.
Phát đạn của Perry cũng được thực hiện năm 2002 ở Afghanistan. Arron Perry đã bắn hạ tay súng bắn tỉa Taliban ở khoảng cách 2.310 mét, bằng súng trường McMillan Tac-50.
Theo lời kể của các nhân chứng, tay súng bắn tỉa Taliban chưa xác định được Perry ở vị trí nào thì đã bị trúng đạn. Perry nắm giữ kỷ lục phát bắn tỉa xa nhất thế giới trong vài ngày trước khi bị đồng đội Furlong đánh bại.
Xạ thủ Mỹ Brian Kremer
Xạ thủ Mỹ Brian Kremer được điều đến Iraq cùng Tiểu đoàn biệt kích Mỹ Ranger số 2. Tháng 3.2004, Kremer dùng khẩu Barrett M82A1 bắn hạ phiến quân ở cự ly 2.300 mét.
Thông tin về cuộc chiến và phát đạn đi vào lịch sử của Kremer được giữ bí mật trong suốt nhiều năm. Đây được coi là phát bắn tỉa xa nhất của một binh sĩ Mỹ.
Các đồng đội của Kremer cho biết, trong hai năm chiến đấu ở Iraq, tay súng thiện xạ đã có hai phát bắn thành công ở cự ly hơn 2.100 mét.
Lính bắn tỉa Nam Phi
Một tiểu đoàn binh sĩ Nam Phi thuộc lực lượng gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc đã tham gia cuộc chiến chống phiên quân Congo năm 2013.
Trong trận đánh tại Kibati, người lính bắn tỉa Nam Phi không rõ danh tính đã tiêu diệt 6 phiến quân Congo, bao gồm một phát đạn ở khoảng cách tới 2.125 mét.
Xạ thủ Mỹ Nicholas Ranstad
Tháng 1.2008, Nicholas Ranstad đang làm nhiệm vụ trinh sát, thu thập thông tin trên chiến trường thì phát hiện 4 tay súng Taliban, Những mục tiêu này ở cách xa Ranstad 2.059 mét nhưng đứng đúng ở khu vực mà Ranstad có kinh nghiệm bắn tỉa nhất.
Phát đạn đầu tiên trượt mục tiêu nhưng phát thứ hai tiêu diệt một tay súng Taliban ngay tại chỗ. 3 tên còn lại lợi dụng tình hình tìm kiếm nơi trú ẩn và trốn thoát.