Từ chiến trường…
Tại Hội thảo khoa học nhân 100 năm kỷ niệm ngày sinh Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên, Ban tổ chức đã lấy chủ đề: “Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên - nhà hoạt động thực tiễn xuất sắc của Cách mạng Việt Nam…” Hầu hết các tham luận tại hội thảo đều khẳng định, ông là vị tướng tài ba trên nền tảng của sự sâu sát thực tiễn, quyết đoán, dám chịu trách nhiệm, tố chất của một vị tướng trực tiếp chỉ huy ngoài chiến trường.
Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên trong một lần thăm lực lượng phòng không trên đường Hồ Chí Minh |
Trong cuốn Hồi ký “Trọn một con đường”, Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên chia sẻ: Ông chính thức tiếp nhận Tư lệnh chiến trường Trường Sơn vào cuối tháng 12/1966. Việc đầu tiên ông làm là quyết định dời sở chỉ huy Bộ Tư lệnh ra gần đường 20, lấy Bộ Tư lệnh làm gương cho các binh trạm. Với phương châm tất cả lực lượng phải bám đường, bám trọng điểm để chiến đấu và phục vụ chiến đấu.
Ngay khi mệnh lệnh ban ra, vị tướng chiến trường Đồng Sỹ Nguyên đã trực tiếp xuống từng binh trạm kiểm tra tình hình, nghe báo cáo và đưa ra chiến lược cụ thể cho từng binh trạm. Trên đường đến binh trạm đóng gần trọng điểm Văng Mu, do bị máy bay địch đánh chặn, không đến kịp theo kế hoạch, ông dùng điện thoại gọi ngay cho binh trạm trưởng: “Đề nghị bắt đầu từ ngày mai các anh cho chuyển sở chỉ huy ra gần trục đường chính. Có thể là một vài anh chỉ huy trong ban ra trước, sau vài ngày chuyển tất cả. Tôi nói với giọng không gay gắt nhưng rất dứt khoát: Tôi thiết tha đề nghị các anh chấp hành nghiêm chỉnh. Nếu sở chỉ huy cứ bí mật ẩn nấp trong rừng sâu làm sao bắt kịp được tình hình và tất yếu sẽ trì trệ trong tổ chức chỉ huy” - Hồi ký “Trọn một con đường.
Nhờ những chuyến đi thực tế như thế mà ông đã cho tăng cường xe cơ giới tham gia làm đường thay cho công binh, giảm thiểu thương vong con người. Đặc biệt, ông quyết định cấu trúc lại và di chuyển các trận địa phòng không “gần hơn với địch” để chiến đấu có hiệu quả hơn. “Máy bay địch ném bom, hoả lực của ta đánh trả. Đạn pháo 37 ly vạch trời đêm, trông như pháo hoa. Nhưng hình như pháo không bắn đón khi máy bay bổ nhào, mà chỉ bám bắn theo vòng lượn. Nhìn đường đạn, tôi biết trận địa pháo 37 bố trí quá xa trọng điểm… Cứ đà này ta bắn có thể trúng, có thể không trúng mục tiêu, nhưng chắc chắn phi công địch không sợ, chúng đàng hoàng oanh kích mục tiêu” - Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên viết trong hồi ký.
Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên tặng quà một đơn vị xây dựng đường Hồ Chí Minh thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa |
Sâu sát thực tế, kết hợp với tính quyết đoán, dám chịu trách nhiệm, Tư lệnh Đồng Sỹ Nguyên đã nhanh chóng lật ngược thế cờ trên chiến trường Trường Sơn: Từ chỗ bị động, tránh địch là chính, chỉ sau một thời gian ngắn, các lực lượng đã có sự liên kết chặt chẽ, tạo nên “binh chủng hợp thành” chủ động đánh địch trong mọi tình huống, trên mọi mặt trận. Trong 16 năm, các lực lượng công binh, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến Trường Sơn gồm khoảng 120.000 người đã làm nên mạng đường liên hoàn, vững chắc với 5 hệ thống đường trục dọc, 21 đường trục ngang, nối Đông với Tây Trường Sơn, vươn tới các chiến trường, với tổng chiều dài gần 2 vạn km đường ô tô, 1.400 km đường ống dẫn xăng dầu, 3.140 km “đường kín” cho xe chạy ban ngày và hàng ngàn cầu, cống, ngầm… Đường Trường Sơn được quân đội Hoa Kỳ coi là “Một trong những thành tựu kiến trúc quân sự vĩ đại nhất thế kỷ 20”.
… đến các đại công trường
Bước ra từ khói lửa chiến tranh, Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên được Đảng và nhân dân tín nhiệm giao nhiều trọng trách trong thời kỳ đầu xây dựng đất nước. Là một vị tướng chiến trường rất sâu sát thực tiễn, khi đảm trách Bộ trưởng Bộ Xây dựng, Bộ trưởng Bộ Giao thông, Phó Chủ tịch Hội đồng bộ trưởng, hay khi về hưu làm đặc phái viên của Thủ tướng Chính phủ không mấy khi ông ở văn phòng mà ngày đêm lăn lộn trên các đại công trường. Từng chỉ đạo xây dựng Nhà máy xi măng Bỉm Sơn, Kiên Lương, Hoàng Thạch; Nhà máy thủy điện Hòa Bình, cầu Thăng Long, một số nhà máy nhiệt điện… Nhưng có lẽ công trình mà ông tâm huyết nhất là xây dựng đường Hồ Chí Minh thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Mặc dù đã về nghỉ hưu nhưng Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên vẫn được mời vào ban chỉ đạo và là đặc phái viên của Thủ tướng Chính phủ trong quá trình xây dựng đường Hồ Chí Minh. Với kinh nghiệm và tâm huyết của mình, ông đã tham gia nhiều ý kiến quan trọng trong khảo sát thiết kế, hướng tuyến và thi công tuyến đường Hồ Chí Minh mới.
Ông Đinh Hữu Cường, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Quảng Bình chia sẻ: Thời điểm khảo sát thực hiện tuyến đường Hồ Chí Minh thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đoạn đi qua Phong Nha-Kẻ Bàng (PN-KB) có một số ý kiến trái chiều, thậm chí là phản đối. Thời điểm đó, Quỹ quốc tế bảo vệ thiên nhiên (WWF) cho rằng nên tách tuyến đường Hồ Chí Minh ra khỏi vùng PN-KB để thuận lợi hơn cho việc lập hồ sơ trình UNESCO công nhận là di sản thiên nhiên thế giới. “Đồng hành cùng Trung tướng khảo sát thực địa trên tuyến đường Hồ Chí Minh (cũ), đoạn từ ngã tư Trạ Ang đến các khu vực xung quanh, bác Nguyên thẳng thắn: “Họ góp ý thì ta nên nghe, nếu vi phạm nhiều vào vùng PN-KB thì ta cần phải cân nhắc. Nhưng đây là con đường huyết mạch, tính toán kỹ là chỉ đi bên cạnh, vậy nên ta dứt khoát phải làm...”.
Tháng 4/2000, lễ khởi công đường Hồ Chí Minh thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước được tổ chức, trong đó đoạn đi qua PN-KB vừa bảo đảm về mặt kỹ thuật, quân sự vừa tôn trọng môi sinh vùng di sản. Quyết tâm của Trung tướng đã thể hiện tầm nhìn chiến lược của một vị tướng tài ba bởi khi đường Hồ Chí Minh chính thức hoạt động, kết hợp với Quốc lộ 1 và các tuyến đường ngang đã tạo thành một mạng lưới giao thông liên hoàn, vững chắc, phá vỡ thế “độc đạo” của Quốc lộ 1, phát triển vùng Tây một dải từ Bắc chí Nam, trong đó có Quảng Bình.
(Còn nữa)
Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên viết trong Hồi ký “Trọn một con đường”: “Là một trong những người trực tiếp tổ chức xây dựng hệ thống đường - cầu Trường Sơn trong những năm đánh Mỹ, khi chiến tranh kết thúc, trong tôi luôn nung nấu ước vọng thiết tha đường Đông Trường Sơn được hiện đại hoá để phát triển kinh tế - xã hội - văn hoá, củng cố quốc phòng - an ninh của đất nước, đặc biệt là địa bàn chiến lược Trường Sơn, Tây Nguyên”.