10 sự kiện chứng khoán nổi bật năm 2016

TP - Ra mắt chỉ số chứng khoán chung; Nới room cho nhà đầu tư nước ngoài: Trái phiếu chính phủ 'đại được mùa'... là những sự kiện chứng khoán nổi bật 2016.

1. Dấu ấn 20 năm ngành Chứng khoán. Ngày 28/11/2016, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước tổ chức Lễ kỷ niệm 20 năm Ngày truyền thống ngành Chứng khoán và đón nhận Huân chương Độc lập Hạng Nhì. 

20 năm qua, Việt Nam đã xây dựng được một TTCK vận hành suôn sẻ, gồm các Sở GDCK (HSX và HNX), với trên 1.000 DN đại chúng đưa cổ phiếu vào giao dịch tập trung, quy mô vốn hóa cổ phiếu niêm yết trên 70 tỷ USD, thu hút 1,6 triệu nhà đầu tư trong và ngoài nước. Hai thập kỷ qua, TTCK Việt Nam huy động trên 2 triệu tỷ đồng vốn cho đầu tư phát triển doanh nghiệp và đất nước với  khoảng 4.000 DN thực hiện bán đấu giá công khai cổ phần ra công chúng… 

2. Năm của “thiên nga đen” và những cú sốc bất ngờ 

TTCK Việt Nam năm 2016 chứng kiến những cú sốc bất ngờ từ bên ngoài tác động. Đó là các sự kiện rất ít nhà đầu tư nghĩ tới khả năng xảy ra, như: sự kiện TTCK Trung Quốc ngắt giao dịch ngày 1/4, sự kiện Anh rời khỏi EU (Brexit) ngày 24/6, kết quả bầu cử Tổng thống Mỹ ngày 9/11. Hầu hết các sự kiện này đều tác động mạnh đến TTCK Việt Nam và dẫn đến hoạt động bán tháo. Tuy nhiên do nền tảng của thị trường tốt nên đã phục hồi ngay sau đó.

3. Từ IPO đến sàn chứng khoán - con đường ngắn “kỷ lục”

Ngày 1/11/2016, Thông tư số 115/2016/TT-BTC có hiệu lực. Theo đó, 20 ngày làm việc kể từ ngày hết hạn thanh toán tiền mua cổ phần qua đấu giá, nhà đầu tư mua cổ phần qua đấu giá đã có thể giao dịch cổ phần trên thị trường UPCoM. Con đường từ hậu IPO đến sàn chứng khoán được rút ngắn rất nhiều so với mức 90 ngày trước đây . Đi kèm, nghị định 145 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung Nghị định 108 về xử phạt vi phạm hành chính trên TTCK trong đó cao nhất là phạt tiền 400 triệu đồng đối với hành vi “chậm lên sàn” trên 12 tháng.

4. Ra mắt chỉ số chứng khoán chung, mở đầu cho lộ trình hợp nhất 2 Sở GDCK

Ngày 24/10/2016, chỉ số VNX-Allshare đã chính thức vận hành và là chỉ số cơ sở đầu tiên kết nối 2 sàn niêm yết hiện nay (HSX và HNX). Đây là một trong những dấu mốc quan trọng trên con đường hợp nhất 2 Sở Giao dịch chứng khoán tại Việt Nam.

5. Hiện thực hóa quyết tâm thoái vốn nhà nước tại các “ông lớn”  

Ngày 12/12/2016, phiên chào bán cạnh tranh 9% cổ phần của Nhà nước do Tổng Công ty Đầu tư và kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) làm đại diện chủ sở hữu tại CTCP Sữa Việt Nam - Vinamilk (mã CK: VNM-HOSE) diễn ra tại Sở GDCK TpHCM. Dù khối lượng bán không như kỳ vọng nhưng với mức giá đạt 144.000 đồng/cổ phiếu, cao hơn 7,7% giá đóng cửa, thương vụ thoái vốn đợt 1 của SCIC tại Vinamilk được xem là tiêu biểu của năm 2016. Sau Vinamilk, các tập đoàn tổng công ty nhà nước như Sabeco, Habeco, Vinatex… đang đưa cổ phiếu vào sàn nhằm thoái vốn một cách công khai minh bạch và hiệu quả.

6. Ranh giới mong manh về cổ phiếu ROS      

Năm 2016, cổ phiếu ROS của CTCP Xây dựng FLC (Faros) không chỉ thu hút sự chú ý của giới truyền thông Việt Nam, mà còn gây tò mò với cả giới truyền thông tài chính quốc tế như The Wall Street Journal. Thành lập năm 2011 với vốn điều lệ khiêm tốn khoảng 1,5 tỷ đồng, trong 5 năm, vốn điều lệ của ROS đã tăng “khủng” lên tới 4.300 tỷ đồng - tức tăng tới hơn 2.860 lần so với số vốn ban đầu. ROS được coi là cổ phiếu “lạ thường” nhất - ranh giới mong manh giữa thực và ảo khi tăng nhanh bất thường, một mạch từ mức 12.600 đồng/CP ở ngày giao dịch đầu tiên niêm yết trên sàn (1/9) lên mức 126.000 đồng/CP  vào ngày 25/11 - gấp 10 lần chỉ trong vòng 3 tháng lên sàn và đưa cổ phiếu này bỗng chốc lọt TOP 10 cổ phiếu có vốn hóa lớn nhất thị trường.

7. MTM và “gáo nước lạnh” dội vào sàn chứng khoán

Ngày 19/09/2016, Cơ quan An ninh điều tra - Bộ Công an đã tống đạt Quyết định khởi tố bị can, thi hành Lệnh bắt bị can để tạm giam đối với Trần Hữu Tiệp - Chủ tịch Hội đồng quản trị CTCP Mỏ và Xuất nhập khẩu khoáng sản miền Trung (mã CK: MTM-UPCoM). Với sự việc MTM, thị trường lần đầu tiên chứng kiến một dạng rủi ro mới xuất hiện, đó là khả năng lừa đảo có chủ đích khi đưa một DN không còn hoạt động, tài sản không có thật lên sàn chứng khoán, lợi dụng những quy định thông thoáng, nhằm trục lợi. 

8. Thị trường chứng khoán phái sinh - Cơ bản sẵn sàng cho khai trương năm 2017

Ngày 16/3/2016, HNX và VSD tổ chức công bố mô hình và kế hoạch phát triển hệ thống giao dịch và bù trừ thanh toán chứng khoán phái sinh. Sự hiện diện của thị trường chứng khoán phái sinh được xem như một dấu ấn quan trọng trong lộ trình hoàn thiện cấu trúc của TTCK Việt Nam. 

9. Trái phiếu chính phủ - Thêm một năm “đại được mùa” 

Thị trường TPCP năm 2016 liên tiếp lập nhiều kỷ lục ấn tượng: Thị trường sơ cấp ghi nhận mức huy động kỷ lục với con số lên tới 281 nghìn tỷ đồng. Do nhu cầu thị trường, kế hoạch huy động cả năm được thay đổi tới 2 lần, từ mức 220 ban đầu, lên 250 và 281 nghìn tỷ đồng. Chưa bao giờ như năm nay, chỉ tính tới giữa tháng 9, huy động TPCP sơ cấp đã hoàn thành kế hoạch năm.

10. Nới room cho nhà đầu tư nước ngoài: Chuyển “lời giải” sang năm 2017 

Hơn 1 năm kể từ khi Chính phủ ban hành Nghị định 60/2015/NĐ-CP quy định những điểm mới về tư duy nới room, nhưng thực tế, số doanh nghiệp thực thi việc này còn quá ít. Gỡ nút thắt nới room trên thị trường chứng khoán như thế nào là dấu hỏi của năm 2017 khi Luật Đầu tư mới được ban hành, còn Luật Chứng khoán (văn bản pháp lý tương đương), dự kiến đến năm 2018 Chính phủ mới trình Quốc hội ban hành thế hệ Luật Chứng khoán thứ hai.

Theo Nguồn: CLB Nhà báo chứng khoán
MỚI - NÓNG
Tạo động lực, cảm hứng để thanh niên Huế khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo
Tạo động lực, cảm hứng để thanh niên Huế khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo
TPO - Ngày hội “Thanh niên khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số” cấp Trung ương năm 2024 diễn ra tại Huế là dịp để những người trẻ có chung niềm đam mê khởi nghiệp tiếp cận, gặp gỡ với các doanh nhân khởi nghiệp tiêu biểu; qua đó, tạo cảm hứng, kết nối, huy động mọi nguồn lực thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo cho giới trẻ địa phương.