34 năm cuộc chiến đấu bảo vệ Gạc Ma - Trường Sa 14/3/1988, Bài 3:

10 năm truyền lửa Gạc Ma

0:00 / 0:00
0:00
TP - Gần 10 năm nay, các cựu binh Trường Sa ở Đà Nẵng vẫn thay các đồng đội đã nằm lại biển đảo quê hương chăm sóc các bậc sinh thành. Mỗi năm, lễ tưởng niệm vào ngày giỗ chung của 64 liệt sĩ vẫn được đều đặn duy trì để giữ ngọn lửa Gạc Ma được cháy mãi trong lòng các thế hệ sau.

Đau đáu đồng đội

Ngôi nhà nhỏ trong con hẻm nhỏ trên đường Nui Thành (phường Hòa Cường Bắc, quận Hải Châu) vốn vắng vẻ. Trong căn nhà cấp 4 nằm lọt thỏm giữa 4 bề nhà cao tầng, nhiều năm nay, mẹ Huỳnh Thị Kế (88 tuổi) chăm chút, thờ tự cho ban thờ của người con trai duy nhất là liệt sĩ Nguyễn Phú Đoàn - một trong 64 chiến sĩ ngã xuống khi bảo vệ Đảo Gạc Ma 34 năm về trước.

10 năm truyền lửa Gạc Ma ảnh 1
Mẹ Huỳnh Thị Kế niềm nở đón đồng đội của con và hỏi han ông Nguyễn Văn Tấn về lễ tưởng niệm cho 64 liệt sĩ Gạc Ma năm nay. Ảnh: Giang Thanh

Hôm nay, ngôi nhà của mẹ Kế rộn rã hơn khi Ban Liên lạc Bộ đội Trường Sa tại TP Đà Nẵng ghé thăm để thắp nén nhang, thăm hỏi và mời mẹ dự lễ tưởng niệm. Thấy đoàn ghé, mẹ Kế cười móm mém, bắt tay hỏi thăm từng người một. Nhiều năm nay, các thành viên Ban Liên lạc thân thiết như con cái trong nhà.

Đứng trước ban thờ đồng đội được đặt trong am nhỏ ngay trước nhà, ông Trần Văn Tiến (thành viên Ban Liên lạc) gỡ nhẹ tấm vải đỏ che tấm di ảnh của liệt sĩ Đoàn. Thắp nén nhang nghi ngút khói, ông Tiến lầm rầm khấn mời đồng đội cùng về dự lễ tưởng niệm mà các cựu binh Trường Sa tổ chức vào đúng ngày 14/3 hằng năm. “Điều chúng tôi xót xa nhất là ban thờ đồng đội vẫn dãi nắng, dầm sương”, ông Tiến nghèn nghẹn.

Nhiều năm nay, đau đáu lớn nhất của mẹ Kế cũng như các cựu binh Trường Sa đó là có thể đưa di ảnh và lư hương của đồng đội được vào nhà để thờ cúng. “Bản thân tôi cũng nhiều lần cố gắng vận động để đưa ban thờ của liệt sĩ vào thờ chung trong nhà, nhưng cũng gặp nhiều khó khăn. Ngay như việc tu sửa căn nhà, dù nhiều đơn vị ngỏ lời để tu sửa nhưng vẫn không được do nhà cửa vẫn còn tranh chấp”, ông Nguyễn Văn Tấn (Trưởng Ban Liên lạc Bộ đội Trường Sa tại Đà Nẵng) nói.

10 năm truyền lửa Gạc Ma ảnh 2
Mẹ Lê Thị Lan nghẹn ngào khi nhiều năm trôi qua, các đồng đội vẫn thường xuyên ghé thăm và thắp nén hương lên ban thờ liệt sĩ trước mỗi dịp 14/3. Ảnh: Giang Thanh

Ban thờ của liệt sĩ Nguyễn Hữu Lộc nằm trên căn gác xép trong ngôi nhà cấp 4. Ông Nguyễn Văn Tấn vẫn nhớ như in khi lần đầu tìm về thắp nén nhang cho đồng đội, căn gác nhỏ ọp ẹp tới mức mẹ Lê Thị Lan phải liên tục nhắc nhở ông cùng mọi người nhẹ chân, đi vào giữa xà nhà vì sợ sập.

Trở về, ông cùng các thành viên trong Ban Liên lạc đau đáu để tìm kiếm nguồn hỗ trợ, giúp mẹ sửa sang lại căn nhà, trước là để che mưa che nắng, sau là để có nơi thờ liệt sĩ trang trọng hơn. May mắn sau đó, Trung đoàn 83 Công binh Hải quân đã ngỏ lời xây lại cho mẹ Lan căn nhà tình nghĩa.

Lần nào Ban Liên lạc ghé thăm, mẹ Lan cũng xúc động cảm ơn vì đã kết nối, hỗ trợ mẹ để có nơi thờ cúng liệt sĩ được tươm tất. Tuổi đã cao, lại có bệnh nền, mấy năm gần đây, mẹ Lan cũng nghỉ làm thuê làm mướn, chuyển về sống cùng con trai ở chung cư do UBND TP Đà Nẵng cấp. Họa vô đơn chí, người con trai vốn khỏe mạnh, là trụ cột của cả gia đình lại bị bệnh tim, phải chạy chữa khắp nơi. “Biết tin, chúng tôi cũng tìm đến các đơn vị, mạnh thường quân để nhờ hỗ trợ, nhằm đỡ đần cho mẹ được phần nào”, ông Tấn kể.

10 năm truyền lửa Gạc Ma ảnh 3
Đồng đội thủ thỉ bên tấm di ảnh của liệt sĩ Nguyễn Hữu Lộc, “mời” đồng đội về dự lễ tưởng niệm ngày giỗ chung của 64 liệt sĩ Gạc Ma. Ảnh: Giang Thanh

Giữ mãi ngọn lửa của “Vòng tròn bất tử”

Tháng 4/2012, Ban Liên lạc Bộ đội Trường Sa tại Đà Nẵng được thành lập. Cứ như vậy, suốt 10 năm nay, Ban Liên lạc kết nối, tìm kiếm gia đình các liệt sĩ ở Đà Nẵng - Quảng Nam đã hi sinh ở Gạc Ma và thay các anh chăm sóc bậc sinh thành, chăm lo ban thờ, thay mới di ảnh liệt sĩ, quy tập mộ gió cho đồng đội về nghĩa trang liệt sĩ địa phương như một niềm an ủi cho thân nhân các anh.?

Ngày tìm về thắp hương cho liệt sĩ Nguyễn Bá Cường - liệt sĩ Gạc Ma duy nhất quê ở Quảng Nam, ông Nguyễn Văn Tấn xót xa khi tấm di ảnh của liệt sĩ chỉ là bức vẽ phác họa bằng chì trên giấy A4. Di vật của liệt sĩ Cường để lại không ít, nhưng duy chỉ di ảnh là gia đình không thể tìm thấy. Thấy vậy, ông Tấn liền xin phép gia đình liệt sĩ được thay mơi di ảnh bằng tấm ảnh màu.

“Tôi tìm đến thợ ảnh rồi nhờ họ dùng phần mềm vẽ lại dựa trên tấm ảnh thờ được phác họa bằng bút chì. Sau đó, tôi mang di ảnh xuống trước mộ gió của liệt sĩ Cường để xin được thay mới di ảnh, cũng xin anh để việc cúng giỗ được tổ chức vào đúng ngày mất (thời điểm đó ngày giỗ liệt sĩ Cường được tổ chức theo ngày mộ gió được xây dựng ở nghĩa trang liệt sĩ - PV)”, ông Tấn kể. Từ đó, mỗi dịp 14/3 hằng năm, ông Tấn cùng Ban Liên lạc đều làm mâm giỗ chung cho cả 10 liệt sĩ Đà Nẵng - Quảng Nam đã hi sinh trên đảo Gạc Ma.

10 năm truyền lửa Gạc Ma ảnh 4
Ban thờ liệt sĩ Nguyễn Phú Đoàn vẫn đặt trong am nhỏ “dãi nắng dầm sương” là nỗi đau đáu trong lòng mỗi cựu binh Trường Sa. Ảnh: Giang Thanh

Mỗi cựu binh Trường Sa ở Đà Nẵng đều đau đáu về những đồng đội đã mãi mãi nằm lại nơi đảo xa. Bởi vậy, nếu gia đình các anh có khó khăn gì, ông Nguyễn Văn Tấn cùng các thành viên Ban Liên lạc cũng không nề hà. “Tui không có thì tui đi xin. Xin cho tui thì tui không mở miệng ra được nhưng xin cho đồng đội, cho thân nhân của các anh thì tui không ngại ngần gì. Miễn là giúp cho các anh yên lòng, khi các bậc sinh thành luôn có anh em, đồng đội đỡ đần, chăm lo mỗi khi cần”, ông Tấn kể.

Là cựu binh Trường Sa, ông Nguyễn Văn Tấn cùng những đồng đội ở Đà Nẵng vẫn đau đáu về một lễ tưởng niệm cho 10 liệt sĩ Quảng - Đà đã ngã xuống khi bảo vệ đảo Gạc Ma. Lễ tưởng niệm các liệt sĩ Gạc Ma lần đầu tiên được tổ chức ở Đà Nẵng và cũng là trên cả nước. Sau đó, cứ đều đặn mỗi năm, 14/3 là ngày để các cựu binh Trường Sa gặp lại, ôn lại những ngày tháng bi tráng, hào hùng để giữ từng hòn đảo tiền tiêu của Tổ quốc.

“Mong muốn lớn nhất của chúng tôi đó chính là nhắc nhở cho những thế hệ sau về tinh thần bất khuất của “vòng tròn bất t?” mà các đồng đội đã vẽ nên đảo Gạc Ma để giữ lấy chủ quyền của Tổ quốc. Các anh đã nằm lại trong lòng biển nhưng tinh thần đó sẽ sáng mãi, liên tục nhắc nhở thế hệ sau về tinh thần yêu nước”, ông Tấn nói.

MỚI - NÓNG
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
TPO - Ông Phan Văn Mãi giữ nhiệm vụ Chủ tịch Hội đồng đánh giá Đề án thí điểm chính sách khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung thực hiện Kết luận 14 của Bộ Chính trị.