Luật Xuất bản được thông qua ngày 20/11/2012, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2013. Qua hơn 10 năm thi hành, các quy định của Luật Xuất bản từng bước giúp ngành đạt được nhiều kết quả tích cực. Các văn bản quy định chi tiết tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động xuất bản phát triển nhanh, mạnh về số lượng và chất lượng, góp phần cải thiện, nâng cao nhu cầu đọc của nhân dân, khẳng định được vị trí, vai trò của hoạt động xuất bản.
Phát biểu khai mạc hội nghị, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Thanh Lâm cho rằng đây là dịp để nhìn lại định hướng xuất bản trong thời gian qua, đánh giá sự đồng bộ, mối quan hệ tác động đến ngành, các văn bản quy định chi tiết, đồng bộ Luật Xuất bản với các văn bản hướng dẫn chi tiết, các Điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên, từ đó chỉ ra những khoảng trống pháp lý trong thực tế, hướng đến việc sửa đổi Luật Xuất bản trong thời gian tới.
Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Thanh Lâm phát biểu khai mạc hội nghị toàn quốc Tổng kết 10 năm thi hành Luật Xuất bản 2012. Ảnh: MINH QUYẾT. |
Ông Nguyễn Nguyên - Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành (Bộ TT&TT) - thừa nhận trong quá trình thực thi, bên cạnh những ưu điểm, tích cực, Luật Xuất bản tồn tại một số hạn chế, bất cập, phát sinh nhiều vấn đề mới trong thực tiễn.
“Một số quy định trong Luật Xuất bản và các văn bản dưới luật còn thiếu cụ thể, thiếu đồng bộ với một số luật có liên quan. Một số quy định không còn phù hợp với thực tiễn hoạt động xuất bản, in và phát hành gây ra những khó khăn, vướng mắc trong công tác quản lý nhà nước cũng như việc chấp hành, thực thi pháp luật”, Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành nêu.
Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành Nguyễn Nguyên thừa nhận Luật Xuất bản tồn tại hạn chế, bất cập, phát sinh nhiều vấn đề mới trong thực tiễn. Ảnh: MINH QUYẾT. |
Cụ thể, ông Nguyễn Nguyên cho biết liên quan đến xuất bản, xuất bản phẩm điện tử còn thiếu các quy định về xử lý mối quan hệ giữa phát hành xuất bản phẩm điện tử và các hình thức hoạt động thư viện số, thư viện điện tử, thiếu quy định về hoạt động kinh doanh, phát hành xuất bản phẩm trên mạng Internet, sàn thương mại điện tử, chưa có quy định việc cấp phép đối với xuất bản tài liệu không kinh doanh trên môi trường điện tử...
Các loại hình xuất bản điện tử phát triển kéo theo hành vi vi phạm bản quyền ngày càng phức tạp. |
Bên cạnh đó, sự phát triển của các loại hình xuất bản điện tử kéo theo hành vi vi phạm bản quyền ngày càng phức tạp. Các hành vi phát tán sách điện tử tràn lan trên mạng ngày càng tinh vi và khó xử lý. Vậy nên, nhiều đại biểu đề xuất xử lý nghiêm những sai phạm trong hoạt động xuất bản, phát hành sách để bảo vệ quyền lợi của các nhà xuất bản và bảo vệ độc giả.
Để tháo gỡ các hạn chế, bất cập, ngành xuất bản, in và phát hành kiến nghị cần có chỉ thị thay thế Chỉ thị 42-CT/TW về nâng cao chất lượng toàn diện của hoạt động xuất bản nhằm xác định quan điểm, định hướng cho sửa đổi Luật Xuất bản, đáp ứng yêu cầu của của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và chuyển đổi số. Quốc hội (khóa XV) xem xét giao Bộ Thông tin và Truyền thông lập hồ sơ sửa đổi, bổ sung Luật Xuất bản vào năm 2024.