Theo Bộ GD&ĐT, sau 10 năm triển khai Nghị quyết 29, kết quả ấn tượng là hệ thống giáo dục quốc dân cơ bản được hoàn thiện theo hướng mở, liên thông giữa các cấp học, trình độ và giữa các phương thức giáo dục, đào tạo. Quy mô giáo dục và mạng lưới cơ sở giáo dục phát triển, đáp ứng tốt hơn nhu cầu học tập suốt đời của người dân. Đồng thời ngành giáo dục cũng triển khai Chương trình Giáo dục phổ thông mới, chuyển từ nặng về truyền thụ kiến thức sang phát triển toàn diện, phẩm chất, năng lực học sinh.
Tuy nhiên, theo Bộ GD& ĐT, sau 10 năm triển khai Nghị quyết, vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế. Ví như, đối với cơ cấu, số lượng giáo viên mầm non, phổ thông, vẫn còn tình trạng thừa, thiếu cục bộ; chất lượng đội ngũ giáo viên chưa đồng đều giữa các vùng, miền. Lương của nhà giáo chưa được ưu tiên xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp, chưa đáp ứng mục tiêu đặt ra trong Nghị quyết 29-NQ/TW.
Học sinh Trường phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học và THCS Mồ Dề, huyện Mù Cang Chải, Yên Bái trong giờ ra chơi Ảnh: Nghiêm Huê |
Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh lưu ý trong các giải pháp xây dựng văn hóa học đường cần lưu ý tập trung chỉ đạo, chú trọng xây dựng môi trường học đường lành mạnh, con người chuẩn mực; kiên trì xây dựng và ban hành các hệ giá trị văn hóa trong trường học; có giải pháp hiệu quả để xây dựng giá trị trung thực trong giáo dục, chống bệnh thành tích.
Bộ GD&ĐT cho biết, giai đoạn 2015 - 2019, phương thức tuyển sinh ĐH, CĐ được đổi mới căn bản theo hướng giao quyền tự chủ tuyển sinh cho các cơ sở giáo dục ĐH với các phương thức tuyển sinh đa dạng, tăng cơ hội lựa chọn cho thí sinh. Thí sinh có thể đăng kí nhiều nguyện vọng chọn trường, chọn ngành sau khi có kết quả thi tốt nghiệp THPT. Hầu hết các cơ sở giáo dục ĐH đã xây dựng chương trình đào tạo theo tín chỉ và thực hiện chuyển đổi từ quy trình đào tạo theo niên chế sang học tín chỉ. Thực hiện đánh giá kết quả học tập của sinh viên theo niên chế kết hợp với học phần; đa dạng các phương pháp đánh giá như viết tự luận và trắc nghiệm khách quan, thực hành, tiểu luận, vấn đáp … bảo đảm đánh giá chính xác năng lực người học.
Tiếp tục đề xuất lương nhà giáo cao nhất trong thang bảng lương
Tại phần thảo luận, vấn đề tiền lương, chính sách đãi ngộ cho nhà giáo một lần nữa lại được các địa phương đề cập.
Ông Dương Xuân Huyên, Phó chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn kiến nghị, Chính phủ nên giao đủ số lượng biên chế để ở đâu có học sinh, thì ở đó có giáo viên, đồng thời sớm có cơ chế, chính sách tăng lương cho nhà giáo, đảm bảo đội ngũ được yên tâm gắn bó với nghề.
Ông Trần Thế Cương, Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội cho biết, số lượng học sinh tăng nhanh, hằng năm địa phương phải xây mới 35-40 trường học mới đáp ứng chỗ học. Ông Cương cũng kiến nghị cơ quan quản lý ưu tiên quỹ đất, nhất là các quận nội đô để xây trường học công lập đáp ứng nhu cầu học tập của học sinh.
Ngoài phản ánh thực trạng điều kiện dạy học còn nhiều khó khăn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu Phan Thanh Duy cho biết, vấn đề thừa- thiếu giáo viên cục bộ chưa được giải quyết triệt để. Chất lượng giáo dục giữa thành thị và nông thôn còn chênh lệch khá lớn. Theo ông Duy, thời gian tới cần phải đổi mới căn bản hình thức và phương pháp kiểm tra, thi và đánh giá chất lượng giáo dục, bảo đảm trung thực, khách quan, chính xác, theo yêu cầu phát triển năng lực, phẩm chất người học.
Về vấn đề chế độ, chính sách của đội ngũ nhà giáo, ông Lê Mạnh Hùng, Phó Chủ tịch thường trực Hội khuyến học Việt Nam cho rằng, phản ánh định hướng xã hội nằm ở 3 vấn đề gồm: giáo dục, y tế và an sinh xã hội. “Đầu tư cho giáo dục, đầu tư cho thầy cô giáo, sao không bắt đầu từ lương, để đội ngũ thầy cô giáo yên tâm công tác? Và câu chuyện giáo viên khóc khi viết đơn xin ra khỏi ngành khiến nhiều người không khỏi xót xa”, ông Hùng trăn trở.
Hai vấn đề tiền và con người
Tại Hội nghị, PGS. TS Bùi Anh Tuấn, Hiệu trưởng Trường ĐH Ngoại thương khẳng định các cơ sở giáo dục ĐH đã chuyển mạnh quá trình giáo dục từ chủ yếu trang bị kiến thức sang phát triển toàn diện năng lực và phẩm chất người học; xây dựng nhiều mô hình gắn kết giữa nhà trường và doanh nghiệp trong đào tạo, nghiên cứu có hiệu quả. PGS.TS Bùi Anh Tuấn đề nghị Chính phủ, Bộ GD&ĐT xem xét xây dựng Nghị định mới về tự chủ đại học để tạo sự đột phá cho sự phát triển trong bối cảnh mới.
Phát biểu kết luận, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn khẳng định: thời điểm bắt đầu đổi mới, giáo dục xuất phát thấp, khó khăn nhiều, điều kiện khó, kỳ vọng lớn, mong muốn cao nên để đạt được kết quả tốt cho thấy sự cố gắng vượt bậc của các bộ, ban, ngành và các địa phương.
Bộ GD&ĐT sẽ kiến nghị với Bộ Chính trị để đưa vào kết luận một trong những nội dung quan trọng như: yêu cầu về việc kiên trì định hướng đổi mới. Những năm tới, đặt ra nhiều thách thức mà ở thời điểm ban hành Nghị quyết chưa có điều kiện phân tích và đề cập tới nhiều như: phát triển con người ở thời đại kinh tế thị trường đang phát triển mạnh, thời đại công nghệ số, không gian số, trí tuệ nhân tạo; chênh lệch giàu nghèo càng lớn có nguy cơ mất bình đẳng trong giáo dục gia tăng. “Lâu nay, chúng ta thường nói tới bệnh thành tích nhưng sẽ còn những vấn đề lớn phía trước, vấn đề của giá trị ảo, đối mặt với vấn đề phi truyền thống, mô hình trường học mới. Cả vấn đề phải ứng xử; giá trị thực và giá trị ảo”, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nói.
Cũng theo Bộ trưởng Sơn, trong kết luận đề xuất Bộ chính trị sẽ xoay quanh 3 vấn đề liên quan nhận thức, thể chế và nguồn lực. Trong đó, nhận thức đầy đủ, thấu đáo về đầu tư cho giáo dục là rất quan trọng và cần có hành động tương xứng. Theo ông Sơn vấn đề nguồn lực gồm tài chính giáo dục, đầu tư cho giáo dục và nguồn lực con người. Hai từ khoá rất quan trọng là tiền và con người. Cần phải nhận thức sâu sắc và toàn diện vai trò có tính chất quyết định của lực lượng nhà giáo trong công cuộc đổi mới và chắc chắn sẽ phải làm nhiều việc hơn nữa trong phát triển đội ngũ nhà giáo để hoàn tất các mục tiêu đổi mới giáo dục trong thời gian sắp tới.