1. Hội Gò Đống Đa
Hội diễn ra hàng năm vào ngày mùng 5 Tết Nguyên đán tại Gò Đống Đa, phường Quang Trung, quận Đống Đa, Hà Nội.
Đây là lễ hội chiến thắng, được tổ chức để tưởng nhớ tới công tích lẫy lừng của vua Quang Trung - người anh hùng trong lịch sử chống giặc ngoại xâm của dân tộc.
Trong ngày hội có nhiều trò chơi vui khỏe, thể hiện rõ tinh thần thượng võ.
Lễ hội Gò Đống Đa. Ảnh: Thanh Hà
2. Lễ hội chùa Hương
Đây là lễ hội thu hút sự chú ý của đông đảo cư dân cả nước mỗi dịp Xuân về. Theo thông lệ, ngày khai hội từ mồng 6 âm lịch và kéo dài hết tháng 3, tại xã Hương Sơn, huyện Mỹ Đức, Hà Nội.
Lễ hội Chùa Hương năm 2017. Ảnh: Hoàng Phong
Trong những ngày tổ chức lễ hội, chùa Hương tấp nập vào ra hàng ngàn thuyền khách. Du khách đến chùa Hương không chỉ được tham gia vào hành trình về cõi Phật, mà còn được đắm mình trong không gian của non nước mênh mông với hàng giờ ngồi thuyền ngắm cảnh.
3. Lễ hội thờ Tản Viên Sơn Thánh
Việc tục thờ Tản Viên Sơn Thánh được công nhận nhằm bảo tồn và phát huy các giá trị văn hoá tinh thần của cộng đồng các dân tộc Việt Nam đối với công đức của Đức Thánh Tản Viên Sơn.
Năm nay, lễ hội Tản Viên Sơn Thánh diễn ra trong 3 ngày mồng 8, 9, 10 tháng Giêng với các chương trình lễ hội như: các trò chơi dân gian, chợ quê ẩm thực...
Đặc biệt, vào ngày chính hội, mồng 10 tháng Giêng, sẽ diễn ra Lễ đón nhận Bằng Tục thờ Tản Viên Sơn thánh là di sản văn hoá phi vật thể quốc gia, khai hội Tản Viên Sơn Thánh.
Buổi lễ được tổ chức tại di tích lịch sử văn hóa đền Hạ, xã Minh Quang; tổ chức dâng hương tại di tích đền Đền Thượng, Đền Trung, Đền Hạ.
4. Lễ họi Tịch điền Đọi Sơn
Diễn ra từ mồng 5 đến mồng 7 tháng Giêng, lễ hội mang ý nghĩa khuyến nông, có lịch sử diễn ra từ thế kỷ X trên quê hương vua Lê Đại Hành.
Sau nhiều năm thất truyền, lễ hội Tịch Điền được khôi phục năm 2009 vào mồng 7 tháng Giêng âm lịch.
Lễ hội Tịch Điền. Ảnh: Thanh Hà
Phần lễ gồm lễ cáo yết xin thành hoàng cho mở lễ hội tại Đình Đọi Tam, Lễ rước nước, Lễ Sái tịnh tại khu vực Đàn tế Thần nông, Lễ cầu an, Lễ Rước kiệu và Lễ Tịch Điền.
5. Lễ hội đền Gióng
Khai hội vào ngày 6/1 âm lịch hàng năm, lễ hội đền Gióng được tổ chức tại xã Phù Linh, huyện Sóc Sơn (Hà Nội). Theo truyền thuyết đây chính là nơi dừng chân cuối cùng của Thanh Gióng trước khi bay về trời.
Lễ hội diễn ra trong ba ngày với đầy đủ các nghi lễ truyền thống như: lễ khai quang, lễ rước, lễ dâng hương, dâng hoa tre lên đền Thượng, nơi thờ Thánh Gióng.
Ngày chính hội là mùng 7, ngày thánh hóa theo truyền thuyết. Nghi lễ chủ yếu trong ngày chính hội là dâng hoa tre ở đền Thượng (thờ Thánh Gióng) và chém tướng giặc.
6. Lễ hội chợ Viềng
Chợ Viềng diễn ra vào nửa đêm, nhưng từ chiều mùng 7 tháng giêng hàng năm, du khách các nơi lại nườm nượp đổ về hội chợ Viềng ở xã Kim Thái, huyện Vụ Bản (Nam Định). Đây là phiên chợ chỉ diễn ra 1 lần trong năm, được gọi là chợ mua hàng cầu may.
Chợ Viềng hoạt động nhộn nhịp lúc nửa đêm. Ảnh: Thanh Hà
Ngoài chợ Viềng, các du khách còn được trẩy hội Phủ Dày vào mồng 8 tháng Giêng. Phủ Dày là một trong những phủ thờ bà Chúa Liễu Hạnh trong "tứ bất tử" ở Việt Nam.
7. Lễ hội Yên Tử
Lễ hội bắt đầu từ ngày 10 tháng Giêng kéo dài hết tháng 3 âm lịch. Du khách đổ về Yên Tử (Quảng Ninh) để được chạm tới ngôi chùa làm bằng đồng nằm trên đỉnh non thiêng.
Năm nay, lần đầu tiên lễ khai hội được tổ chức tại Trung tâm văn hóa Trúc Lâm thuộc dự án Khu trung tâm lễ hội Yên Tử.
Ngoài ra, trong khuôn khổ lễ hội Yên Tử còn có Lễ hội Hoa Anh đào - Mai vàng Yên Tử, Lễ hội đền, chùa Hang Son, Lễ hội khai xuân chùa Ba Vàng…
8. Lễ hội Lim
Hội Lim là một lễ hội lớn của tỉnh Bắc Ninh, chính hội được tổ chức vào ngày 13 tháng Giêng hàng năm, trên địa bàn huyện Tiên Du.
Lễ hội có nguồn gốc từ hội chùa, hội hát, liên quan đến tiếng hát của chàng Trương Chi trong truyền thuyết Trương Chi - Mỵ Nương.
Hát quan họ ở hội Lim. Ảnh: Hồng Vĩnh
Trong những ngày lễ, nhiều trò chơi dân gian như đấu võ, đấu vật, đấu cờ, đu tiên, thi dệt cửi, nấu cơm được tổ chức. Đặc sắc hơn cả là phần hát hội.
9. Khai ấn đền Trần
Lễ hội diễn ra tại đền Trần - Nam Định, là một trong những lễ hội khai xuân lớn nhất trong năm, diễn ra từ ngày 11-16 tháng giêng.
Ngoài lễ phát ấn lúc giữa đêm 14 và mở đầu ngày 15 tháng giêng, lễ hội còn tổ chức xen kẽ các hoạt động hội truyền thống gồm múa lân, múa rồng, hát chèo, hát chầu văn, thi đấu cờ người, đấu vật...
Nghi thức phát ấn đền Trần. Ảnh: Thanh Phong
Lễ khai ấn là một tập tục văn hóa mang tính nhân văn để nhà vua tế lễ Trời, Đất, Tiên tổ thể hiện lòng thành kính biết ơn non sông, cha ông. Và cũng là "tín hiệu nhắc nhở" chấm dứt ngày Tết, thực sự bắt tay vào công việc.
Gần đây, ngày càng nhiều người tới hành lễ tại đền Trần vào dịp hội với mong muốn năm mới thành đạt và phát tài.
10. Lễ hội Bà Chúa Kho
Khai hội vào ngày 14 tháng giêng, nhưng từ đầu năm, mỗi ngày, khu đền Bà Chúa Kho (tại làng Cổ Mễ, phường Vũ Ninh, TP. Bắc Ninh) luôn chật kín người.
Đa số người làm ăn đến hành lễ “vay vốn” đền Bà Chúa Kho với mong muốn cầu cho công việc trong năm mới được suôn sẻ, phát đạt.
Để lời cầu xin được đến tai bà, mỗi thân chủ phải ghi rõ trong sớ là vay bao nhiêu, làm gì, và đặc biệt là phải nói rõ một năm, hai năm, hay năm năm sau sẽ trả, tức là tạ lễ.