Bình Thuận

1 người tử vong, gần chục tàu thuyền bị chìm do bão số 9

0:00 / 0:00
0:00
1 người tử vong, gần chục tàu thuyền bị chìm do bão số 9
TPO - Ngày 19/12, UBND huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận cho biết, do ảnh hưởng bão số 9 (RAI), trên vùng biển xã Chí Công có 8 chiếc thuyền bị trôi dạt vào bờ và chìm, khiến 1 người tử vong.

Trong đó, có 3 thuyền bị trôi dạt gồm các tàu BTh-86846TS do Hồ Chí Linh (SN 1993, xóm 22, thôn Hà Thủy 2, xã Chí Công) làm chủ thuyền; tàu BTh-84815TS do ông Nguyễn Minh Dũng (SN 1974, xóm 21, thôn Hà Thủy 2, xã Chí Công) làm chủ; tàu cá BTh 302 TP do ông Phạm Tấn Hưng (xóm 25, thôn Hà Thuỷ 3, xã Chí Công) làm chủ.

Số tàu bị chìm là 5 chiếc, gồm các tàu có biển kiểm soát BTh-96286TS; BTh-89235TP; BTh-405-TP; BTh-87775TS và 1 thuyền nhỏ không có biển kiểm soát của ông Đỗ Minh Đức (SN 1969, xóm 17, thôn Hà Thủy 1, xã Chí Công).

Một người bị tử vong là anh Lê Văn K. (SN 1983, xóm 17, thôn Hà Thủy 1, xã Chí Công), là chủ tàu cá BV 90289TS. Nguyên nhân được xác định, lúc 8h30 phút sáng 19/12, anh K. bơi thúng chai ra tàu cá để neo đậu lại tàu, nhưng gặp gió to nên lật thúng. Cạnh thúng đập vào đầu dẫn đến tử vong. Sau đó, người dân phát hiện thi thể anh K. trôi dạt vào bờ tại thôn Thanh Tân, xã Chí Công. Hiện thi thể anh K. đã được bàn giao cho gia đình.

Trước đó, từ sáng 18/12, tỉnh Bình Thuận đã cấm tàu thuyền, phương tiện vận tải hoạt động và đánh bắt hải sản trên biển. Đồng thời, tổ chức kiểm đếm, hướng dẫn các chủ phương tiện, kêu gọi các tàu đang hoạt động trên biển vào bờ hoặc tìm nơi trú ẩn an toàn.

Tỉnh Bình Thuận có 7.684 tàu thuyền đánh bắt hải sản với gần 42.000 lao động. Tính đến chiều 17/12, còn 1.182 chiếc tàu thuyền với hơn 7.000 lao động đang hoạt động trên biển. Trong đó có 155 tàu đánh bắt xa bờ và hơn 1.000 tàu thuyền đánh bắt ven bờ. Tỉnh Bình Thuận cũng đã thông tin bão, hướng dẫn các tàu thuyền này vào nơi trú tránh.

Trước diễn biến khó lường của siêu bão Rai, UBND tỉnh Bình Thuận yêu cầu các sở, ngành liên quan cùng với các địa phương ven biển tổ chức hướng dẫn neo đậu, sắp xếp tàu thuyền tại các bến bãi đảm bảo an toàn cho người và phương tiện. Các tàu nhỏ công suất dưới 30CV phải kéo lên bờ để bảo đảm an toàn trong trường hợp bão đổ bộ trực tiếp.

Các địa phương khác cũng khẩn trương tổ chức kiểm tra các vùng trọng điểm, vùng thường xuyên bị sạt lở khi bão đổ bộ. Triển khai ngay kế hoạch sơ tán dân ra khỏi các vùng nguy hiểm ven biển, cửa sông nguy cơ bị sóng biển, triều cường gây nước dâng cao ở các vùng trũng, ngập lụt. Cắt tỉa cây xanh, chằng chống nhà cửa, kho tàng, trường học, công sở, các khu vực có lồng, bè nuôi trồng thủy sản trên biển nhất là huyện Phú Quý, Tuy Phong.

Riêng huyện đảo Phú Quý cần chủ động trong mọi tình huống, không để bị động khi bị cô lập, nhất là tình huống khi bị chia cắt giữa đảo với đất liền khi bão vào biển Đông ảnh hưởng trực tiếp. Sẵn sàng lực lượng, vật tư, phương tiện, nhu yếu phẩm, thuốc y tế để ứng phó, khắc phục sự cố, bảo đảm an toàn trên biển nhưng cũng phải đáp ứng yêu cầu phòng chống dịch COVID-19.

Trong khi đó, huyện Tuy Phong đã đưa hơn 1.300 chiếc tàu thuyền vào khu neo đậu an toàn. Còn các xã vùng ven biển có nguy cơ cao khi bão đổ bộ vào như Bình Thạnh, Chí Công, Phước Thể… đã thông báo đến người dân biết để chủ động ứng phó.

MỚI - NÓNG