Để cứu nguy, liên tục 3 ngày qua, thành phố Hội An đã huy động hơn 300 dân quân tự vệ ở các xã, phường cùng người dân địa phương đồng loạt ra quân gia cố bờ biển bằng cách cừ cọc tre và kè bằng bao tải cát.
Bám biển trong 2 ngày qua, anh Trần Văn Đông - Phó BCH Quân sự phường Thanh Hà, cho biết: “20 anh em dân quân phường đã và đang thực hiện nhiệm vụ bất kể ngày đêm. Bằng mọi cách phải giữ được bờ biển cho bà con Cửa Đại, cho Hội An !”
Có mặt tại hiện trường sáng nay, 25/11, ông Nguyễn Văn Dũng – Chủ tịch UBND thành phố Hội An cho hay, giải pháp kè bằng cọc tre và bao tải cát cho đoạn bờ biển hiện chỉ là tạm thời” – ông Dũng nói.
Đóng cọc tre đoạn vực sâu 5 mét
Về lâu dài, Hội An đã giao các cơ quan chức năng lập hồ sơ kỹ thuật để áp dựng công nghệ thi công kè như khu nghỉ dưỡng Victoria Hội An đã áp dụng và đang phát huy hiệu quả.
Dự kiến, thành phố sẽ tạo đê quay chắn sóng cách bờ 60 mét, áp dụng theo công nghệ của Hà Lan. Theo đó, cát được bơm vào túi Geotube, còn gọi là bao tải “địa kỹ thuật” với mục đích kè mềm từ xa, bảo vệ bờ từ nền hiện hữu, mặt đê quay không cao hơn mực nước biển, dưới đáy thả túi cát, phía trên phủ bạt, ngoài cùng có túi giữ cát tự tạo nhằm ngăn sóng từ xa, không cho sóng đánh trực tiếp vào khu vực.
Phương pháp thi công là dùng xà lan chở cát tập kết xuống biển, sau đó dùng ống hút vào túi đầy đưa vào vị trí tập kết; ngoài đê chắn sóng, cứ 50 mét sẽ xây dựng một mỏ hàn.
“Đê quay sẽ được thi công dài 1.100 mét, bắt đầu từ đoạn giáp với khu nghỉ dưỡng Victoria Hội An lên đoạn kè mềm 400 mét đã thi công, tiếp sang đoạn 350 mét đang bị sạt lở lên đến đoạn có nguy cơ sạt lở giáp với Khu nghỉ dưỡng Agribank Hội An.
Hiện thành phố đang làm văn bản báo cáo tỉnh và trung ương để xem xét hỗ trợ. Được biết, khi thi công theo công nghệ này, cứ 100 mét sẽ tốn khoảng 3 tỷ đồng, cả đoạn sẽ cần từ 33 đến 35 tỷ đồng” - ông Dũng nói thêm.