> Văn nghệ sĩ, nhà báo trẻ góp ý sửa đổi hiến pháp
> Chưa quan tâm mô hình chính quyền địa phương
Nhiều ý kiến đề nghị bổ sung quy định về thanh niên, khẳng định vai trò và trách nhiệm của thế hệ trẻ, khẳng định sự cần thiết hiến định vai trò lãnh đạo của Đảng.?
Cần có một điều về thanh niên
Nhà thơ, dịch giả Hữu Việt (Phó Tổng Biên tập báo Phụ nữ Thủ đô) nói: “Có người cho rằng, thế hệ trẻ ngày nay rất khỏe mạnh, thông minh, giỏi giang, nhiệt huyết. Nhưng dường như họ dùng những thế mạnh ấy chỉ để mưu cầu cho cuộc sống cá nhân, cho những nhu cầu vật chất và hưởng thụ ngày càng trở nên vô giới hạn của con người. Cá nhân tôi cho rằng, một trong những nguyên nhân của hiện tượng này phải chăng là thanh niên bị người lớn bỏ mặc hoặc định hướng sai, để thế mạnh và khát vọng của họ chuyển hướng”.
Nếu bỏ điều 66 trong Hiến pháp 1992 hiện hành thì Dự thảo sửa đổi sẽ không còn điều khoản nào khẳng định vai trò, vị trí của thanh niên, cũng như trách nhiệm nhà nước, gia đình và xã hội đối với thế hệ trẻ. Từ những phân tích trên, nhiều đại biểu chung quan điểm nên giữ lại Điều 66 quy định về thanh niên, đồng thời có thể bổ sung điều khoản để phù hợp tình hình thực tiễn đời sống.
Nhà thơ Hữu Việt nói: “Tôi đồng ý với một số ý kiến về việc giữ lại điều 66 hoặc có thể bổ sung vào điều khoản về các tổ chức đoàn thể trong điều 9 hoặc điều 10 của Hiến pháp sửa đổi, để khẳng định vị trí, vai trò của thanh niên trong hệ thống chính trị của nước ta, cũng như sự ưu việt của chế độ ta”.
Nhà báo Đinh Thị Nguyệt Minh (báo Thanh Niên) cũng kiến nghị “giữ lại quy định hiện hành tại điều 36 và 66 của Hiến pháp 1992, hoặc quy định một điều mới về thanh niên, về vai trò của Đoàn TNCS Hồ Chí Minh trong hiến pháp sửa đổi ở chương Chế độ chính trị”.
Nhà báo Nguyễn Ngọc Tiến (báo Tiền Phong) đề xuất, trong Hiến pháp cần bổ sung nội dung: “Thế hệ trẻ Việt Nam được chăm lo, giáo dục và trọng dụng, đặc biệt là những tài năng trẻ của đất nước”. Trên cơ sở này, Quốc hội cần có luật về công tác phát hiện, bồi dưỡng, trọng dụng nhân tài, trong đó có tài năng trẻ, cán bộ trẻ. Có như vậy, các cơ quan, bộ, ngành mới thay đổi trong nhận thức, tư duy trong bố trí, quy hoạch cán bộ trẻ.
Nhà báo Ngọc Tiến cho rằng, hiện nay các khâu từ phát hiện, tuyển chọn, đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng và đãi ngộ, tôn vinh nhân tài đều chưa được cụ thể hóa bằng những văn bản pháp lý. Nhiều người trẻ vẫn chưa được tin tưởng, trọng dụng.
Cán bộ trẻ tham gia cấp ủy tại nhiều địa phương đều không đạt tỷ lệ yêu cầu. Tại nhiều địa phương, khi được xem xét giữ những chức vụ nhất định, người cán bộ đã mất đi sự nhanh nhẹn, sáng tạo của tuổi trẻ. Do vậy, cần hiến định nội dung về trọng dụng nhân tài.
Phát biểu vấn đề thanh niên, GS.TS Hoàng Chí Bảo, Ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương, cho rằng, việc Dự thảo Hiến pháp đợt này không có một điều về thanh niên chỉ là về mặt hình thức; không ảnh hưởng gì nếu quy định về thanh niên thẩm thấu vào các điều khác, các chương khác.
Nhưng, theo ông Bảo, việc giữ lại điều về thanh niên là cần thiết. “Đây là sự khẳng định rành mạch, minh bạch về pháp lý đối với một tổ chức rất quan trọng trong hệ thống chính trị.
Tại sao chúng ta có một điều về Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, một điều về Công đoàn Việt Nam mà lại không có điều nào về Đoàn thanh niên”, GS Bảo nhấn mạnh. GS Bảo cho rằng, cần bổ sung quy định về trọng dụng nhân tài trong Hiến pháp.
Đề cao tính nhân văn của hiến pháp
Từ những trải nghiệm của thực tế công tác và cuộc sống tại nhiều vùng miền trên cả nước, NSƯT Cao Ngọc Ánh, Phó Trưởng đoàn Ca Múa Nhạc - Nhà hát Tuổi trẻ, đánh giá cao điều 44, chương II trong dự thảo quy định: “Mọi người có quyền hưởng thụ các giá trị văn hóa, tham gia vào đời sống văn hóa, sử dụng các cơ sở văn hóa, tiếp cận các giá trị văn hóa”.
Theo chị Ánh, để thực hiện được quyền hưởng thụ các giá trị văn hóa cho mọi người, Nhà nước cần đầu tư cho những đơn vị làm văn hóa, tạo điều kiện để họ phục vụ tốt nhất cho nhân dân, đưa hiến pháp vào đời sống.
Chị Ánh nhấn mạnh: “Cần chú trọng hơn đến an sinh cho văn hóa vì văn hóa là nền tảng tinh thần, vừa là mục tiêu vừa là động lực thúc đẩy kinh tế- xã hội phát triển...Dự thảo bổ sung điều 63 thể hiện tính ưu việt của chế độ và tính nhân văn của hiến pháp”.
Nhà thơ Hữu Việt nhận định: “Điều 64 (sửa đổi, bổ sung các điều 30, 31, 32, 33 và 34 Hiến pháp 1992), phần về văn học, nghệ thuật khá ngắn gọn, cô đọng.
Tuy nhiên, cả hai điều 32 và 33 của Hiến pháp 1992 nay chỉ gộp lại còn khoản 2 của điều 64 là chưa đánh giá hết vai trò của văn học, nghệ thuật”.
Ông Việt đề nghị giữ lại nội dung Nhà nước bảo trợ để phát triển các tài năng sáng tạo văn hóa, nghệ thuật như trong Hiến pháp 1992. “Giữ lại điều này là khẳng định tính ưu việt của xã hội ta và khuyến khích các tài năng văn học, nghệ thuật”, ông nói.
Phát biểu kết luận hội nghị, Bí thư T.Ư Đoàn Dương Văn An cho rằng, các nhà báo, văn nghệ sĩ trẻ đã nghiên cứu, đóng góp những ý kiến sâu sắc, xác đáng, chi tiết cho Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992.
“Chúng tôi sẽ tổng hợp ý kiến và báo cáo lên Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp”, anh An nói. Anh An yêu cầu các đơn vị báo chí, xuất bản của T.Ư Đoàn cũng như các đơn vị tỉnh, thành Đoàn trực thuộc tiếp tục lấy ý kiến đóng góp của nhân dân, đặc biệt là đoàn viên, thanh niên...
GS.TS. Hoàng Chí Bảo, Ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương: Tham nhũng là nguy hiểm nhất Đây thực sự là bản hiến pháp của đổi mới, phát triển, hiện đại hóa; là bản hiến pháp dân chủ và thực hành dân chủ. Hiện nay suy cho cùng là phải chống được tham nhũng. Nếu không chống được tham nhũng, toàn bộ cơ đồ sự nghiệp của chúng ta sẽ thành mây khói. Trong tác phẩm Quốc lệnh được Chủ tịch Hồ Chí Minh viết lúc sinh thời, từ điều 1 đến điều 10, phần trừng phạt những kẻ phản quốc hại dân, tham nhũng, tham ô lãng phí đều ghi tử hình hết, tức là biện pháp cao nhất để trừng trị. Gần đây, những nghiên cứu của chúng ta về tham nhũng đạt đến nhận thức không chỉ nói tham nhũng về tài chính, kinh tế mà tham nhũng nguy hiểm nhất là tham nhũng quyền lực, tham nhũng chính sách, tham nhũng chính trị. Đó là tham nhũng đẻ ra tham nhũng và dẫn xã hội đến độ tự hủy hoại, tự phá hủy. Tôi rất muốn trong tinh thần ấy, Hiến pháp đề cao dân chủ, thực hành dân chủ, xử lý nghiêm khắc những gì hại dân hại nước, hiện nay tiêu điểm nhất là tham nhũng. Điều này liên quan tới các điều khoản trong mô hình tổ chức, cơ cấu quyền lực, bản chất của nhà nước, đảm bảo quyền lực của nhân dân không bị tổn thương nhờ chính sự kiểm soát của nhân dân. Mai Xuân Tùng - Trường Phong |
Nhà thơ Hữu Việt nói: “Sự ra đi của nghệ nhân Hà Thị Cầu trong nghèo khó cách đây vài hôm và nỗi niềm, mong muốn của những người bảo tồn văn hóa dân gian là nỗi xót xa có thật. Năm ngoái, chúng tôi vào thăm nhà cụ, thấy cụ nghèo khó quá, đến mức cái chăn, chiếu cũng không còn lành lặn nữa. Cụ là người hát xẩm cuối cùng của thế kỷ, là báu vật của nhân gian, đối với những người như thế, chúng ta không thể nào trợ cấp theo kiểu 200-300 nghìn đồng/tháng mà nên có khoản trợ cấp ngang bằng với công nhân, khoảng 3-4 triệu/tháng để họ có một cuộc sống bình thường. Báu vật là con người thì chỉ có một cuộc đời thôi. Do vậy, giữ lại nội dung Nhà nước bảo trợ để phát triển các tài năng sáng tạo văn hóa, nghệ thuật như trong Hiến pháp 1992 hiện hành là vô cùng cần thiết”. |