Thuốc thúc chín trái cây, độc hay không?

Xoài trồng ở huyện Định Quán, tỉnh Đồng Nai từng xuống mức giá 2.000 đồng/kg trong vụ xoài vừa qua, trong đó có nguyên nhân người tiêu dùng lo xoài bị phun thuốc kích thích tăng trưởng (ảnh lớn). Một loại thuốc làm chín nhanh các loại trái cây (ảnh nhỏ).
Xoài trồng ở huyện Định Quán, tỉnh Đồng Nai từng xuống mức giá 2.000 đồng/kg trong vụ xoài vừa qua, trong đó có nguyên nhân người tiêu dùng lo xoài bị phun thuốc kích thích tăng trưởng (ảnh lớn). Một loại thuốc làm chín nhanh các loại trái cây (ảnh nhỏ).
TP - Nông dân, thương lái thường dùng loại hóa chất kích thích cây ra hoa, đậu quả để phun, ngâm trái non xanh thành trái chín đều chỉ sau một đêm. Lãnh đạo một chi cục bảo vệ thực vật nói rằng, loại hóa chất  này không phải kịch độc như tin đồn, nhưng có hại cho da và mắt nếu quá liều.

Các cửa hàng thuốc bảo vệ thực vật luôn đắt hàng với loại thuốc làm chín trái cây nhanh chóng. Nhà vườn trồng sầu riêng, chôm chôm, mít… sử dụng loại thuốc này như một “bửu bối” thúc trái cây chín, đẹp chỉ trong vòng vài giờ. 

Trái xanh, non thành chín

 Mùa sầu riêng ở Đồng Nai đã qua, nhưng nhiều nhà vườn ở vùng Long Khánh, Thống Nhất vẫn thấy chuyện khá lạ khi trước vụ trái chín, thương lái đổ xô về các nhà vườn gom sầu riêng theo hình thức bao tiêu hết vườn, cắt cả những trái còn non. Sầu riêng bán tại vườn nhanh chóng “sốt” giá. Theo một thương lái đang thu mua sầu riêng tại khu vực Long Khánh thì sầu riêng chủ yếu được xuất sang Trung Quốc. “Do cần sản lượng nhiều trong thời gian ngắn, thị trường cung không đủ cầu nên chúng tôi phải tranh nhau mua, thậm chí đẩy giá lên cao hơn mọi năm”- thương lái này nói.

Ông Nguyễn Văn Hai, nông dân trồng sầu riêng tại ấp Núi Đỏ, thị xã Long Khánh, cho biết: “Mọi năm, sầu riêng phải già thương lái mới thu mua nhưng năm nay họ thu gom cả những trái chỉ mới đạt 50% ngày tuổi”. Để hô biến sầu riêng non thành chín, thương lái sau khi cắt quả non rồi nhúng vào một loại thuốc mà họ gọi là “thuốc thúc chín”. “Chất lượng các loại sầu riêng này rất kém vì không đủ độ ngọt, độ béo”- ông Hai thừa nhận và cho biết, vì giá tốt nên vẫn bán còn việc làm sao để trái chín là chuyện của thương lái. Ông Lê Hạ ở ấp Bàu Sen, Long Khánh nói rằng, cứ bán ra trái cây không đạt chất lượng như vậy thì mùa sau ai còn dám ăn loại sầu riêng này nữa.

 “Trồng trái cây mà không thuốc thì thua”- anh Cường, một nông dân ở xã Xuân Thạnh, huyện Thống Nhất, tỉnh Đồng Nai trả lời khi chúng tôi hỏi làm sao để “tăng phọt” cho trái cây đẹp. Theo anh Cường cùng mặt hàng trái cây như nhau, nhưng nếu sản phẩm của mình đẹp, bắt mắt thì luôn được thương lái ưu tiên mua. Nhà có vườn chôm chôm, khi trái sắp đến độ chín, anh Cường mua vài bình thuốc về pha loãng phun trực tiếp lên trái. Phun thuốc hôm trước, hôm sau vườn chôm chôm đã chín đều đồng loạt. “Ngoài trái đẹp bán được giá, thì vườn cây chín đều sẽ lợi thêm được công thu hoạch”- anh Cường nói. Anh Long, một nông dân khác chuyên trồng cây đặc sản thanh long. Anh Long đầu tư 3 ha thanh long ở xã Bàu Hàm, gần tới kỳ thu hoạch, ông chủ vườn này dùng bông gòn thấm vào một loại dung dịch trắng mà anh  gọi là thuốc sau đó vuốt đều lên trái. “Trái thanh long được ngâm thuốc sẽ tăng trọng lượng, chín đỏ, tai xanh luôn được xếp loại 1, đóng container vận chuyển đi xa rất lâu hư”- Anh Long tiết lộ và không bật mí “thuốc” này là gì, chỉ cho biết mua từ Trung Quốc.

Ông Nguyễn Thanh Hoàng, nhà ở xã Xuân Thạnh kể, vườn sầu riêng của gia đình ông và nhiều hộ khác trong vùng đều dùng loại thuốc này, nhẹ thì phun xịt lên trái, còn không thì pha thuốc vào nước nhúng cả trái vào, trái sẽ chín đều, sầu riêng, chưa đến độ chín, sầu riêng sượng cũng thành chín. Nói có sách, ông Hoàng dẫn chúng tôi ra một cửa hàng bán thuốc bảo vệ thực vật hỏi mua loại thuốc nhúng chín trái cây. Một thanh niên bán hàng đưa ra một chai thuốc dạng nước cho tôi và dặn, pha loãng thuốc bơm lên trái.

Nhìn kỹ chai thuốc, tôi mới thấy đây là loại hoocmon sinh trưởng thực vật cung cấp ethylene ngoại sinh đẩy nhanh quá trình chín của trái cây, đặc biệt thích hợp dùng cho sầu riêng, mít. Đến một cửa hàng thuốc bảo vệ thực vật khác ở xã Đông Hòa, huyện Trảng Bom, ông chủ cửa hàng cũng đưa ra loại thuốc này và giới thiệu thêm vài nhãn hiệu khác với tính năng giúp trái cây chín trên cả yêu cầu.

Người nói độc, kẻ bảo không

 Ông Nguyễn Công Tú, Phó Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ thực vật Đồng Nai cho biết, thông tin mít sử dụng thuốc “cực độc” ép chín là không đúng sự thật, gây hoang mang dư luận và làm thiệt hại lớn cho nông dân trồng mít trong tỉnh. Loại hóa chất mà một số nông dân, thương lái sử dụng làm trái mít nhanh chín là hoạt chất ethephon. Loại hóa chất này được cấp phép sử dụng phun xịt cho một số loại cây trồng để kích thích ra hoa, đậu trái. Tuy nhiên, một số nông dân, thương lái trên địa bàn tỉnh có dùng loại hoạt chất này phun vào trái cây để trái nhanh chín và có màu đẹp. “Chi cục cũng đã có khuyến cáo nông dân không sử dụng loại hoạt chất này làm ảnh hưởng đến chất lượng trái cây”- ông Tú nói.

Cũng theo ông Tú, hoạt chất làm chín nhanh khi ngấm vào trái cây chuyển hóa thành ethylene. Chất này nếu vào cơ thể con người với liều lượng mỗi ngày không vượt quá 0,05 mg/kg cân nặng vẫn an toàn. Với trọng lượng của một người là 50- 60kg thì lượng ethylene cho phép dung nạp khoảng là 2,5- 3mg/ngày. Ethylene không phải là một chất cực độc như lời đồn thổi, song nếu vào cơ thể lượng quá lớn có hại đối với da và mắt.

Trong khi đó, bà Trương Thị Thành, Trưởng phòng kỹ thuật Chi cục bảo vệ thực vật Đồng Nai tỏ ra ngạc nhiên với nhãn thuốc có công dụng làm chín nhanh sầu riêng và các loại trái cây khác. Bởi theo danh mục thuốc bảo vệ thực vật thì hoạt chất Ethephon thuộc nhóm 4 (khuyến cáo nguy hiểm), hoạt chất này khi gặp nước sẽ chuyển hóa thành ethylene được một số công ty sản xuất thuốc bảo vệ thực vật đăng ký sản xuất có công dụng kích thích mủ trên cây cao su và một số ít kích thích ra hoa trên cây dứa, xoài, nhãn, thanh long, cây cảnh. “Theo danh mục đăng ký thì chưa có ứng dụng trong việc làm trái chín nhanh. Nếu có trên thị trường thì là sai phạm về nhãn mác”- bà Thành khẳng định.

Hoạt chất làm chín nhanh khi ngấm vào trái cây chuyển hóa thành ethylene. Chất này nếu vào cơ thể con người với liều lượng mỗi ngày không vượt quá 0,05 mg/kg cân nặng vẫn an toàn.

MỚI - NÓNG
Ninh Bình có tân Giám đốc Công an
Ninh Bình có tân Giám đốc Công an
TPO - Chiều 4/11, Cục Tổ chức cán bộ, Bộ Công an đã công bố quyết định điều động, bổ nhiệm Đại tá Đinh Việt Dũng, Phó Cục trưởng Cục An ninh nội địa, Bộ Công an làm Giám đốc Công an tỉnh Ninh Bình, kể từ ngày 6/11.