Theo báo cáo của Bộ Công Thương, việc xả lũ của hồ chứa Hố Hô trong tình huống khẩn cấp, làm gia tăng lưu lượng về hạ du trung bình khoảng 192 m3/s trong khoảng thời gian từ 17h30 ngày 14/10 đến 2h ngày 15/10 đã ảnh hưởng nhất định tới việc lũ về hạ du, đặc biệt là các xã ngay sau đập. Tuy nhiên, theo Bộ Công Thương, việc xả lũ trong tình huống khẩn cấp là phù hợp với Quy trình vận hành hồ chứa để tránh nguy cơ xảy ra sự cố lớn hơn cho vùng hạ du.
Về trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị liên quan, theo Bộ Công Thương, Công ty Cổ phần Thủy điện Hồ Bốn (Chủ đập thủy điện Hố Hô) chưa thực hiện đầy đủ, nghiêm ngặt các quy định tại Quy trình vận hành hồ chứa về trách nhiệm thông tin, báo cáo. Thông báo của công ty gửi đến các cơ quan liên quan chưa đầy đủ nội dung, chưa phù hợp với tình huống vận hành công trình. Cùng đó, việc kiểm tra các hạng mục công trình trước mùa mưa lũ chưa chi tiết và khả thi; chưa đánh giá được các tình huống mất an toàn có thể xảy ra trong mùa mưa bão.
Về trách nhiệm của chính quyền địa phương khu vực công trình và hạ du, Bộ Công Thương cho rằng, địa phương chưa tổ chức diễn tập di dời, sơ tán nhân dân và tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn trên sông thuộc hạ du thủy điện Hố Hô năm 2016.
“Việc phê duyệt phương án phòng chống lũ lụt vùng hạ du công trình chưa quy định rõ trách nhiệm, nhiệm vụ của các đơn vị tham gia ứng phó và cũng chưa quy định rõ chế độ thông tin, báo cáo. Việc chỉ đạo, điều hành công tác phòng, chống lũ lụt vùng hạ du nhà máy thủy điện Hố Hô chưa thực sự phù hợp với thông tin dự báo, cảnh báo lũ và thông báo xả lũ của công trình”, Bộ Công Thương kết luận.
Bộ Công Thương cũng kiến nghị UBND các tỉnh Hà Tĩnh và Quảng Bình đánh giá, rà soát phương án chỉ huy, thực hiện công tác phòng, chống lũ lụt vùng hạ du công trình thủy điện Hố Hô đảm bảo phù hợp với điều kiện thực tế về chế độ mưa lũ, năng lực các công trình thủy lợi, thủy điện trên địa bàn, tình hình dân cư và khả năng chủ động ứng phó với thiên tai của địa phương và công tác phối hợp với nhà máy thủy điện và các cấp ở địa phương.
Bộ Công Thương cũng cho biết đã xử lý vi phạm hành chính đối với Công ty Cổ phần Thủy điện Hồ Bốn trong lĩnh vực an toàn đập. “Trường hợp tái phạm sẽ xem xét thu hồi Giấy phép hoạt động điện lực. Bộ sẽ tiếp tục theo dõi, đôn đốc, kiểm tra và hướng dẫn các chủ đập thực hiện công tác quản lý an toàn đập, công tác vận hành hồ chứa đảm bảo an toàn công trình và hạ du”, Bộ Công Thương cho biết.
Bộ Công Thương cũng yêu cầu Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Tổng công ty Điện lực Miền Bắc chỉ đạo Công ty Cổ phần Thủy điện Hồ Bốn kiểm điểm nghiêm túc các tập thể, cá nhân liên quan;. Cùng đó khẩn trương triển khai các biện pháp gia cố để chống sạt lở vai phải đập đảm bảo an toàn cho đập và nhà máy; tổ chức thực khảo sát, đánh giá tổng thể để có biện pháp xử lý triệt để khu vực vai phải đập; sửa chữa đường vận hành lên đập và vào nhà máy đảm bảo không bị chia cắt khi mưa lũ xảy ra. Công ty cũng phải lắp đặt, bổ sung các trạm quan trắc tự động để cảnh báo và chủ động vận hành an toàn công trình và ứng phó lũ lụt hạ du; Chuyển vị trí đặt máy phát điện diesel dự phòng đảm bảo sẵn sàng cung cấp điện trong mọi tình huống...
Bộ Công Thương cũng kiến nghị Bộ TN-MT xem xét xử lý vi phạm hành chính đối với Công ty Cổ phần Thủy điện Hồ Bốn trong việc quản lý vận hành, tuân thủ các quy định của Giấy phép khai thác, sử dụng nước mặt và chấp hành các quy định của pháp luật về tài nguyên nước.
”Thu hồi Giấy phép khai thác, sử dụng nước mặt nếu tái phạm và chỉ đạo Công ty Cổ phần Thủy điện Hồ Bốn có biện pháp khắc phục đầy đủ các tồn tại, hạn chế đã nêu trên và thực hiện đầy đủ các quy định của pháp luật trong lĩnh vực tài nguyên nước; Trường hợp Công ty Cổ phần Thủy điện Hồ Bốn tái phạm, Bộ TNMT xem xét, thu hồi Giấy phép khai thác, sử dụng nước mặt theo quy định”, Bộ Công Thương kiến nghị.