Quốc hội sẽ lựa chọn 2/4 nội dung giám sát năm 2018

Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc
Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc
TPO - 2/4 nội dung sẽ được Quốc hội lựa chọn giám sát thuộc về các lĩnh vực cổ phần hóa DNNN, quản lý, sử dụng nguồn vốn trái phiếu chính phủ, vốn vay nước ngoài, bảo đảm trật tự, an toàn giao thông và việc phát triển vùng dân tộc thiểu số, miền núi.

Ngày 23/5, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội trình Quốc hội dự kiến chương trình giám sát của Quốc hội năm 2018. Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, việc lựa chọn nội dung giám sát chuyên đề dựa trên các tiêu chí, là những vấn đề bức xúc, nổi lên ở tầm vĩ mô hoặc ảnh hưởng lớn đến đời sống kinh tế - xã hội, được đại biểu Quốc hội, cử tri và Nhân dân quan tâm; gắn với việc xây dựng, thi hành pháp luật; không thuộc phạm vi điều chỉnh của các luật mới có hiệu lực thi hành trong thời gian 12 tháng tính đến thời điểm đề xuất.

Các nội dung được lựa chọn cũng không trùng với các chuyên đề giám sát đã được Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiến hành giám sát trong thời gian 18 tháng tính đến thời điểm đề xuất. Đồng thời phải đảo đảm cân đối, phù hợp giữa các lĩnh vực; phạm vi giám sát phù hợp với điều kiện thực hiện của các cơ quan của Quốc hội.

Về số lượng chuyên đề giám sát của các cơ quan, trong năm 2018, đề nghị Quốc hội giám sát 2 chuyên đề tại 2 kỳ họp trong năm; Ủy ban Thường vụ Quốc hội giám sát 2 chuyên đề tại phiên họp tháng 8 và tháng 9/2018; Hội đồng Dân tộc giám sát không quá 3 chuyên đề, mỗi Ủy ban giám sát không quá 2 chuyên đề...

Theo Tổng thư ký Quốc hội, qua tổng hợp kiến nghị của các cơ quan, tính đến ngày 17/4/2016, trong tổng số 77 cơ quan cần xin ý kiến, đã nhận được văn bản trả lời của 68 cơ quan với 213 nội dung kiến nghị.

Trên cơ sở dự kiến số lượng, tiêu chí lựa chọn và nghiên cứu ý kiến kiến nghị của các cơ quan, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội xem xét, quyết định 2 trong 4 nội dung:

Việc thực hiện chính sách, pháp luật về sắp xếp, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước (dự kiến giao Uỷ ban Kinh tế giúp chủ trì về nội dung).

Việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng nguồn vốn trái phiếu chính phủ, vốn vay nước ngoài để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng phát triển kinh tế - xã hội (dự kiến giao Uỷ ban Tài chính, Ngân sách giúp chủ trì về nội dung).

Việc thi hành pháp luật về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông (dự kiến giao Uỷ ban Quốc phòng và An ninh giúp chủ trì về nội dung).

Việc thực hiện chính sách, pháp luật hỗ trợ phát triển vùng dân tộc thiểu số và miền núi (dự kiến giao Hội đồng Dân tộc giúp chủ trì về nội dung).

MỚI - NÓNG