Tài sản tham nhũng bị tẩu tán
Ngày 12/7, tại Hội nghị toàn quốc tổng kết 10 năm thực hiện Luật Phòng, chống tham nhũng (PCTN), theo Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình, tình hình tham nhũng vẫn diễn biến phức tạp trên nhiều lĩnh vực như đất đai, đầu tư công, tín dụng ngân hàng, tổ chức cán bộ... Tình trạng lợi ích nhóm cũng đang là trở lực cho phát triển đất nước.
Đồng chí Trương Hòa Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng, Ủy viên Ban chỉ đạo phòng, chống tham nhũng trao bằng khen của Thủ tướng cho các tập thể và cá nhân vì đã có thành tích trong thực hiện Luật phòng, chống tham nhũng từ năm 2005 đến năm 2015. Ảnh: Ngọc Châu.
Thống kê của Chính phủ cho thấy, trong 10 năm qua, thiệt hại do các vụ án, vụ việc tham nhũng đã gây ra và được phát hiện là 59.750 tỷ đồng và trên 400 ha đất. Nhưng TSTN mà nhà nước thu hồi được là rất thấp, chỉ đạt khoảng 4.676 tỷ đồng và trên 219 ha đất. Theo ông Phan Văn Sáu, Tổng Thanh tra Chính phủ, việc thu hồi TSTN thấp là do tham nhũng xảy ra thời gian khá lâu mới bị phát hiện nên nhiều đối tượng đã kịp cất giấu, tẩu tán, tiêu xài hoang phí. Khi bị phát hiện không còn khả năng khắc phục hậu quả.
“Xây dựng Luật Bảo vệ nhân chứng để khuyến khích người phát hiện, tố giác tội phạm, bảo vệ người dũng cảm phát hiện đấu tranh chống tham nhũng ở nội bộ các đơn vị”.
Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quý Vương
Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quý Vương cho biết, do đã được tẩu tán tinh vi, được đứng tên người khác... nên trong nhiều trường hợp rất khó xác định TSTN, thậm chí có những khoản không tách bạch được.
Trước thực trạng trên, ông Đặng Huy Hậu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh đề nghị, sớm nghiên cứu, bổ sung chế định thu hồi TSTN vào Luật PCTN để kịp thời xác minh, truy tìm tài sản bị chiếm đoạt, nâng cao tỷ lệ thu hồi tiền, tài sản bị chiếm đoạt. Việc phát hiện, thu hồi TSTN phải trở thành mục tiêu, yêu cầu, trách nhiệm của các cơ quan thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án.
Công khai tài sản, thu nhập để dân giám sát
Đề cập đến quy định về minh bạch tài sản, thu nhập, ông Phan Văn Sáu khẳng định, đây là thiết chế quan trọng để phòng ngừa tham nhũng. Tuy nhiên, các quy định về việc nộp lại quà tặng và kê khai tài sản, thu nhập hiện đều rất hình thức.
Thống kê của Chính phủ cho thấy, từ năm 2006-2015 chỉ có 879 cán bộ, công chức nộp lại quà tặng với tổng giá trị 3,3 tỷ đồng. Trong 10 năm cũng chỉ có 10 trường hợp vi phạm về quà tặng được phát hiện và xử lý.
“Tình trạng lợi dụng truyền thống văn hóa về tặng quà, cảm ơn để biếu xén, đưa hối lộ vì động cơ vụ lợi còn khá phổ biến. Quy định và việc thực hiện quy định nộp lại quà tặng còn hình thức, thiếu khả thi, hiệu quả thấp, cần phải có quy định cụ thể chế tài xử lý và thể chế hóa bằng pháp luật”, ông Sáu đề nghị.
Việc kê khai tài sản, ông Sáu cũng khẳng định, chưa giúp cho các cơ quan chức năng kiểm soát được những biến động về tài sản của người có chức vụ, quyền hạn. Trong 10 năm qua, các cơ quan chức năng chỉ phát hiện, xử lý kỷ luật 17 người kê khai tài sản không trung thực. Phân tích nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên, Phó Viện trưởng VKSND Tối cao Nguyễn Hải Phong cho rằng, do việc kê khai tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức chủ yếu vẫn dựa vào ý thức tự giác kê khai, còn việc kiểm tra tính trung thực ít được thực hiện. Chỉ đến khi sự việc bị phát hiện, các cơ quan chức năng vào cuộc, việc kiểm tra tính trung thực của các bản kê khai tài sản mới được thực hiện. Vì thế, hiệu quả của việc kê khai TSTN đạt được rất thấp.“Do thể chế, chính sách về quản lý kinh tế - xã hội trên nhiều lĩnh vực vẫn còn bất cập. Việc công khai, minh bạch còn hạn chế, chưa xóa bỏ được cơ chế “xin, cho” chính là điều kiện dung dưỡng và làm nảy sinh tham nhũng, nhất là trên lĩnh vực quản lý đất đai, đầu tư xây dựng, quản lý ngân sách, vốn, tài sản nhà nước, tổ chức - cán bộ, tín dụng, ngân hàng...”.
Ông Phan Văn Sáu, Tổng Thanh tra Chính phủ
Đại diện UBND TPHCM cho rằng, để việc kiểm soát TSTN được hiệu quả, phải kiểm soát tất cả nguồn thu nhập đầu vào, quá trình hình thành tài sản, kiểm soát việc chi tiêu dùng, chi đầu tư, việc chuyển giao tài sản cho người khác, đẩy mạnh việc thanh toán không dùng tiền mặt… Đặc biệt, lãnh đạo TPHCM kiến nghị, mở rộng cấp độ và hình thức công khai TSTN trong hệ thống mạng, thông tin kết hợp trong nội bộ tỉnh, thành phố; công khai ở địa bàn dân cư để thực hiện chức năng giám sát của xã hội và của nhân dân.
Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Chương trình thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về công tác phòng, chống vi phạm pháp luật và tội phạm, công tác thi hành án năm 2016 và các năm tiếp theo. Theo đó, Thủ tướng yêu cầu lực lượng chức năng tăng cường áp dụng các biện pháp kê biên, phong tỏa tài khoản, tài sản của các đối tượng phạm tội kinh tế, chức vụ, tham nhũng ngay từ giai đoạn điều tra nhằm chống tẩu tán tài sản, bảo đảm việc thu hồi. Đồng thời xem xét việc giảm nhẹ trách nhiệm hình sự đối với những trường hợp tích cực khắc phục hậu quả thiệt hại trong vụ án; nâng tỷ lệ thu hồi tiền, tài sản bị chiếm đoạt đạt tỷ lệ trên 60%.