Bùi Văn Phải đang trắng tay

Bùi Văn Phải đang trắng tay
TP - Bùi Văn Phải chính là ngư dân trẻ được T.Ư Đoàn trao huy hiệu Tuổi trẻ dũng cảm, được đích thân Chủ tịch nước Trương Tấn Sang nắm tay khích lệ và khen ngợi vì hành động can trường, khi tàu cháy, quyết bảo vệ cờ Tổ quốc vào tháng 3 vừa rồi.

> Ngư dân trẻ dũng cảm & lá cờ đi vào lịch sử
> Trao huy hiệu Tuổi trẻ dũng cảm cho Bùi Văn Phải

Lá cờ đi vào lịch sử hiện đang nằm trong Bảo tàng Tuổi trẻ Việt Nam. Còn anh Phải giờ đây trắng tay vì bị chủ nậu thu tàu.

Bùi Văn Phải ngày ngày ngóng ra biển, mơ trở lại Hoàng Sa
Bùi Văn Phải ngày ngày ngóng ra biển, mơ trở lại Hoàng Sa.

Anh trở về từ chuyến biển đầu tháng 8 vừa rồi, trở nên trắng tay bởi thể hiện tấm lòng hào hiệp của một thuyền trưởng: cứu bạn trong cơn hoạn nạn. Ngày tàu cập bến đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) cũng là ngày chủ nậu quyết thu hồi tàu giao người khác.

Đang lúc làm ăn, ngư dân ràn rạt xuất bến chuyến cuối năm, Phải ngày ngày một mình ngóng ra biển, đợi chờ một phép màu…

Trái đắng của lòng nghĩa hiệp

Lý Sơn những ngày biển động, nhưng hàng chục tàu thuyền vẫn xuất bến thẳng tiến Hoàng Sa - Trường Sa. Những chuyến biển cuối năm vô cùng quan trọng, đó sẽ là điềm báo hiệu cho năm tới, làm ăn được hay thất thu. Trong số tàu thuyền đó vẫn có con tàu lịch sử QNg 96382.

Nhưng, đã không còn người thuyền trưởng, người chủ tàu trẻ Bùi Văn Phải hiên ngang đứng trên mũi tàu xuất bến nữa. Anh ở nhà, nuốt nỗi buồn vào trong.

Bùi Văn Phải kể lại, mọi chuyện xuất phát từ chuyến biển đầu tháng 8 vừa rồi, khi tàu anh lai dắt tàu cá QNg 90153 TS của ngư dân Mai Văn Cường ở xã An Vĩnh (Lý Sơn) gặp tai nạn do hỏng máy tại Hoàng Sa về đảo.

Năm nay làm ăn thua lỗ nhiều quá, chủ nậu đã mấy lần gọi điện đòi thu tàu. Đặc biệt sau chuyến biển bị phía Trung Quốc bắn cháy rụi vào tháng 3 vừa rồi. Phải được lên báo, tuổi trẻ cả nước thán phục, cảm kích anh bởi lòng can trường dũng cảm.

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang trong lần ra thăm đảo Lý Sơn, trò chuyện với ngư dân đã gọi anh lên ngồi kế bên. Khi Chủ tịch nước được nghe anh kể câu chuyện hãi hùng bị bắn cháy tàu và hàng trăm nỗi khổ của ngư dân hứng chịu ngoài khơi, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã khích lệ và động viên anh cùng ngư dân Lý Sơn rất nhiều.

Sau đó, hình ảnh Bùi Văn Phải ngập tràn trên các báo. Thậm chí, hàng trăm bạn đọc ở nước ngoài thông qua mạng internet cũng viết những lời cảm phục về anh.

“Em đã rất vui và cảm ơn mọi người, hành động của em cũng bình thường thôi, ai ở vào hoàn cảnh đó cũng rứa hết” - Phải tâm sự khi nhắc lại câu chuyện.

Nhưng rồi, có ai hiểu sau những niềm vui, sự động viên khích lệ của nhiều người, Phải vẫn phải giấu vào trong một nỗi buồn và sự lo lắng. Đó là ngày ngày, anh nhận sự hồ nghi từ phía chủ nậu con tàu.

“Em đã cố gắng giải thích nhưng chủ nậu không chịu, họ cho rằng phải thu tàu để giao cho người khác hiệu quả hơn. Con tàu cá trị giá trên 500 triệu đồng, mình chỉ có 25% giá trị con tàu nên họ đòi thu tàu thì mình phải chịu chứ biết làm sao” - Phải buồn bã nói.

 Thanh niên trẻ mà nghĩ thấu đáo được như Phải là rất hiếm 

Ông Trương Để

Con tàu QNg 96382 vốn gắn bó với Phải, cùng nhau vượt qua bao buồn vui, hiểm nguy giữa biển cả. Nguồn cơn câu chuyện, cuối năm 2010, qua nhờ mối mai của bạn bè, anh nhận tàu của một chủ nậu ở đất liền để vươn khơi làm ăn, bù lại anh phải nộp trên 120 triệu đồng để hùn hạp với tỷ lệ 25%, theo giá trị con tàu do mình đứng tên.

Vài năm trước, khi tàu ăn nên làm ra, mỗi phiên biển thu về vài chục triệu đồng nên chủ nậu rất vui. Tuy nhiên, thời gian gần đây tàu của anh liên tục làm ăn thua lỗ bởi hết nhân tai đến thiên tai, nên chủ nậu quyết thu tàu giao cho người khác. Hơn một trăm triệu đồng góp vốn, giờ chủ nậu trừ vào các khoản thua lỗ như mua nhiên liệu, đá lạnh..., nên giờ giao tàu cho họ, Phải coi như trắng tay.

Ngư dân Phạm Mạnh Cường, một bạn chài đi trên tàu cá của Phải, cho biết: “Nếu chuyến biển vừa rồi thuyền trưởng Phải không quyết định lai dắt tàu cá của ngư dân Mai Văn Cường bị nạn chết máy tại Hoàng Sa về đảo, thì không đến nỗi chủ nậu đòi thu tàu”.

Theo ngư dân Cường, từ đầu năm đến nay tàu của anh Phải vươn khơi được 4 chuyến, trong đó có 2 chuyến bị lỗ vì bị tàu Trung Quốc tấn công, rồi lai dắt tàu bạn gặp nạn về đảo, không có thu nhập khiến chủ nậu thu tàu. Không có tàu để vươn khơi làm ăn, trước mắt hàng chục bạn chài đi trên tàu cá cũng chưa biết tính sao, đành đứng bờ vọng ra biển chờ cơ hội.

Ông Nguyễn Xuân Huế - Chủ tịch BQL Quỹ hỗ trợ ngư dân Quảng Ngãi, cho biết: Quỹ vừa nhận được đơn xin vay vốn ưu đãi của ngư dân Bùi Văn Phải, chúng tôi đang xem xét trường hợp này. Tuy vốn vay theo qui định không nhiều, khoảng vài trăm triệu, nhưng với khoản tiền này sẽ hỗ trợ phần nào để ngư dân Phải có điều kiện đóng tàu vươn khơi.

Đêm Lý Sơn, nghe Phải kể lại câu chuyện cứu bạn đầu tháng 8 vừa rồi. Vẫn như mọi khi, anh khiêm tốn: “Đó là chuyện thường tình trên biển. Ngư dân ra khơi ai dám chắc không gặp hoạn nạn”.

Sau khi giong tàu QNg 96382 ra khơi được mấy ngày, nằm giữa vùng biển nhiều hải sâm ở ngư trường Hoàng Sa, Bùi Văn Phải nhận được thông tin tàu cá QNg 90153 TS của ngư dân Mai Văn Cường bất ngờ bị hư hỏng máy, trong khi bão số 6 đang tràn vào biển Đông.

Dù mới vươn khơi được vài ngày nhưng trước hiểm nguy của tàu bạn, bất chấp phản đối của một số bạn chài, thuyền trưởng Bùi Văn Phải đã quyết định cho tàu tiếp cận và lai dắt tàu gặp nạn của ngư dân Cường vào bờ, khiến phiên biển này tàu anh lỗ gần 70 triệu đồng. Khoản nợ này anh phải trực tiếp gánh chịu.

“Ai ra biển mà không muốn tàu về tôm cá đầy khoang, nhưng nếu vì lẽ ấy mà bỏ mặc tàu bạn, bỏ mặc sự sống chết của họ, em không đành. Giữa biển khơi, ai lại hành động thế, em biết trước sẽ lỗ, sẽ gánh chịu nhiều hậu quả và hệ lụy, nhưng làm sao bỏ bạn khi hoạn nạn được. Dẫu vì thế mà phải nợ nần, tay trắng, em chấp nhận hết”, Phải bùi ngùi.

Chờ đợi một phép màu

Trưa nắng, tôi bắt gặp Bùi Văn Phải một mình lang thang dọc bờ biển Lý Sơn, chốc chốc anh lại ngóng về phía đại dương xa thẳm. Gần bến tàu An Hải, tiếng máy nổ, tiếng bạn thuyền giục giã nhau ra khơi, nói cười râm ran khiến nỗi buồn của Phải càng tê tái.

“Đi bạn cho thuyền khác cũng được, nhưng em không chấp nhận điều đó. Mình còn trẻ, có chí hướng, phải điều khiển con tàu của mình, vươn khơi đến ngư trường mình muốn. Mà nói thật, giờ có đi bạn, em cũng chẳng còn tiền đâu mà góp. Chỉ mong chờ một phép màu nào đó”.

Tàu thuyền Lý Sơn tấp nập ra khơi cuối năm. Ảnh: Anh Thư
Tàu thuyền Lý Sơn tấp nập ra khơi cuối năm. Ảnh: Anh Thư.

Bùi Văn Phải kể, sau lần cứu tàu bạn vừa rồi, nhiều bạn thuyền trên tàu ra sức phản đối, thậm chí còn nói anh bị… hâm. Nhưng nhiều người khác lại động viên và rất cảm phục. Lão ngư Trương Để (xã An Hải, Lý Sơn), nói: Thanh niên trẻ mà nghĩ thấu đáo được như Phải là rất hiếm. Câu chuyện giành giật ngư trường rồi bỏ mặc bạn trong lúc hoạn nạn với ngư dân Quảng Ngãi là hiếm nhưng không phải không có. Hành động của Phải, nói thật với riêng tui thì phục lăn”.

Phải kể, đúng là trong thời điểm tàu QNg của anh Cường gặp nạn, không ai gọi qua ICOM tàu anh nhờ ứng cứu. Anh Cường thuộc nghiệp đoàn An Vĩnh, còn Phải thuộc nghiệp đoàn An Hải. Thông lệ, tàu trong nghiệp đoàn An Vĩnh phải có trách nhiệm đầu tiên. “Có lẽ, mấy tàu ở An Vĩnh ở cách xa tàu anh Cường. Em nghe thông báo qua ICOM liền tới ngay”.

Phải tâm sự, điều khiến anh xót xa nhất bây giờ là “gia đình QNg 96382”, sau bao gắn bó thăng trầm với nhau giờ rã đám. Nhiều lao động thất nghiệp, khốn khổ theo anh. Sau nữa là vợ anh, đau ốm liên miên lại càng buồn khổ vì chồng thất nghiệp.

Ông Nguyễn Quốc Chinh, Chủ tịch Nghiệp đoàn nghề cá xã An Hải, cho hay: Nghiệp đoàn đã nhận được đơn xin hỗ trợ của ngư dân Bùi Văn Phải và đã gửi các ngành chức năng. Chúng tôi nghĩ trường hợp này cần có hỗ trợ thích đáng để khuyến khích động viên ngư dân phát huy tinh thần gắn kết, hỗ trợ nhau khi gặp tai nạn rủi ro trên biển. Nếu không kịp thời e rằng, sau này chẳng có ngư dân nào dám cứu tàu bạn gặp nạn, để rồi mình bị thiệt hại nặng nề.

Phải cho hay, dẫu trắng tay và gần như khánh kiệt, nhưng anh và các bạn chài vẫn đang chạy đôn chạy đáo vay mượn bạn bè, người thân để đóng tàu thỏa khát vọng vươn khơi Hoàng Sa. Đóng mới một con tàu, mất hơn 2 tỷ, khoản tiền quá lớn cho ước mơ trở lại Hoàng Sa của thuyền trưởng Bùi Văn Phải.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Hoa hậu Việt Nam 2024 toàn diện về nhan sắc, văn hóa, trí tuệ và sự cống hiến
Hoa hậu Việt Nam 2024 toàn diện về nhan sắc, văn hóa, trí tuệ và sự cống hiến
TPO - Nhà báo Phùng Công Sưởng - Tổng Biên tập báo Tiền Phong, Trưởng Ban tổ chức cuộc thi Hoa hậu Việt Nam năm 2024 - cho biết: "Với bốn trụ cột Nhan sắc - Văn hóa - Trí tuệ - Cống hiến, cuộc thi Hoa hậu Việt Nam 2024 hướng tới tìm kiếm những đại diện xuất sắc, hội tụ vẻ đẹp toàn diện về nhan sắc, trí tuệ, nền tảng văn hóa, tâm hồn và bản lĩnh”.