> Kỳ 2: Một chiều nghiêng Ba Đình
> Kỳ 1: Kỷ niệm nhỏ về một sự kiện lớn
Bệt trên Chiếu Văn kha khá lần, kể cả cái đận Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đi xe ôm đến thăm nhà văn Sơn Tùng với tư cách Sơn Tùng là ông anh, là Bí thư chi bộ với nhau trong những năm tháng ở chiến trường B2, tôi vẫn chưa hết ngờ ngợ về cái duyên quý mến của nhiều yếu nhân với cá nhân nhà văn này? Trên sân đình làng Lỗ Khê, Đông Anh sáng mồng Một Tết ấy, thấy phóng viên báo Tiền Phong, Sơn Tùng đứng ngay cạnh Bác Hồ đang mải mê ghi chép. Ông Bộ trưởng Hoàng Đức Thịnh nói với nhà báo đứng xa ra...
Bác nghe được quay lại: Ờ cái chú này phải để nhà báo đứng gần thì mới nghe được hết chứ đứng xa chữ tác đánh chữ tộ thì nguy... Rồi tấm gương người thiếu niên dũng cảm Hoa Xuân Tứ bị cụt cả hai tay trong một tai nạn vẫn học giỏi. Bài báo của Sơn Tùng đã lan nhanh vang xa khi đó và có tác dụng rất mạnh. Một phong trào học tập noi gương Hoa Xuân Tứ được phát động rộng khắp. Về sau, Bác Hồ gặp lại Sơn Tùng, thân mật hỏi vui: Này, chú viết gương Hoa Xuân Tứ tàn mà không phế chú bịa mấy chục phần trăm khai thật với Bác đi! Lần gặp Bác ấy, Sơn Tùng không ngờ lại là lần gặp cuối cùng.
Những giọt nước mắt
...Tôi ngước lên hai tấm ảnh trên vách tường nhà. Thủ tướng Phạm Văn Đồng đang thân thiết ôm lấy nhà văn. Đó là lần Thủ tướng Phạm Văn Đồng (hồi còn đương nhiệm) đọc Búp Sen Xanh biết được hoàn cảnh khó khăn của nhà văn mời đến cùng ăn cơm chuyện trò và tặng nhà cho nhà văn, nhưng Sơn Tùng đã từ chối. Thủ tướng áy náy: Thế Sơn Tùng muốn mình giúp cái gì được đây? Còn bên cạnh là ảnh nhà văn trong một vòng tay ôm siết thân ái kiêm những giọt nước mắt của một yếu nhân khác: Võ Nguyên Giáp. Sau hỏi lại mới biết tác giả tấm ảnh có hồn, bắt được thần thái của hai người trong một buổi gặp tại nhà riêng Đại tướng ấy là Trần Hồng.
Nhà văn Sơn Tùng với Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
Sau này có dịp ngồi lại với nghệ sĩ nhiếp ảnh Trần Hồng, nghe ông bộc bạch, từng chuyên chụp ảnh Đại tướng nhiều năm, nhưng lần đó nhân kỷ niệm 50 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, không rõ hai người trước đó gặp nhau nhiều lần không, nhưng chưa bao giờ thấy tướng Giáp khóc như lần gặp nhà văn Sơn Tùng ấy. Khóc thực thà mùi mẫn khiến người cầm máy ghi lại cảnh đó cũng rưng rưng.
Tôi tò mò về câu chuyện trong cuộc gặp ấy thì Trần Hồng nói không biết. Tò mò thêm với nhà văn Sơn Tùng thì ông cười nhẹ ý chừng muốn lảng sang chuyện khác... Mà chuyện ấy thế này. Nhà văn đang kể về một sĩ quan bộ đội tên lửa những năm miền Bắc tơi bời bom đạn. Người sĩ quan ấy là Nguyễn Ngọc Tân, Trung úy kỹ sư trung đoàn 238 Bộ đội tên lửa. Nhà văn Sơn Tùng biết Nguyễn Ngọc Tân cũng là tình cờ.
Năm đó, phóng viên báo Tiền Phong Sơn Tùng tìm gặp những sinh viên tốt nghiệp xuất sắc ở các trường đại học mà bây giờ quen gọi là đỗ thủ khoa... Năm ấy, Nguyễn Ngọc Tân là thủ khoa Hóa của ĐH Bách khoa xung phong vào bộ đội. Nguyễn Ngọc Tân lấy vợ, nhưng không có tuần trăng mật vì đơn vị anh phải tức tốc lên đường về phía Nam để mật phục B52. Vợ anh là Thúy Lan, giáo viên trường Nguyễn Văn Trỗi, lại sang khu sơ tán của trường tận Nam Ninh, Trung Quốc.
Xong trận mật phục ấy, từ chiến trường, Trung úy Nguyễn Ngọc Tân được lệnh trở lại Hà Nội để làm nhiệm vụ huấn luyện tiếp cho một đơn vị khoảng hơn một tuần. Nhớ người vợ mới cưới nhưng chưa bén hơi quen tiếng, Tân đánh liều điện sang Nam Ninh em về dù chỉ gặp nhau một phút... Nhớ vợ và liều điện vậy chứ Trung úy Tân không dám hy vọng. Nhưng ba ngày sau, một chiếc xe Volga đen đỗ xịch trước cổng đơn vị Tân đang làm nhiệm vụ huấn luyện.
Thì ra, khi nhận được điện, cô giáo Thúy Lan bối rối lên gặp Ban giám hiệu. Cô không biết về Hà Nội bằng cách nào để kịp gặp được chồng? Một ông cán bộ tốt bụng mách cho cô giáo Lan cái tin mật là Đại tướng Võ Nguyên Giáp đi công tác đặc biệt sang Trung Quốc ghé Nam Ninh, sắp đến thăm trường và cũng sắp về nước bằng chuyên cơ.
Cô giáo mảnh mai Thúy Lan ấy đã đánh liều gặp Đại tướng. Thúy Lan nói cháu có chồng mới cưới là kỹ sư của bộ đội tên lửa. Hòm thư là... Chồng cháu ra Hà Nội công tác đánh điện cho cháu... Không đợi cô giáo Thúy Lan nói hết, Đại tướng xúc động quay đi: Cháu đi lấy hành lý rồi cùng về với chú...
Gặp lại Sơn Tùng tại Hà Nội, niềm hạnh phúc vẫn tươi rói trên khuôn mặt dạn dày sương gió của chàng sĩ quan bộ đội tên lửa ấy. Anh Sơn Tùng ơi, nhờ Đại tướng mà bọn em đã có một tuần trăng mật tuyệt vời. Chỉ có vị Tổng tư lệnh của bộ đội Cụ Hồ mới có tâm hồn và tình thương đó!
Chàng sĩ quan bộ đội tên lửa người Hà thành ấy đã hy sinh trong một trận đánh B52 ở Vĩnh Linh mùa hè năm 1968...
Dĩ công vi thượng
Chất giọng xứ Nghệ trầm ấm xen lẫn băn khoăn khi nhà văn kể lại những buổi làm việc của nhà văn với Đại tướng tại nhà riêng ở Hoàng Diệu từ những năm đầu chín mươi của thế kỷ trước. Băn khoăn là cả những lần làm việc từ sáng xuyên sang cả chiều. Băn khoăn cái nỗi, ông đã thực sự ngạc nhiên khi chứng kiến cái mâm vẹo vọ, đúng hơn là méo mà Đại tướng mời cơm nhà văn. Đại tướng cười bữa nay có Sơn Tùng nên bà Hà ưu tiên cho đĩa thịt bò xào, còn Đại tướng đã có cái cà mèn đựng muối vừng mà phu nhân Đại tướng bao giờ cũng chuẩn bị sẵn. Ấn tượng hơn cả là cái toa lét xập xệ, vòi nước dẫn nổi nhiều đoạn đã gỉ sét...
Nhà văn Sơn Tùng bộc bạch, có lẽ nhiều người đã ưng dùng chữ nhẫn với Đại tướng có lẽ cũng phải nghĩ lại? Vị nhân tướng này điều bất biến là dĩ công vi thượng chứ không hẳn là nhẫn? Một bài báo có kể đại tá Nguyễn Huyên - Thư ký riêng của đại tướng đã kiên quyết bác bỏ thông tin cho rằng đại tướng treo chữ "nhẫn". Và ở kỳ trước chúng tôi đã chép hầu bạn đọc câu chuyện phu nhân Đại tướng kể. Khi Hội đồng Bộ trưởng quyết định giao Đại tướng làm Chủ tịch Ủy ban Dân số và Sinh đẻ có kế hoạch, một số người trong đó có bà bức xúc, đại tướng đã bình thản cười: Việc sinh việc dưỡng là việc lớn...
Phải gác tình riêng
Chất giọng trầm đều, rủ rỉ quen thuộc của nhà văn cũng có đoạn khiến tôi hơi bàng hoàng. Tỷ như Đại tướng quan tâm đến thời gian Sơn Tùng năm 1950, khi đó là cán bộ tỉnh Đoàn Nghệ An, trong một chuyến công tác đã rẽ qua Nam Đàn thăm người chị của Bác Hồ, bà Nguyễn Thị Thanh (mà nhà văn gọi là o. Mãi sau này, qua nhà văn hóa GS Phan Ngọc, tôi mới được biết và chắc nhiều người cũng chưa biết, bà nội nhà văn Sơn Tùng là cháu họ bà nội Bác Hồ. Em trai ông nội nhà văn đỗ tú tài cùng khoa với em trai cụ Hoàng Xuân Đường - ông ngoại Bác) và người anh cả của Bác là cụ Nguyễn Sinh Khiêm.
Câu chuyện mà tôi nghe được từ nhà văn có lẽ mới chỉ là đầu ý đầu việc thôi, nhưng nếu bắt sang mạch viết lách thì chắc chắn những tư liệu này của nhà văn Sơn Tùng sẽ sinh sắc thêm về cuộc đời của một vĩ nhân? Một phần buổi chiều rồi trắng đêm hầu chuyện người anh cả của Chủ tịch Hồ Chí Minh đương ốm nặng, nhưng vẫn tỉnh táo để bắt chuyện với người cháu mà cụ rất quý... Không biết cụ đã ký thác với nhà văn Sơn Tùng những gì mà lần gặp đó là lần cuối. Chuyến đi công tác miền Tây Nghệ An ấy lúc trở về, Sơn Tùng không còn gặp được Bác Cả. Cụ từ trần ngày 25 tháng 8 năm Canh Dần, tức 6/10/1950. Đến ngày 9/11/1950, Bác Hồ mới biết tin anh Cả của mình qua đời. Bác chuyển lời đau buồn thống thiết về họ Nguyễn Sinh: Than ôi, tôi chịu tội bất đệ trước linh hồn anh và xin bà con nguyên lượng cho một người con đã hy sinh tình nhà vì phải lo việc nước...
Việc nước? Tôi lẩn thẩn nghĩ đến thời điểm cụ Cả mất, Bác Hồ đang sắp huề trượng đăng sơn quan trận địa trong chiến dịch Biên giới, nhằm thay đổi cục diện chiến trường? Hình như Anh Văn có bộc bạch đôi chút với nhà văn về thời điểm việc nước bộn bề phải gác tình riêng đi như thế?
Rồi cả một buổi sáng ngồi với người chị của Chủ tịch Hồ Chí Minh bên chiếc bình vôi dùng để ăn trầu (bà Thanh ưng ăn trầu). Chao ôi, những là chuyện nhà chuyện nước, chuyện chung chuyện riêng, những tư liệu này khác mà chỉ mỗi Sơn Tùng sở hữu? Cái gánh ấy bao giờ Sơn Tùng san sẻ cho bạn đọc đây?
Những lần bệt trên Chiếu Văn ấy, trong những câu chuyện lúc đứt lúc nối về những nhân vật này nọ, tôi có cảm giác Sơn Tùng đang dần dà hé lộ một biệt nhãn của một người có khiếu về viết tiểu sử? Hình như ở xứ mình, những nhà văn có khiếu để quản, để khuynh loát được đề tài này không có bao nhiêu? Những khúc ẩn hiện bắt mắt về Chủ tịch Hồ Chí Minh như một hội long vân mà Sơn Tùng thể hiện trong những Búp Sen Xanh, trong những Hoa Râm Bụt... đã bầu nên một Sơn Tùng có chỗ đứng vững chãi trong nhiều thế hệ bạn đọc hơn là một tấm gương vượt khó chiến thắng thương tật của người thương binh nặng 1/4 này? Hơn một Sơn Tùng tiết tháo ngay thẳng từ chối nhận nhà Thủ tướng tặng để nhường cho người khác có hoàn cảnh khó khăn hơn mình? Và cũng cần nói cho ngay rằng, với nhà văn này, tiểu sử Võ Nguyên Giáp không phải là cái gì khó khăn lắm? Cứ như cái cách ông mỗi lúc hé lộ những chi tiết, những đoạn còn khuất khúc về Đại tướng mà hầu hết bạn đọc chưa có điều kiện để biết đủ thấy một cái chi đó tày tặn lẫn bắt mắt một khi ông bắt tay vào việc? Nhưng tôi cũng có chút giật mình... Muốn thì là vậy, nhưng thương tật nhà văn khá là nặng. Vết thương thường xuyên trở chứng lại chảy máu... Tài ấy, hứng ấy, cảm ấy liệu có đủ sức dung chứa trong một cơ thể tật bệnh lẫn tuổi tác? Nhưng có lẽ thời gian gấp ruổi, phải mau mau lên nhà văn Sơn Tùng ơi!
(Còn nữa)