50 NĂM NGÀY GIỖ “LƯỠNG QUỐC TƯỚNG QUÂN” NGUYỄN SƠN (21/10/1956 - 21/10/2006)

Có một vị tướng như thế

Có một vị tướng như thế
TP - Quê làng Kiêu Kỵ ven Hà Nội, 49 tuổi đời, 33 năm đi làm cách mạng, tới 28 năm là tướng công thần lập nước Trung Hoa mới. Chỉ 5 năm làm “Tướng Cụ Hồ”.
Có một vị tướng như thế ảnh 1
Lưỡng quốc tướng quân Nguyễn Sơn

Vậy mà trong lòng dân, con người Khu trưởng Nguyễn Sơn thành huyền thoại, sáng mãi niềm tự hào dân tộc.

Làm tướng đất người

Tên thật của ông là Vũ Nguyên Bác, sinh  năm 1908. Học trường với con Tây, cùng học trò gia đình theo đạo Thiên chúa... 15 tuổi Vũ Nguyên Bác đã vào “hội kín”.

Gia nhập Thanh niên Cách mạng đồng chí Hội. Được người của Nguyễn Ái Quốc đưa sang Quảng Châu (Trung Quốc) học lớp “Chính trị đặc biệt”. Tiếp đó lại được chính thầy Lý Thụy (Bác Hồ) chọn, giới thiệu vào Trường Võ bị Hoàng Phố của Tôn Trung Sơn.

Sau Tưởng Giới Thạch làm phản, ông gia nhập Bát lộ quân, vào Đảng Cộng sản Trung Quốc. Cùng Chu Ân Lai, Diệp Kiếm Anh... chỉ huy cuộc khởi nghĩa, lãnh đạo Chính phủ Xô viết Quảng Châu. Rồi tham gia “Vạn lý  trường chinh” 10 năm “Thân kinh bách chiến” – người chiến binh cực kỳ dày dạn nơi chiến trận ác liệt nhất.

Năm 1934, 26 tuổi, Hồng Thủy – tên mới đặt của ông năm 1929 trong Giải phóng quân, đã được bầu làm Ủy viên Trung ương tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ hai nước Cộng hòa Xô viết Trung Hoa.

Nhưng, cuối  năm, ông bị khai trừ Đảng lần đầu tiên do để mất 20 đồng ngân phiếu công nông.

(Ông có  3 lần bị kỷ luật. Lần thứ hai bị Trương Quốc Đào vu cáo là “gián điệp quốc tế”. Lần thứ ba do tên Diêm Tích Sơn – lãnh chúa Sơn Tây mang danh Mặt trận thống nhất kháng Nhật bịa đặt, đả kích Đảng Cộng sản mục tiêu là đòi đuổi Hồng Thủy ra khỏi Đảng và Liên minh chống Nhật. Cả 3 lần Nguyễn Sơn đều được Chu Đức, Đổng Tất Vũ, Lưu Bá Thừa thường vụ Bộ Chính trị can thiệp, phục hồi đảng tịch).

Có một vị tướng như thế ảnh 2
Ngày 9/10/1948, Tướng Nguyễn Sơn - thứ hai phải sang thụ phong Thiếu tướng. Có mặt các vị Phạm Ngọc Thạch, Nguyễn Khánh Toàn, Tôn Quang Phiệt, Đặng Thai Mai, Lê Đức Thọ, Dương Quốc Chính, Trần Văn Quang (Ảnh gia đình)

Đúng như Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Trung Quốc Bành Đức Hoài đã nói: “Tướng quân Hồng Thủy đã có cống hiến rất lớn cho cách mạng Trung Quốc..., nhân dân Trung Hoa mãi mãi nhớ ơn”.

Ông được tặng thưởng Huân chương Độc lập, Huân chương Giải phóng, Huân chương Bát nhất... đều là hạng Nhất.

Hôm 1/10/1955, tại mít tinh lớn kỷ niệm Quốc khánh nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, Chủ tịch Mao Trạch Đông đứng trên lễ đài Thiên An Môn vừa thấy Hồng Thủy liền thân mật hỏi:  - Này chú Hồng! Người ta phong tướng cho chú cấp gì? (Ngày 27/9/1955).

Ông thành thật thưa (cấp thiếu tướng). Mao Chủ tịch lập tức nói với cán bộ hữu quan: “- Không chính xác! Đồng chí ấy tham gia quân đội từ thời kỳ Hoàng Phố, liệu xem có thể sửa thành tướng cấp quân đoàn chính quy được  không?...”.

Lại nói thời gian sau Cách mạng tháng 8/1945. Dù đất nước Trung Hoa chưa được giải phóng, lãnh tụ Mao Trạch Đông vẫn chấp nhận đề nghị của Bác Hồ để Hồng Thủy về nước.

Khi đưa tiễn, Mao Trạch Đông nói vui với các bạn Việt Nam: “Hồng Thủy quả là một con ngựa bất kham đấy, điều khiển không tốt, không cẩn thận, đồng chí ấy sẽ... đá người khác đấy!”.

Lời nói vui mà  thật chân tình với người bạn chiến đấu hơn 20 năm từng nằm gai nếm mật, sống chết bên nhau, và cũng mang ý nghĩa khác với môi trường hoạt động mới – người dùng nhân tài...

Làm khu trưởng quê nhà

Có một vị tướng như thế ảnh 3
Tướng Nguyễn Sơn và vợ ông - bà Lê Hằng Huân

Từ căn cứ địa trung ương Diên An, Hồng Thủy về nước. Nhiệm vụ đầu tiên được giao là Chủ tịch Ủy ban kháng chiến hành chính  miền Nam kiêm Chủ tịch Ủy ban kháng chiến miền Nam Trung Bộ, Hiệu trưởng Trường Lục quân trung học Quảng Ngãi, và Khu trưởng chiến khu IV (Sắc lệnh số 186/SL, ngày 20/3/1948) – dĩ nhiên mang tên mới Nguyễn Sơn.

Khu trưởng và Tướng Nguyễn Sơn (sắc phong hàm Thiếu tướng ngày 20/1/1948)-  chức vụ và tên tuổi ông có lẽ là từ đây, ở đây, nhiều hơn, lâu hơn là hình ảnh, là huyền thoại nhiều yêu, lắm ghét về ông. Tập trung hơn cả – vùng “ATK” xứ Thanh – nơi sơ tán bớt đội ngũ trí thức, văn nghệ sĩ... từ Việt Bắc.

Nhớ một lần vui chuyện, người viết bài này hỏi cố thư ký riêng của Bác Hồ, ông Vũ Kỳ đại ý rằng vị tướng tài toàn năng như Khu trưởng Nguyễn Sơn tại sao không có mặt tại lễ thụ phong Tướng ngày 28/5/1948 trên Việt Bắc cùng Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Trung tướng Nguyễn Bình, Thiếu tướng Hoàng Sâm v.v...?

Người được hỏi “À” lên một tiếng, bèn sốt sắng đứng lên, ra phía dãy giá sách cạnh tường tìm, quay lại sa lông với tập Hồ Chí Minh Biên niên tiểu sử, giở ra trang 186, bảo: “Đây! Bác Hồ làm việc dù lớn, dù nhỏ đều chu đáo, cặn kẽ, trọn tình vẹn lý lắm! Với Tướng Nguyễn Sơn, người chỉ huy trăm trận trăm thắng từng cùng các vị đứng đầu Nhà nước, quân đội Trung Quốc tham gia vạn lý trường chinh, thì..., thì... thời thế lúc bấy giờ- phong cấp gì, ở đâu, lúc nào, phong như thế nào, chỉ có Bác Hồ xử lý mới được “tâm phục khẩu phục” theo sách trọng dụng nhân tài của Bác”.

Ông chỉ và đọc: “Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi ông Nguyễn Sơn Khu trưởng chiến khu 4 bức thiếp thư bằng chữ Hán: Tặng Sơn đệ. Đấy, đồng chí xem: “Tặng chú Sơn”. Nhá! Đởm dục đại. Tâm dục tế. Trí dục viên, Hạnh dục phương. (Đại ý: Cái gan cần phải lớn. Cái tâm nên tế nhị, chín chắn. Cái trí phải suy nghĩ trước sau, toàn diện. Cái đức hạnh phải đầy đủ, ngang thẳng).

Thì ra, lúc bấy giờ nhiều thông tin đã loan truyền: Khu trưởng của chúng ta phản ứng ra mồm. Đâu rằng ông không phải “thiếu” mà là “thừa... tướng”. Rằng, ông đã định không nhận cấp thiếu tướng.

Nhưng Bác Hồ thân cử Thứ trưởng Phạm Ngọc Thạch cất công vào tận núi Nưa Nông Cống, Thanh Hóa làm lễ tấn phong, chứ không phải... “triệu lên Việt Bắc, trước ông nọ ông kia...”.

Và, nhất là “mười hai chữ... Ông Cụ nhắn dạy thật uyên thâm mà chí tình, khiến mình suy nghĩ, tỉnh ra nhiều”... – Khu trưởng thẳng thắn bộc bạch như vậy với anh em cấp dưới.

...Ngày đó vô tuyến truyền... mồm thêu dệt, thậm chí bịa đặt về ông từ phía những người không ưa ông vì rõ là kém tài ông cũng có. Nào: Nguyễn Sơn “ba hoa xích thố”, không coi ai ra gì, chỉ phục duy nhất – Cụ Hồ; nào đi đâu - gái đấy, ra oai khổ lính...

Nhưng, sự thực, có nhiều là hiện tượng người ta “dị ứng” với lời nói và việc làm, với tác phong quân sự hóa; nhất là với con người “đi trước thời gian” như ông, thì thời thế cùng những đầu óc ấu trĩ thật khó chấp nhận.

Hơn nữa, Nguyễn Sơn là nói thẳng, nói thật, là “mày tao mi tớ”, bình đẳng hòa đồng với mọi người; ông ghét cay ghét đắng thói nịnh bợ trước mặt, xỏ lá sau lưng, lươn lẹo, thủ đoạn...

Bà con vùng núi Nưa hay dọc sông máng Thọ Xuân, Hậu Hiền, Cầu Bố... thường thấy một ông “người tản cư khu Ba” mặc pijama lụa nâu cưỡi chiếc Sterlin ghi đông cụp. Gặp vài lần thì khó biết đó là Khu trưởng Tư lệnh.

Nhưng các bà, các ông, các chị mê văn nghệ buổi tối ngoài bãi thì thích nhất “tiết mục” ông Sơn vì diễn thuyết ứng khẩu thật hấp dẫn: hài hước, dí dỏm, cưỡi vỡ bụng mà cũng rất bổ ích, thiết thực.

Trong hồi ký “Tướng Nguyễn Sơn và tôi” (Sách “Lưỡng quốc tướng quân Nguyễn Sơn”, NXB Thông tấn, trang 259),  cố Trung tướng Trần Độ kể,  ông dẫn đầu đoàn cán bộ văn nghệ quân đội vào Thanh Hóa dự “Đại hội Tập”.

Hay tin sẽ được nghe Tư lệnh Sơn nói chuyện, ai cũng háo hức, Tư lệnh nhìn danh sách thấy tên các nhà văn liền mời đích danh, còn cán bộ chính trị thì không. Ông Độ cũng vào, ngồi yên chỗ, Khu trưởng nhận ra chỉ  vào mặt:

- Mày ngồi đây làm gì? Mày thì biết gì về văn nghệ!...

Lại như hôm nói truyện “Địa vị và giá trị Truyện Kiều”. Trước mặt cử tọa toàn các “cây đa cây đề” trong làng văn học cả nước mà Khu trưởng chẳng hề nể nang ai, nêu họ tên, phê phán những Trần Trọng Kim, Phạm Quỳnh, Ngô Đức Kế... đã đành.

Ông còn làm giật thót người, tái mặt cả những Hoài Thanh, Đào Duy Anh, Trương Tửu... và cả cụ Huỳnh Thúc Kháng. Phê rằng nghiên cứu Kiều mà đứng trên lập trường chính trị, lấy quan điểm con người thời nay để chê bai Nguyễn Du là “tiêu cực”, là “định mệnh”, là “có hậu” một cách gượng gạo v.v..., thì thật là phi lịch sử...

Khác với quan điểm của số người thời đó “sợ” Kiều, Nguyễn Sơn khẳng định: “Truyện Kiều là một áng văn chương kiệt tác của dân tộc Việt Nam”.

Ông cũng rất khuyến khích phát triển các vốn cổ văn hóa nghệ thuật truyền thống: tuồng, chèo, cải lương, dân ca..., cả bài Thiên thai với âm điệu dịu dàng trầm bổng nhưng thể hiện thì “chớ kịch cỡm”.

Và, ngược lại, Khu trưởng lại không muốn nghe những như: “Bao chiến sĩ anh hùng lạnh lùng vung gươm ra sa trường...” hay “Không quân Việt Nam lướt bay rầm trời... bom đạn gầm réo”... “Nó đế quốc quá!”.

Ông dạy bảo các con cũng theo hướng đó: chống chiến tranh, giành hòa bình, hữu nghị và Tổ quốc trên hết.

MỚI - NÓNG
Meghan Markle khó chịu với Victoria Beckham
Meghan Markle khó chịu với Victoria Beckham
TPO - Theo nguồn tin, Meghan Markle và Victoria Beckham không nói chuyện với nhau, cũng không có kế hoạch hàn gắn mối quan hệ. Nữ công tước còn được cho là tức giận vì Netflix hợp tác với cựu thành viên Spice Girls.