Tan nát gia đình sau 8 năm oan khuất

Tan nát gia đình sau 8 năm oan khuất
TP - Hơn 8 năm theo đuổi vụ kiện, nỗi oan của gia đình bà Huỳnh Thị Nga, 54 tuổi, ở thôn Thạch By 1, xã Phổ Thạnh (Đức Phổ, Quảng Ngãi) mới được hoá giải. Tiếc rằng, hệ quả của những năm tháng đi tìm công lý đã khiến gia đình bà tan gia bại sản, vợ chồng chia tay, con cái thất học...
Con tàu QNg 98642 TS ngâm mình tại cửa biển Sa Huỳnh hơn 8 năm qua
Con tàu QNg 98642 TS ngâm mình tại cửa biển Sa Huỳnh hơn 8 năm qua.

Một ngày cuối tháng 7, trời đang nắng nóng hầm hập, mây đen xám xịt kéo về. Mưa như trút nước kèm theo gió mạnh như muốn hất tung túp lều của mấy mẹ con bà Nga được dựng tạm bằng những tấm bạt đã sờn chỉ bên cạnh HTX Sửa chữa, đóng mới tàu thuyền Viễn Đông ở làng cá Sa Huỳnh. Đây là chốn nương thân và mưu sinh từ mấy năm nay của mẹ con bà kể từ ngày nỗi oan nghiệt ập đến với gia đình bà. Bà Nga như người mất hồn, dõi mắt về phía biển - nơi 2 tàu cá bị Chi cục Thi hành án (THA) dân sự huyện Đức Phổ cưỡng chế, nay đã bị sóng biển đập tan tành và hồi tưởng lại sự việc.

Quyết định vội vã?

Cuối năm âm lịch 2004, biển lặng sóng. Vợ chồng bà Nga cùng anh em thuyền viên quyết đi thêm một phiên biển với hy vọng sẽ có thêm ít tiền về lo Tết cho gia đình và trả nợ. Nhưng rồi, khi con tàu neo từ bến cá thôn Thiện Chánh 1, xã Tam Quan Bắc, huyện Hoài Nhơn (Bình Định) chuẩn bị nhổ neo thì bị Chi cục THA dân sự huyện Đức Phổ cưỡng chế, tạm giữ một bản sao Sổ chứng nhận khả năng hoạt động tàu cá, một sổ danh bạ thuyền viên, buộc tàu cá quay về cảng Sa Huỳnh để thực hiện việc trả nợ một số bản án mà vợ chồng bà nợ. Bà Nga gạt nước mắt, kể: “Lúc ấy, gia đình xin cho đi nốt phiên biển này rồi quay về trả nợ nhưng họ cương quyết không cho. Chỉ thông qua một lá đơn của người được THA mà họ quả quyết rằng gia đình tôi “tẩu tán tài sản”.

Gia đình bà Nga đang nương nhờ trong túp lều bên cạnh HTX Viễn Đông
Gia đình bà Nga đang nương nhờ trong túp lều bên cạnh HTX Viễn Đông.

Thế là, ông Võ Văn Học (chồng bà Nga) chủ con tàu QNg 94852 TS cùng anh em thuyền viên thất thểu rời tàu lên bờ mà lòng xót xa, vì gần 100 triệu đồng chi ra mua phí tổn cho phiên biển cuối năm coi như trôi ra biển.

Cảm thông cho hoàn cảnh bi đát của vợ chồng bà, anh em thuyền viên cũng bỏ luôn tiền đóng góp chung mua phí tổn, nhà ai nấy về, tìm phương kế mới sinh nhai. Càng về sau, vụ việc càng trở nên rối rắm. Thi hành án dân sự huyện Đức Phổ thì lúng túng như “gà mắc tóc”, sai phạm nối tiếp sai phạm. Cũng từ đó, con tàu bị giam lỏng tại bến cá Thiện Chánh 1, mặc cho nắng mưa, bão táp, rệu rã theo thời gian. Từ chỗ lúc đầu định giá con tàu 200 triệu đồng, nhưng sau đó chỉ còn vài chục triệu. Nay thì con tàu này như đống gỗ mục chẳng ai dòm ngó.

Trong lúc con tàu QNg 94852 TS nhùng nhằng chưa được giải quyết xong thì THA dân sự huyện Đức Phổ tiếp tục ra quyết định cưỡng chế con tàu thứ 2 là QNg 98642 TS. “Cú đòn” này chính thức đẩy gia đình bà Nga vào đường cùng. Bởi lẽ, cuộc sống hằng ngày của 5 miệng ăn trong gia đình cùng với hơn chục gia đình anh em thuyền viên chỉ còn biết trông cậy duy nhất vào đây.

Sai nhưng không chịu nhận

Trong vụ việc này, chấp hành viên chỉ căn cứ vào đơn trình báo của người được THA và biên bản xác minh có từ trước ngày ra quyết định THA để cho rằng vợ chồng bà Nga có dấu hiệu tẩu tán tàu QNg 94852 TS, dẫn đến áp dụng biện pháp kê biên khẩn cấp theo Điều 7 Pháp lệnh THA dân sự năm 2004 là không chính xác.

 Ngày tôi nhận quyết định bồi thường 2 con tàu, cũng là lúc ông nhà tôi quyết định ly hôn. Được giải oan, nhưng gia đình tôi tan nát hết 

Huỳnh Thị Nga bật khóc

Khi tiến hành kê biên tàu lại không có người làm chứng. Đồng thời việc tạm giữ bản sao Sổ chứng nhận khả năng hoạt động nghề cá và sổ danh bạ thuyền viên tàu cá là không cần thiết. Nghị định số 05/NĐ-CP ngày 18/1/2005 được ban hành thay thế Nghị định 86/NĐ-CP ngày 19/12/1996 nhưng THA dân sự huyện Đức Phổ vẫn vận dụng Công văn số 165/THA98 để tiến hành bán tàu QNg 94852 TS là không đúng quy định của pháp luật.

Đối với con tàu QNg 98642 TS, sau khi có thoả thuận của Chi nhánh Ngân hàng NN&PTNT huyện Đức Phổ, ngày 4/3/2005, THA dân sự huyện Đức Phổ đã thực hiện lệnh kê biên, xử lý. Tuy nhiên, sau đó chính Chi nhánh NH này lại thỏa thuận để vợ chồng bà Nga đứng ra bán tàu. Tiếp đó, ngân hàng nhận trách nhiệm xử lý con tàu nhưng vẫn không thực hiện để con tàu đến nay bị hư hỏng hoàn toàn.

Bi kịch của bi kịch

Sau khi 2 con tàu bị cưỡng chế, gia đình bà Nga mất hết kế sinh nhai, sớm hôm nương tựa trong túp lều dựng tạm bên cạnh HTX Sửa chữa, đóng mới tàu thuyền Viễn Đông. Hằng ngày, ngoài việc bán nước giải khát cho anh em công nhân đóng tàu, gia đình bà Nga còn được HTX cho nhặt những thanh gỗ vụn bán lấy tiền đong gạo để ăn qua ngày.

Ngày 9/4/2013, Chi cục THA dân sự huyện Đức Phổ đã ban hành Quyết định số 09 về việc giải quyết bồi thường thiệt hại cho ông Học, bà Nga với tổng số tiền hơn 2,3 tỷ đồng (lấy tròn số). Nguyên nhân do Cơ quan THA dân sự huyện Đức Phổ không thực hiện đúng quy định của pháp luật trong việc áp dụng biện pháp cưỡng chế kê biên đối với 2 tàu cá QNg 94852 TS và QNg 98642 TS.

Ngày 22/7/2013, Tổng cục THA dân sự (Bộ Tư pháp) đã chuyển số tiền trên về Kho bạc huyện Đức Phổ để thực hiện chi trả bồi thường cho ông Học, bà Nga.

Sức khỏe bà Nga cũng suy kiệt từ dạo ấy. Nhưng rồi, xót của, thương con và bất bình trước những việc làm sai trái, bà gượng dậy vác đơn gõ cửa khắp nơi để kêu oan.

Bà Nga kể: “Họ cưỡng chế 2 con tàu rồi bỏ lại ngoài biển mặc cho nó hư hỏng mà không chút xót xa và một mực khẳng định làm đúng pháp luật. Tôi đành mang đơn ra Hà Nội cầu cứu đến Bộ Tư pháp”. Từ đó, bà Nga đi về như con thoi, phải vay mượn khắp nơi để có tiền đi khiếu nại nên nợ chồng nợ.

Đến năm 2008, vụ việc oan sai bắt đầu được làm sáng tỏ, nhưng việc giải quyết những quyền lợi liên quan đối với gia đình bà chưa thoả đáng nên bà tiếp tục khiếu nại, được Bộ Tư pháp chấp thuận cho phúc tra.

Còn ông Học, từ một ngư dân cường tráng, hết lòng vì vợ con ngày nào, nhưng sau khi gia đình lâm nạn, ông chán nản bỏ nhà ra đi để lại mấy mẹ con bà Nga sống bơ vơ trong đói khổ. Và bi kịch nối tiếp bi kịch. Thửa đất của gia đình bị người em chồng mượn rồi chiếm dụng. Đang lúc toà thụ lý thì ông Học rút đơn khởi kiện và đi tìm cuộc sống mới.

Cũng từ đó, các con của bà Nga phải từ bỏ ước mơ đến trường, vì chuyện ăn uống hằng ngày phải chạy lo từng bữa. Riêng bé Kiều, ngày gia đình lâm nạn cũng là lúc nhận được tin thi đỗ vào một trường cao đẳng ở TPHCM. “Lúc bấy giờ em không còn tâm trí nghĩ đến chuyện học. Nhưng nghĩ lại, nếu không học thì khó hoá giải nỗi oan của gia đình nên em quyết định đi học mặc dù có hôm phải ngất xỉu trên giảng đường vì bụng đói”, Kiều tâm sự. Ngày Kiều ra trường cũng là lúc cô phải đón 2 đứa em gái vào TPHCM đi nhặt rác kiếm sống. “Không có phương tiện làm ăn, anh chồng chị Hai bỏ vợ con ra đi biệt. Chị Hai thẫn thờ như người mất hồn, em đành phải đưa luôn 2 cháu nhỏ vào Sai Gòn gửi vào chùa nương tựa qua ngày”.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG