Tản mạn một thời Hồ Đức Việt

Tản mạn một thời Hồ Đức Việt
TP - Làm báo Đoàn cũng lâu lâu nên quen nhiều vị cán bộ Đoàn. Có vị quen, có người thì biết... Rồi cũng chứng kiến những đầu ra hanh thông may mắn cùng là trắc trở của nhiều vị... Trong số biết đó có Bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn Hồ Đức Việt.

> Ông Hồ Đức Việt qua đời
> Ông Hồ Đức Việt: Lên, xuống chức vụ còn nặng nề

Kỳ I: Con nhà tông...

Có một dạo tôi nằm lâu lâu ở làng Quỳnh. Làng Quỳnh Đôi, huyện địa đầu Xứ Nghệ. Khi ấy là cái thời mạ vô sân dân vô rú... Dưới trào ông Đợi, Nguyễn Hữu Đợi, Bí thư Huyện ủy, huyện pháo đài Quỳnh Lưu có những đổi thay lớn về kinh tế, xã hội.

Có mấy xã, dân vùng biển, đồng bằng được điều chuyển nghĩa là di dân vào núi (rú). Thời ấy cũng là rầm rộ phổ biến phương thức canh tác gieo giống mới ngay trên sân gạch, sân đất nện nên mới có câu ấy. Nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý đi thực tế viết ca khúc nổi tiếng Nghệ Tĩnh mình ơi... có ca từ làng ta di động nên có đất mình cày!

Đồng chí Hồ Đức Việt
Đồng chí Hồ Đức Việt.

Quỳnh Đôi của Quỳnh Lưu êm ả hơn, bớt xáo động hơn các xã khác chả biết có phải là cái làng đặc biệt? Làng có nhiều người làm to. Như họ Hoàng họ Hồ. Làng có nhiều họ nhưng họ Hồ là một họ lạ. Quỳnh Đôi cũng là nơi phát tích của Hồ Thơm sau này là anh hùng dân tộc Quang Trung-Nguyễn Huệ! Đây cũng là đất phát tích của nữ sĩ Hồ Xuân Hương trứ danh.

Lật giở cuốn Quốc triều hương khoa lục, các đời triều Nguyễn có 106 người đỗ cử nhân thì riêng họ Hồ ở làng Quỳnh này đã là 28. Trong đó có cha con ông cháu họ Hồ làng Quỳnh Đôi là Hồ Bá Ôn.

Dâu rể họ Hồ ở làng Quỳnh này cũng lạ! Cái nhà ông cán bộ xã mà tôi ở trọ mấy ngày kêu bà liệt nữ Trần Thị Trâm là o chi đó. Bà Trần Thị Trâm tục gọi là bà Lụa có thể gọi là liệt nữ được lắm.

Bà là vợ của liệt sĩ đánh Pháp Hồ Bá Trị hy sinh lúc bà mới hơn hai mươi tuổi. Bà cũng là mẹ của chí sĩ Hồ Học Lãm (tức Hồ Xuân Lan). Phong trào Đông du do Phan Bội Châu khởi xướng, Hồ Học Lãm tức Hồ Xuân Lan hăng hái tham gia và trở thành một yếu nhân.

Ông có công lớn giúp Hồ Chí Minh xây dựng phong trào, đặc biệt là cơ sở cách mạng Việt Nam tại Trung Quốc. Là chủ nhiệm Biện Xử Xứ Việt Minh tại hải ngoại giúp Bác Hồ thoát khỏi sự giam cầm của chính quyền Tưởng Giới Thạch. Bà Lụa còn là người liên lạc đắc lực của Phan Đình Phùng.

Có lần bà bị Pháp bắt, chúng dùng lưỡi cày nung đỏ gí vào chỗ kín nhưng vẫn kiên quyết không khai... Có bận, bà đã từng chống gậy vào Huế gặp Phan Bội Châu với câu nói khẳng khái theo khẩu khí các cụ ta ngày trước, không thành công thì thành nhân. Câu ấy là Nếu ông chết bên Tàu mà lại hay đấy! Phan Bội Châu gọi bà là nữ kiệt là Tiểu Trưng (Bà Trưng nhỏ).

Có lẽ hơi hiếm ở xứ mình có hai anh em kế nhau làm Bí thư Trung ương Đoàn. Người anh Hồ Anh Dũng là Bí thư Trung ương Đoàn khóa IV một thời gian sau đó chuyển sang làm Tổng Giám đốc Đài Truyền hình Việt Nam; người em là Hồ Đức Việt, Bí thư Trung ương Đoàn khóa V, sau đó là Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn khóa VI.

Bà mất năm 1930 thọ 71 tuổi vào thời điểm cao trào Xô Viết Nghệ Tĩnh đang sắp sôi động. Nói về bà Lụa lại phải nhắc tới Hồ Bá Ôn, Án sát tỉnh Nam Định. Bà Lụa là em dâu Hồ Bá Ôn. Pháp đánh thành. Tổng đốc Vũ Trọng Bình bỏ chạy. Hồ Bá Ôn cùng Đề đốc Lê Duy Điếm triệu tập động viên quân sĩ quyết chiến. Hồ Bá Ôn bị thương nặng, được đưa về quê nhà Quỳnh Đôi chữa trị rồi mất.

Hồ Bá Kiện là con trai Án sát Hồ Bá Ôn, trước thù nhà nợ nước đã bán ruộng đất tài sản để hoạt động cách mạng. Là một trong những đồng chí trung kiên của Phan Bội Châu, ông đã anh dũng hy sinh ở nhà tù Lao Bảo.

Hồ Tùng Mậu (tên thật là Hồ Bá Cự) con trai của Hồ Bá Kiện đã sớm trở thành một trong những người cộng sản Việt Nam đầu tiên. Ông xuất dương sang Thái Lan đầu những năm 1920 rồi sang Trung Quốc. Năm 1923 ông cùng với Lê Hồng Phong, Lê Hồng Sơn, Phạm Hồng Thái lập nên nhóm Tâm Tâm xã.

Năm 1924 ông gặp Nguyễn Ái Quốc và nhóm Tâm Tâm xã được chuyển thành Việt Nam thanh niên cách mạng đồng chí hội... Là người đã trực tiếp gặp luật sư Lô-dơ-bai để cứu Nguyễn Ái Quốc, sau cách mạng tháng Tám 1945, Hồ Tùng Mậu tham gia nhiều trọng trách, là Chủ tịch Ủy ban Hành chính Liên khu IV, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Thanh tra Chính phủ.

Đồng chí Hồ Đức Việt tặng biểu trưng cho thanh niên tiên tiến toàn quốc năm 2009. Ảnh: Hồng Vĩnh
Đồng chí Hồ Đức Việt tặng biểu trưng cho thanh niên tiên tiến toàn quốc năm 2009. Ảnh: Hồng Vĩnh.

Một người con trai của Hồ Tùng Mậu là Hồ Mỹ Xuyên bút danh là Xuyên Hồ viết kịch thơ Báo thù cha dựa trên cốt truyện của Ngũ Tử Tư đăng trên báo Tri Tân của Tự Lực Văn Đoàn.

Hồ Mỹ Xuyên tham gia cách mạng trước khởi nghĩa. Nhà thơ Hoàng Trung Thông, cũng quê làng Quỳnh đã từng bảo vệ cho Hồ Mỹ Xuyên vào công đường huyện tiếp nhận sự đầu hàng của Tri huyện Quỳnh Lưu. Rồi kháng chiến chống Pháp nổ ra, Hồ Mỹ Xuyên rời địa bàn hoạt động ở khu Tư ra Việt Bắc làm công tác kiểm tra của Đảng.

Một ngày tháng 3 năm 1948, Chủ tịch Ủy ban hành chính kháng chiến Liên khu IV Hồ Tùng Mậu bất ngờ nhận được tin dữ, người con trai tài năng hăng hái mà ông rất mực tin tưởng tự hào đột ngột hy sinh trên đường đi công tác ở Yên Bái với tư cách là Đặc ủy viên của Chính phủ. Nói sao hết nỗi đau lá vàng còn trên cây mà lá xanh rụng xuống. Người cha đang buồn thương tiếp được thư Hồ Chủ Tịch:

“Chú Mậu thân mến

Tôi đau buồn báo cho chú biết cháu Hồ Kim Xuyên không may đã hy sinh trong khi đi công tác cùng Đặc ủy đoàn Chính phủ tại Lục Yên Châu - Yên Bái. Tin này đến với chú chắc chú cũng rất đau đớn. Nhưng mong chú trấn tĩnh bớt buồn thương để khỏi ảnh hưởng đến sức khỏe.

Tôi cũng rất đau xót trước việc cháu Xuyên chết. Cháu Xuyên mất đi chú mất một người con, tôi mất một người cháu, nhân dân mất một chiến sĩ. Đoàn thể mất một cán bộ.

Chú cần giữ gìn sức khỏe vì công việc kháng chiến còn nhiều.

Chú cho tôi chuyển lời chia buồn tới bà Cố, thím và tất cả gia đình. Trước tin này mong bà Cố, thím và gia đình bớt buồn thương để khỏi ảnh hưởng đến sức khỏe.

Chào thân ái Hồ Chí Minh”

Rồi ba năm sau, ngày 23/7/1951 tại Thanh Hóa, trên đường đi công tác qua thị trấn Còng, Đoàn công tác của vị Chủ tịch Ủy ban hành chính kháng chiến Liên khu IV đã bị máy bay giặc Pháp bổ nhào vào giữa đội hình... Chủ tịch Hồ Tùng Mậu hy sinh. Trong lúc đám tang được cử hành trọng thể tại quê nhà thì ở chiến khu Việt Bắc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc điếu văn lễ tang đồng chí Hồ Tùng Mậu với những lời thống thiết:

Chú Tùng Mậu ơi/ Lòng ta rất đau xót, linh hồn chú biết chăng?... Bài điếu, nói như bây giơ, trọn trang khổ A4. Có những dòng cuối thế này Đành rằng sự mất còn là luật chung của Tạo hóa nhưng gặp lúc sinh ly tử biệt thì khó mà ngăn nổi xót thương. Tôi hứa với chú: Toàn thể đồng bào đồng chí sẽ cố noi gương đạo đức của chú, noi gương chú đã tận trung với nước tận hiếu với dân... Và nữa: Xin bà Cố chớ quá buồn thương. Dù mất chú Mậu tất cả chúng tôi đều là con cháu của bà Cố.

Vợ đồng chí Hồ Mỹ Xuyên là cháu nội của liệt sĩ Nguyễn Quý Yêm, chiến hữu thân thiết của Hồ Bá Kiện và là con gái của cụ Nguyễn Phúc Thiệp - bạn đồng tâm của cụ Hồ Tùng Mậu. Đồng chí Hồ Mỹ Xuyên mất, để lại cho vợ (khi đó mới 28 tuổi, cùng tuổi với chồng) ba đứa con thơ: Hồ Anh Dũng 8 tuổi; Hồ Ngọc Hải 4 tuổi; và Hồ Đức Việt khi đó chưa được một tuổi!

Khỏi nói tới những nhọc nhằn của người góa phụ đã nuôi dạy những người con trai ấy, không những nên người mà còn trở thành những rường cột nước nhà (chuyện sẽ nói sau). Quả là công trình xiết kể mấy mươi!

Có lẽ hơi hiếm ở xứ mình có hai anh em kế nhau làm Bí thư Trung ương Đoàn. Người anh Hồ Anh Dũng là Bí thư Trung ương Đoàn khóa IV một thời gian sau đó chuyển sang làm Tổng Giám đốc Đài Truyền hình Việt Nam; người em là Hồ Đức Việt, Bí thư Trung ương Đoàn khóa V, sau đó là Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn khóa VI.

Đận ấy cũng đó lâu lâu. Phụ trách cơ quan báo lại là bửng tưng sớm mai đến 60 Bà Triệu đi công tác với Trung ương Đoàn. Cụ thể là 5 rưỡi sáng. Vốn luộm thuộm lề mề, tôi guồng xe đạp đến trụ sở cơ quan Trung ương Đoàn đã hơn 6 giờ. Một cái xe con Gát 69 đít tròn cổ lỗ của Rumani đậu ở cổng. Bí thư Trung ương Đoàn phụ trách khối Trường học Hồ Đức Việt đương đi lại vẻ sốt ruột. Thấy tôi đến ông lái xe chỉ ngay vào nhà để xe bảo mau lên. Thì ra là đi công tác với Bí thư. Ông lái xe rỉ tai tôi ở nhà để xe đạp anh Việt đợi lâu lắm rồi...

Trên xe chuyện ran cả lên. Ấy là chuyện của hai ông Trưởng ban Trường học và Tuyên giáo vốn nhộn tính. Ông Việt thì chả chuyện gì, cứ cười theo. Từ hồi ông Việt có chân trong Ban Bí thư Trung ương Đoàn, tôi chưa đi công tác với ông lần nào. Nghe anh em kháo rằng ông là Tiến sĩ được đào tạo cẩn thận ở Đông Âu chuyên ngành Toán - Lý chi đó. Có cảm giác, ông ít nói. Xe đến Nam Định thì bập ngay vào việc. Việc cụ thể thì lâu tôi quên rồi... Nhưng có cuộc làm việc với cấp lãnh đạo tỉnh. Cũng thông đồng bén giọt. Suốt buổi, có thêm cảm giác, ông như thiếu vắng sự hoạt ngôn của anh cán bộ Đoàn, cán bộ phong trào. Nhưng toát lên cái điềm đạm khôn ngoan, chắc chắn?

Đêm ấy ngủ chung phòng ở cơ quan Tỉnh Đoàn. Hồi ấy chuyện ăn ngủ ở cơ sở thì tùng tiệm đơn giản. Ông hỏi tôi chuyện làm báo. Không hiểu sao ông hỏi tôi về quy trình bản thảo? Khi được biết quy trình ấy là phóng viên trình bản thảo cho Trưởng ban duyệt. Trưởng ban chuyển cho bộ phận đánh máy. Bài đánh máy thì Trưởng ban ký vào trình Ban Biên tập. Thốt nhiên ông cười, bản đánh máy hay hơn bản viết tay. Bản in ti pô hay hơn bản đánh máy phải không?

Mãi sau này tôi mới tàm tạm đọc được cái cười đêm ấy. Có thể ông đương nói đương chia sẻ về cảm giác của phóng viên? Hoặc ông ngầm giễu cái công trình tập thể thời làm báo bao cấp ít nhiều làm mờ đi bản sắc cá nhân của phóng viên?

Ông cũng chia sẻ nhiều chuyện. Những chuyện làm báo ở nước ngoài mà không phải ở khối Đông Âu. Chi tiết nhớ lâu nhất là phóng viên tác nghiệp trên một thiết bị máy có tên lạ hoắc hồi ấy là computer hiện đại lắm! So với công sức và sự tiện nhanh thì gấp hàng chục hàng trăm lần thứ gõ máy chữ lẫn Facimine (được coi là hiện đại lúc bấy giờ).

Tôi nghe vậy thì biết vậy! Nhưng thời vận chuyển vần cũng nhanh. Đến cái đận tôi gặp nạn năm 1996 thì ở tòa báo cơ quan đã có hơn chục cái computer rồi!

Và khi đó ông Hồ Đức Việt đang là Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn.

Một cuộc họp khẩn tại Văn phòng Chính phủ vào một sáng hè dịu mát...

(Còn nữa)

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG