Kiếp phu trầm: Còn nhiều sát thủ giữa rừng già?

Kiếp phu trầm: Còn nhiều sát thủ giữa rừng già?
TP - Thảm án giết 5 phu trầm của nhóm sát thủ Hồ Văn Công chỉ là giọt nước tràn ly của những nỗi ám ảnh ma quái đối với những người “ngậm ngải tìm trầm” giữa đại ngàn Trường Sơn. Còn bao nhiêu nữa những Hồ Văn Công đang lẩn khuất trong rừng già?

> Nghiệt ngã kiếp phu trầm - Kỳ 7: Sống nơi rừng thẳm
> Vụ thảm sát 5 phu trầm: Hé lộ nghi can thứ 4?
> 131 giờ phá án vụ giết dã man 5 phu trầm
>
Đối diện những kẻ giết dã man năm phu trầm
> Kiếp phu trầm tha hương xứ người
> Nghiệt ngã kiếp phu trầm
> Kiếp phu trầm: Công 'đại ca' ở biên giới Tà Rùng

“Rừng ma” - núi đá nơi tổ trọng án vây bắt Hồ Văn Công và Hồ Văn Thành
“Rừng ma” - núi đá nơi tổ trọng án vây bắt Hồ Văn Công và Hồ Văn Thành.

Huyền bí rừng ma

Hồ Văn Si - em trai trưởng bản Tà Rùng (xã Hướng Việt, Hướng Hoá, Quảng Trị) lắc đầu đầy sợ hãi khi tôi nhờ đưa lên khu “rừng ma” - là ngọn núi đá làm ranh giới giữa Hướng Hóa (Việt Nam) và Sê Pôn (Lào), nơi Hồ Văn Công và Hồ Văn Thành bị bắt.

Trưởng bản Hồ Văn Rôn kể, khu rừng đó là nơi đại kỵ đối với người Vân Kiều, thanh niên trai tráng bặm trợn thế nào cũng không dám vào. Tập tục của người Vân Kiều, khi chết được chôn trong một quan tài bằng thân cây, đưa vào “rừng ma” chôn dưới gốc cây, có thể rất sơ sài. Và kể từ đó vĩnh viễn không bao giờ quay lại.

Thanh niên ở Tà Rùng khỏe mạnh trai tráng nhưng ai cũng…sợ ma. Ở Tà Rùng, đêm đêm những câu chuyện truyền tai kể cho nhau nghe đượm màu sắc ma quái. Nỗi sợ hãi âm u núi rừng đã ăn sâu, truyền kiếp từ bao thập kỷ nay.

Cô giáo Nguyễn Thị Lan Anh (dạy lớp mầm non ngay trước nhà của Hồ Văn Công), kể rằng, người Vân Kiều ở Tà Rùng vô cùng kín kẽ, họ không bao giờ buôn chuyện như người ở dưới xuôi. Thay vào đó, họ sợ hãi núi rừng, một nỗi sợ mơ hồ.

Anh thanh niên lực lưỡng Hồ Văn Tiêu (anh họ của Công), ánh mắt nghi ngại nhìn về phía khu rừng: Bao đời nay, người bản Tà Rùng gan dạ nhưng chưa bao giờ đến rừng ma. Với Công thì khác. Hồ Văn Công và Hồ Văn Thành trong tâm tưởng của làng, bây giờ đã như con ma giữa “rừng ma”.

Pí Mai bế cháu bên bếp lửa: Giết chóc đã thành nỗi ám ảnh mới của người Vân Kiều. ảnh: N.C - H.T
Pí Mai bế cháu bên bếp lửa: Giết chóc đã thành nỗi ám ảnh mới của người Vân Kiều. ảnh: N.C - H.T.

Đó là một ngọn núi đá cao chót vót, chúng tôi phải mất mấy tiếng đồng hồ đi bộ mới tới được chân núi. Ngước nhìn lên, chỉ thấy từng tảng đá sừng sững, cao ngất như chực chờ rơi xuống đầu. Cơn mưa rào chiều thượng nguồn bất chợt đổ xuống, gió thổi mạnh.

Người Tà Rùng thấy khách lạ đến “rừng ma” thì dừng cả lại, theo dõi. Anh Pả Tớn kể, giờ đây, chúng tôi còn sợ Hồ Văn Công hơn cả sợ ma. “Rừng thiêng nước độc đúng là không độc địa bằng con người”, Pả Tớn văn vẻ.

Người Vân Kiều đa số chỉ đi bẫy thú, sống nhờ nương rẫy, họ không tham của rừng. Đó là câu chuyện trước đây, còn bây giờ, báu vật trầm hương, những món lợi khổng lồ và đồng tiền thực dụng len lỏi quá sâu vào văn hóa, cuộc sống của bà con Vân Kiều. Đã xảy ra không ít đụng độ đổ máu giữa các nhóm tìm trầm Quảng Bình với các nhóm phu trầm Vân Kiều giữa đại ngàn Trường Sơn.

Khỏe mạnh, nhưng người đàn ông Vân Kiều Hồ Văn Tiêu (anh họ Công) luôn sợ ma
Khỏe mạnh, nhưng người đàn ông Vân Kiều Hồ Văn Tiêu (anh họ Công) luôn sợ ma.

Chủ tịch xã Hướng Việt Hồ Văn Thành kể, đụng đến “rừng ma” là một sự xúc phạm đến sự thiêng liêng của núi rừng mà từ bao đời nay, chỉ mới có một mình Hồ Văn Công dám làm.

“Nó không bị bắt thì sau cũng bị trời phạt thôi”. Ông Thành chua xót kể, vừa mới đây thôi, trước khi ông Hồ Lành (nguyên Phó Chủ tịch xã Hướng Việt, bố Hồ Văn Công) nghỉ hưu, chúng tôi đang làm thủ tục để ông Lành được khen thưởng một lần nữa. Giờ thì chịu rồi.

“Hồ Văn Công thường lảng vảng trong rừng, thường xuyên tham gia các băng nhóm trấn lột, đánh với các phu trầm. Đã nhiều lần anh ta bị đánh bầm dập, sứt đầu mẻ trán. Hơn chục năm trở lại đây, anh ta như bị điên. Ai cũng tránh xa. Chỉ tội ông Hồ Lành, nhục nhã vì có đứa con bất trị” – ông Thành nói.

Cuộc thanh trừng dưới mắt đội trưởng đội trọng án

Thượng tá Lê Quang Công - quyền Trưởng phòng CSHS Công an tỉnh Quảng Trị những ngày này tất bật với chuyên án 313G mà ông là đội trưởng đội trọng án. 30 năm đối diện những kẻ giết người, ông nói chưa bao giờ có cảm giác đặc biệt như vụ án này.

Hồ Văn Công và Hồ Văn Thành, những con ma giữa đại ngàn
Hồ Văn Công và Hồ Văn Thành, những con ma giữa đại ngàn.

Thượng tá Công nhận định, đây không phải là hành động bột phát, không phải tự nhiên “sướng lên thì giết”. Đó là cả một quá trình tính toán kỹ lưỡng. Lấy tiền trót lọt thì vùi xác phu trầm vĩnh viễn vào rừng sâu, không bao giờ ai biết được. Đối với bọn này, hành động đập cho bể sọ, lồi mắt rồi đạp phu trầm xuống hố chỉ là một trong nhiều giai đoạn của kế hoạch bắt cóc tống tiền. “Nghĩa là mạng người đối với chúng không khác gì cỏ rác”.

 Với phu trầm, những món lợi khiến họ quên mọi hiểm nguy rình rập. Nhưng, ốm đau bệnh tật, gian truân khổ ải chốn rừng thẳm chỉ là rất nhỏ so với đại họa từ những cuộc thanh trừng đẫm máu. Hồ Văn Công, Hồ Văn Thành hay Thạo Ngỏ chưa phải mấy con thú cuối cùng 

Thượng tá Công nói

Thượng tá Công giải thích, kể lại chuyện này, với ông đó là một lời cảnh báo nghiêm khắc đến hàng trăm phu “ngậm ngải tìm trầm” đang và sẽ dấn thân vào rừng sâu, bởi chuyên án vẫn chưa kết thúc. Vụ việc đang vô cùng phức tạp, còn quá nhiều tình tiết chưa được giải mã.

“Với phu trầm, những món lợi khiến họ quên mọi hiểm nguy rình rập. Nhưng, ốm đau bệnh tật, gian truân khổ ải chốn rừng thẳm chỉ là rất nhỏ so với đại họa từ những cuộc thanh trừng đẫm máu. Hồ Văn Công, Hồ Văn Thành hay Thạo Ngỏ chưa phải mấy con thú cuối cùng” - Thượng tá Công nói.

Buổi tối ở Tà Rùng, tôi ngồi bên bếp lửa với bà Pí Mai. Bà là một trong những nhân chứng sống của nhiều câu chuyện rùng rợn giữa Trường Sơn. Tuy nhiên, tất cả với bà vẫn chỉ là tưởng tượng.

Người Vân Kiều luôn ngồi bên bếp lửa, nhưng khác với các tộc người ở Tây Nguyên, mắt họ sáng bởi thường xuyên nhìn vào lửa thì người Vân Kiều vây quanh bếp lửa nhưng lại nhìn vào xa xăm.

Họ sợ sự linh thiêng của núi rừng, họ sợ ma nên việc giết người là hành động táo tợn, xúc phạm đến cả trời đất chứ chưa nói đến giết người dã man, đánh đập cho đến chết như Công hay Thành.

Trên đường về xuôi, qua những khúc cua “tay áo” của đường mòn Trường Sơn, từng tốp xe máy kẹp ba đầu trần phóng văng mạng như muốn lao cả vào xe chúng tôi. Gỗ, vàng, trầm hương..., những thứ lộc của rừng không có lỗi, dù chúng đã biến con người thành dã thú.

Chiều qua, trao đổi với PV Tiền Phong, Thượng tá Lê Quang Công cho hay, chuyên án 313G vẫn tiếp tục được triển khai và tổ trọng án đang khẩn trương xác minh một số đối tượng tình nghi còn lại. Việc khai quật khám nghiệm tử thi các nạn nhân trong thời gian sớm sẽ giúp cơ quan chức năng đưa ra lời giải một cách chính xác nhất.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG