Mang 'sổ đỏ' Di sản Thế giới đi 'cầm cố'

Mang 'sổ đỏ' Di sản Thế giới đi 'cầm cố'
TP - ‘11 sổ đỏ (giấy chứng nhận quyền sử dụng đất) của Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng đã được lãnh đạo vườn âm thầm mang đi cầm cố hơn 2 năm nay để “chạy dự án”.

> Lừa đảo thu gom sổ đỏ đất rừng
> Cảnh giác hành vi lừa đảo sổ đỏ đất lâm nghiệp

Ông Thành mang cả sổ đỏ Di sản Thiên nhiên Thế giới Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng đi “cầm cố”
Ông Thành mang cả sổ đỏ Di sản Thiên nhiên Thế giới Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng đi “cầm cố”.

Giao sổ đỏ VQG cho người không có tư cách pháp nhân

Làm việc với PV Tiền Phong, ông Lưu Minh Thành, GĐ VQG Phong Nha - Kẻ Bàng thừa nhận đã mang 11 sổ đỏ của Vườn giao cho một cá nhân để xin dự án bảo vệ rừng.

Theo ông Thành, những năm gần đây có rất nhiều tổ chức, cá nhân tìm đến ông “xin” được chạy dự án từ nguồn vốn của nước ngoài để hỗ trợ kinh phí cho việc bảo vệ và phát triển rừng. Tuy nhiên, vào cuối năm 2010, ông đã chọn Công ty TNHH phát triển Lâm nghiệp Việt Nam có trụ sở ở Hà Nội (địa chỉ cụ thể ông không nhớ) để hợp tác vì công ty này có chi nhánh ở Quảng Bình.

Ông Nguyễn Xuân Quang, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Bình nói là không hề biết thông tin về việc ông Thành mang sổ đỏ của VQG Phong Nha - Kẻ Bàng đi cầm cố để chạy dự án. Ông sẽ cho kiểm tra thông tin mà PV báo Tiền Phong cung cấp và xử lý nếu đó là sự thật.

Trong lúc đó, các lãnh đạo khác của VQG Phong Nha - Kẻ Bàng cho biết, là họ cũng rất bất ngờ về thông tin này vì ông Thành không hề bàn bạc với ai.

Theo thỏa thuận, dự án sẽ hỗ trợ VQG Phong Nha - Kẻ Bàng trong công tác bảo vệ rừng là 25 triệu đồng/1 ha, đổi lại phía hưởng lợi là VQG Phong Nha - Kẻ Bàng phải giao toàn bộ bản đồ, sổ đỏ gốc cho người của dự án. Ông Thành cũng không lý giải được là họ lấy bản đồ và sổ đỏ của vườn để làm gì, mà “hình như là để làm tin, chứng minh là mình có rừng thật, để họ cấp vốn” - ông Thành nói.

Theo giấy giao nhận hồ sơ ghi ngày 19/4/2011, ông Lưu Minh Thành đã giao cho bà Trần Thị Trường (TK 4, phường Nam Lý, TP Đồng Hới, Quảng Bình) 11 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của VQG Phong Nha - Kẻ Bàng với diện tích 122.864ha, với lý do, “duyệt trình khai thác nguồn vốn không hoàn lại đầu tư dự án bảo vệ và phát triển rừng”. Ngoài ra, bên nhận hồ sơ cam kết không để mất, thất lạc và trả lại chậm nhất không quá 60 ngày kể từ ngày bàn giao.

Theo hồ sơ mà Tiền Phong có được, việc giao nhận sổ đỏ, một tài sản tối quan trọng của VQG Phong Nha - Kẻ Bàng, rất sơ sài. Trong giấy giao nhận, bà Trường không hề ghi chức vụ, và cả hai bên đều không đóng dấu của cơ quan.

“Họ là người con em Quảng Bình, có nhà cửa đàng hoàng, với lại họ không đòi chi phí ban đầu nên không có chuyện lừa đảo đâu” - ông Thành lý giải cho việc bàn giao sơ sài của mình.

Giấy biên nhận
Giấy biên nhận.

Mặc dù vậy, ông Thành thừa nhận, đến nay VQG Phong Nha - Kẻ Bàng vẫn chưa nhận được một đồng nào từ phía đối tác, và họ đã không trả lại hồ sơ đúng thời hạn như đã cam kết.

“Họ nói, đợt ni kinh tế thế giới gặp khó khăn nên chưa có nguồn vốn. Tôi cũng bận bịu lùng nhùng theo vụ 3 cây sưa nên chưa đi đòi lại sổ đỏ được. Tới đây tôi sẽ đi lấy lại sổ đỏ để bàn giao vì tôi cũng sắp nghỉ hưu” - ông Thành cho biết.

“Nhạy cảm nên không thể nói nhiều”

Theo địa chỉ ghi trong giấy giao nhận hồ sơ, PV Tiền Phong đã tìm đến nhà của bà Trần Thị Trường - người mà theo ông Thành là đại diện cho chi nhánh Cty TNHH phát triển lâm nghiệp Việt Nam. Nhà bà Trường nằm trong một con hẻm ngay đường vào ga Đồng Hới. Chừng 50 tuổi, bà Trường luôn miệng khoe về các mối quan hệ “cấp cao” của mình nhằm giằn mặt PV: “Chị ở đây mà có việc gì, chỉ cần ngoài Hà Nội điện vào cái là ô kê ngay”.

Bà Trường luôn miệng khoe mối quan hệ cấp cao của mình
Bà Trường luôn miệng khoe mối quan hệ cấp cao của mình.

Bà Trường thừa nhận là có nhận 11 sổ đỏ của VQG Phong Nha - Kẻ Bàng từ tay ông Thành. Bà là người có “mối quan hệ” nên chỉ môi giới chứ không phải là người của công ty hay tổ chức nào hết. Đây là nguồn vốn nằm trong dự án 5 triệu ha rừng của Chính phủ, nhưng Việt Nam khó khăn nên lập hồ sơ xin vốn nước ngoài (?). Không như ông Thành nói, bà Trường cho biết, nếu vốn về, người hưởng lợi chỉ được nhận 20 triệu, còn 5 triệu giữa lại chia cho những người chạy dự án.

“Nói thật với em, thấy Quảng Bình mình nghèo, chị lại có mối quan hệ nên tìm cách xoay chạy nguồn vốn cho tỉnh thôi. Nhiều huyện nhờ chị gom sổ đỏ đất rừng của dân để chạy dự án cho họ nhưng chị không làm. Chị làm cái lớn thôi, có phải một mình Phong Nha - Kẻ Bàng đâu, mà chị còn giúp Bù Đăng (Bình Dương), Hồ Kẻ Gỗ (Hà Tĩnh)... chạy vốn ấy chứ” - bà Trường nói.

Khi được hỏi về danh tính của các tổ chức trong và ngoài nước mà bà đang hợp tác triển khai dự án nói trên, bà Trường tỏ ra nghiêm trọng: “Em thông cảm, chị không nói ra được, toàn là những người trong nội bộ chính phủ mình cả. Việc làm ăn, nhạy cảm nên không thể nói nhiều”.

Bà Trường lục tủ lôi ra một tập hồ sơ dày cộm, lần giở: “Em coi, toàn là hồ sơ của lãnh đạo các tỉnh nhờ chị chạy đây này”. Liếc nhìn qua thì đúng là có rất nhiều chữ ký và con dấu của lãnh đạo các tỉnh. PV xin được xem nội dung các hồ sơ, bà Trường không cho: “Mấy cái ni hay lắm, hôm ni làm việc không xem được, hôm sau đi uống cà phê chị kể cho mà nghe”.

Chỉ trong hơn một giờ đồng hồ tiếp xúc, bà Trường liên hồi gọi và nhận điện thoại: “Ừ ừ yên tâm đi, bộ trưởng chuẩn bị ký; ừ ừ yên tâm, đầu tuần sau là
Thủ tướng ký...”.

Nói về tính khả thi của các dự án bảo vệ và phát triển rừng mà bà đang “chạy”, bà Trường nói: “Đáng ra là được lâu rồi, nhưng Việt Nam mình ham ăn quá, vốn chưa về đã thi nhau làm hồ sơ nên phía nước ngoài họ chần chừ. Nhưng mà cuối tháng 3 ni chắc là có vốn về”. Bà Trường cũng khẳng định là trong tuần này sẽ lấy hồ sơ về cho VQG Phong Nha - Kẻ Bàng.

“Sổ đỏ” nào cũng có thể thế chấp

Theo luật sư Hà Đăng (Đoàn luật sư Hà Nội), Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ) là một loại giấy tờ có giá, nghĩa là có thể cầm cố, thế chấp tới bất cứ tổ chức tín dụng nào.

Bổ sung ý kiến, thẩm phán Ngô Tự Học (Phó Chánh tòa Hình sự, TAND TP Hà Nội) phân tích: “Về bản chất, số đỏ mang tên cá nhân hay pháp nhân đều có thế sử dụng cầm cố, hay thế chấp. Trường hợp sổ đỏ mang tên pháp nhân, quy trình này phải được sự nhất trí, thông qua của tập thể lãnh đạo, hoặc những người có thẩm quyền, tư cách đại diện cho pháp nhân, sau khi đã nhận được sự nhất trí của
tập thể”.

Về trách nhiệm khi làm mất, thất lạc sổ đỏ, luật sư Hà Đăng cho biết, thông thường người đứng đầu tổ chức, pháp nhân sẽ là người chịu trách nhiệm chung. “Nếu để thất lạc tài sản chung của tổ chức mà mình được giao quản lý, tùy từng trường hợp, có thể xem xét, truy cứu trách nhiệm hình sự” – LS Hà Đăng nói.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG