Mở biển Hoàng Sa, Trường Sa

Mở biển Hoàng Sa, Trường Sa
TP - Hàng trăm con tàu của ngư dân Đà Nẵng, Quảng Ngãi, Bình Định... đã sẵn sàng cưỡi sóng ra Hoàng Sa, Trường Sa mở biển những ngày đầu năm đầy hứa hẹn.

> Đầu năm thẳng tiến Hoàng Sa
> Báo Mỹ: Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam
> Chuẩn bị lễ Khao lề thề lính Hoàng Sa

Thế hệ tàu cá mới

Anh Nguyễn Văn Hiệp (Thanh Khê, Đà Nẵng) - thuyền trưởng tàu ĐNa 90521TS cùng hơn chục ngư dân quần áo chỉnh tề kính cẩn thắp hương trước mũi tàu.

Anh Hiệp hầu như ăn trọn cái Tết nơi cảng cá âu thuyền Thọ Quang, để lo từng giai đoạn cuối cho con tàu mới hạ thủy có được chuyến biển đầu tiên an toàn, thuận lợi.

Con tàu ông Thân chuẩn bị mở chuyến biển đầu tiên
Con tàu ông Thân chuẩn bị mở chuyến biển đầu tiên.

Con tàu dài hơn 20m, rộng khoảng 7m, công suất gần 900CV được gia đình anh Hiệp đóng mới với giá hơn 4 tỷ đồng.

Thuyền trưởng Hiệp bảo: Trong số đó, riêng TP Đà Nẵng hỗ trợ 800 triệu đồng theo chủ trương đóng mới tàu công suất lớn, còn lại gia đình dành dụm và vay mượn. Chuyến mở hàng tàu mới này, anh sẽ chạy một vệt dọc Hoàng Sa đến Trường Sa. Đúng giờ xuất hành, tàu ĐNa 90521 mạnh mẽ rẽ nước ra khơi.

15 bạn tàu trên con tàu ĐNa 90463TS của ông Nguyễn Thân (trú Sơn Trà, Đà Nẵng) tất bật công việc cuối cùng trước giờ tàu vươn khơi: kiểm tra buồng lái, khoang máy, sắp xếp, khâu nối dàn lưới... Tối mồng 10 tháng giêng tàu xuất bến, lấy giờ đẹp, thẳng hướng Hoàng Sa.

Con tàu mới, đậu sát cầu cảng âu thuyền Thọ Quang. Gốc miền biển Quảng Ngãi, hai năm nay, ông Thân chuyển ra định cư, nhập khẩu vào Đà Nẵng.

Tay ngư phủ lão luyện như ông, vượt qua sóng gió, làm giàu từ biển. Hết mua đất, dựng nhà, ông “mạnh tay” đóng con tàu 800CV, với tổng kinh phí 3,5 tỷ đồng. “Tàu lớn đánh bắt dễ dàng và an toàn hơn, vừa đánh bắt, vừa góp phần bảo vệ vùng biển nước mình”, ông Thân nói.

Toàn bộ ngư dân trên tàu đều người làng chài Bình Sơn và Lý Sơn (Quảng Ngãi) đầy kinh nghiệm cùng ông vươn khơi trong những chuyến tàu công suất nhỏ trước đó.

Hạ thủy con tàu đóng mới ĐNa 90508TS gần tháng nay, ông Trần Văn Vốn (phường Xuân Hà, Thanh Khê, Đà Nẵng) đang sắp xếp gần 2.000 cây đá, 5.000 lít dầu, 2.000 lít nước ngọt cho chuyến khai biển đầu Xuân tối mùng 10 tháng giêng này…

Thuyền trưởng Đến khâu dải lưới cuối cùng trước giờ vươn khơi
Thuyền trưởng Đến khâu dải lưới cuối cùng trước giờ vươn khơi.

Cả góc cảng âu thuyền Thọ Quang tấp nập, rộn ràng tiếng máy, tiếng ngư dân hò nhau vận chuyển đá ướp, dầu, nước ngọt, lương thực cho những chuyến biển đầu Xuân.

Ông Ngô Văn Cát, Phó trưởng BQL âu thuyền và cảng cá Thọ Quang (Sở NN&PTNT TP Đà Nẵng), cho hay: Từ mồng 2 Tết ngư dân Đà Nẵng và các địa phương miền Trung đã ra khơi, mở biển. Trung bình mỗi ngày có trên chục chuyến tàu vươn khơi. Những ngày gần đây, tàu thuyền ra vào tấp nập hơn. Đến nay có trên 100 tàu xa bờ ra khơi.

Theo lãnh đạo Sở NN&PTNT TP Đà Nẵng, chủ trương hỗ trợ đóng mới tàu công suất lớn của thành phố đã bước đầu tạo thế hệ tàu cá mới, tăng công suất, khả năng vươn khơi, đánh bắt. Hiện, trên địa bàn có hơn chục hộ ngư dân đăng ký đóng mới, với tổng công suất trên 7.100 CV, trong đó có 4 tàu trên 800 CV, Đà Nẵng hỗ trợ 7,2 tỷ đồng. Đội tàu đánh bắt xa bờ tăng nhanh, đạt gần 200 chiếc.

Biển vàng

Vừa trở về sau chuyến xuyên Tết trên biển Đông, con tàu QNg 98487TS của ông Võ Đến (huyện Đức Phổ, Quảng Ngãi) kịp “xả hàng” rồi chuẩn bị vươn khơi khai Xuân.

“Anh em ăn Tết trên biển, vui nhưng bận rộn. Chuyến biển được gần 20 tấn. Ai cũng khí thế nên quyết định làm chuyến khai Xuân mong mở mùa biển mới thuận lợi” - ông Đến nói.

Dịp Tết, cá được giá, mỗi thuyền viên hưởng trọn hơn chục triệu đồng sau 2 tuần bám biển. Ông Đến nhẩm tính: Mỗi chuyến biển ngốn 12.000 lít dầu, hàng trăm cây đá, tổng phí tổn lên đến trên dưới 200 triệu đồng. Tàu làm nghề giã cào, lưới vây, ngang dọc vùng biển khơi phía Bắc, có khi ra tận Hoàng Sa.

Hàng chục chuyến biển trong năm 2012 vừa qua, ông Đến khó nhớ hết những chuyến biển thành công, nhưng lãi ròng trên dưới 100 triệu đồng.

“Bình thường mùa biển tháng 6, tháng 7 đánh bắt thuận lợi nhất, trung bình đạt 15-20 tấn các loại. Nhưng tôi nhớ đợt khai Xuân năm vừa qua, cả tàu trúng đậm. Hi vọng chuyến này cũng là mùa “biển vàng” cho chúng tôi”, ông Đến nói.

Những đội tàu vươn khơi, mở biển đầu năm. Ảnh: Nguyễn Huy
Những đội tàu vươn khơi, mở biển đầu năm. Ảnh: Nguyễn Huy.

Để khai thác trên biển hiệu quả, tàu thuyền ngư dân Việt phải đoàn kết, tương trợ nhau, trao đổi tọa độ đánh bắt... Lần nào cũng thế, chuyến biển của ông Đến mang theo 4-5 tàu thuyền ngư dân bạn trong các tổ đội đánh bắt.

Ông Trần Xuân (Đức Phổ), chủ tàu QNg 95659TS, thành viên tổ đội này, cho hay: Liên kết vươn khơi thành mô hình không thể thiếu của ngư dân. Các tàu hỗ trợ qua lại phương tiện, ngư cụ trong trường hợp nhất định, đặc biệt khi thiên tai. Những năm gần đây, số vụ tai nạn trên biển của ngư dân giảm đáng kể là nhờ sự đoàn kết.

Chủ tàu ĐNa 90052, ông Lê Văn Tiến (phường Xuân Hà) cũng chia sẻ: Mô hình liên kết trên biển được Đà Nẵng triển khai nhiều năm nay. Không chỉ giúp nhau lúc hoạn nạn, các ngư dân còn thông báo về tọa độ khai thác tốt, luồng lạch cá... Hành nghề câu cá ngừ đại dương khắp các vùng biển truyền thống Hoàng Sa, Trường Sa, ông Tiến kết nối gần chục ngư dân trên địa bàn.

“Phúc cùng hưởng, họa cùng chịu” là tinh thần chung của cả tổ đội liên kết. Nhớ chuyến biển giữa năm 2012, tàu ông Tiến bội thu gần 20 tấn cá ngừ nhờ sự “chỉ điểm” của bạn tàu trong đội là ông Lê Dũng cùng phường, chủ tàu ĐNa 90323... “Biển mỗi ngày một khó khăn hơn, nhưng nếu bản lĩnh, kinh nghiệm và có sự hỗ trợ lẫn nhau, chắc chắn ngư dân Việt vẫn thắng lớn” - ông Tiến nói.

Gần chục chuyến biển trong năm 2012, ông Tiến thu về hàng trăm triệu đồng. Có chuyến biển đạt 17-20 tấn cá ngừ, lãi ròng 200-300 triệu đồng.

Tính riêng những chuyến biển năm qua của cặp tàu ĐNa 90525, ĐNa 90426, gia đình ông Phạm Phương (tổ 29, phường An Hải Bắc, Sơn Trà) thu về hơn 300 tấn hải sản. Sau chuyến biển đầu Xuân, ông Phương quyết định đóng mới tàu công suất trên 800CV tiếp tục bám biển.

Thống kê từ Sở NN&PTNT TP Đà Nẵng: Năm 2012 là mùa biển an toàn, hiệu quả nhất với ngư dân trong vòng 10 năm nay. Sản lượng hải sản cả năm ước đạt 35.000 tấn, tăng 1.500 tấn so năm 2011.

Cù Lao Chàm trúng cá hố, Quảng Ngãi trúng đậm cá cơm

Những ngày qua, gần 60 tàu cá của ngư dân xã Phổ Thạnh (Đức Phổ) hành nghề lưới trũ gần bờ trúng đậm cá cơm. Sau mỗi ngày đánh bắt, mỗi tàu thu về từ 270-520 kg, với giá thu mua tại cảng cá Sa Huỳnh 80.000 đồng/kg.

Cá hố được thu mua với giá cao ngay tại đảo Cù Lao Chàm
Cá hố được thu mua với giá cao ngay tại đảo Cù Lao Chàm.

Sau khi trừ chi phí, chủ phương tiện thu được từ 12-25 triệu đồng, mỗi ngư dân đi bạn được chia từ 1-2 triệu đồng.

Riêng tàu cá ông Bùi Thanh với 1 ngày đánh bắt thu được hơn 310 triệu đồng, tàu cá của ông Châu Ngọc Thạnh thu được gần 290 triệu đồng.

Những ngày đầu năm, hơn 400 lao động của 50 thuyền hành nghề câu cá hố ở đảo Cù Lao Chàm (TP Hội An) vui mừng vì được mùa.

Giá cá hố được thương lái mua với giá 145 ngàn đồng/kg loại một, cao hơn nhiều so với các năm trước.

Anh Trần Chín (thôn Bãi Ông) cho biết: Sau 2 ngày ra khơi, chiếc thuyền 45 CV của anh thu gần 30 triệu đồng. Theo các ngư dân, năm nay cá hố vào sát Bãi Làng chừng 300m, mỗi ghe nhỏ từ 8-15 CV với 2 lao động sau một đêm cũng kiếm gần 1 triệu đồng.

Ông Nguyễn Văn Dũng, Phó chủ tịch UBND TP Hội An, cho biết: Mỗi năm Cù Lao Chàm xuất khẩu khoảng 300 tấn cá hố sang Nhật Bản. Phía Nhật đã khảo sát, lập dự án và có đề nghị địa phương cho phép họ đầu tư dự án điện gió tại đảo để chế biến cá hố xuất khẩu, nâng cao giá trị hải sản biển của địa phương.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Đắk Lắk xác lập 3 kỷ lục quốc gia
Đắk Lắk xác lập 3 kỷ lục quốc gia
TPO - Tổ chức Kỷ lục Việt Nam đã trao 3 xác nhận kỷ lục cho UBND tỉnh Đắk Lắk. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trao Quyết định công nhận Bảo vật quốc gia đối với Bộ sưu tập mũi khoan đá Thác Hai.