Những cái giật thột có lý

Những cái giật thột có lý
TP - Chiều thu mà oi ong. Câu chuyện của nhà sư ngược về những năm xa và cả những thứ tấm mẳn... Cô bé Khoa hình như có căn tu? Theo người nhà lên chùa rồi mến người mến cảnh... Bảy tám tuổi học vỡ lòng rồi cấp 1 cấp hai cứ phải là mang sách vở lên chùa trăm gian này học mới vào. Học thì ít, hầu hạ sư bác thì nhiều. Kinh phật cũng từ thuở thơ bé ấy mà vỡ vạc. Đến năm 1977 gần 20 thì ở hẳn chùa.

> Trăm gian, lắm điều giật thột

Nhà sư Thích Đàm Khoa
Nhà sư Thích Đàm Khoa.

Câu chuyện một nhà tu hành Thích Đàm Khoa một mình bươn bả hết tàu hỏa xe hơi một mình lên rừng xanh núi đỏ tầm gỗ về xây chùa nghe mà phát ngại! Cung chặng theo chân tốp người (như nhà sư nói là hằng tâm hằng sản với nhà chùa) tàu xe qua cửa khẩu Lao Bảo.

Tôi không rõ bằng cách nào, theo ai và những công đoạn phép tắc như thế nào để nhà sư đến những cánh rừng nguyên sinh còn đầy gỗ quý trong đó có thứ thiết mộc ấy là lim. Rồi bao nhiêu thứ phiền phức nhiêu khê thủ tục này khác để chặt hạ để lựa được thứ gỗ ưng ý.

Từ những thân lim mấy tày ôm như thế, vạc ra thành bốn theo chiều dọc để chuốt thành bốn cái cột. Nhiều thân lim như thế phải xẻ, phải bửa để chuốt thành hàng chục cái cột.

Người ta nói lim bìa táu lõi. Cái giống lim quý thế cứng thế nhưng hữu dụng lâu dài là phần bìa! Phải bõ lõi gọi là tiêu tâm mới làm cột được. Mỗi cột cỡ gần vòng ôm. Ngoài cột còn gỗ để làm bao thứ khóa giang rui... Tổng cộng gần 100 mét khối cả thảy.

Hoa văn họa tiết mới nghèo nàn
Hoa văn họa tiết mới nghèo nàn.

Gần trăm khối gỗ lim lặng lẽ một cách phép tắc dằng dặc từ đất Lào về Trăm gian này. Trong đó có 56 cột lim được chuốt cỡ tày ôm đang sừng sững giăng ở nhà Khánh lẫn nhà Tổ này kể ra cũng kinh người!

Phải nhọc nhằn vậy bởi mối lo gian nhà Tổ và gian Khánh lâu nay xuống cấp dột nát nhiều- nhà sư bộc bạch tiếp. Nhiều chỗ gần sụt đến nơi. Tiếng là cột lim nhưng hằng bao năm chống đỡ nhiều cột đã mục ruỗng. Sợ nhất là khách thập phương đến cúng lễ va phải những cột chống thanh giằng tua tủa trong chùa nhỡ có bề nào thì khốn.

Chỉ một cơn bão cấp 10 quất vào chùa cũng có cơ nguy. Cũng đã kêu đã nài lên huyện lên thành. Đợt kêu mới nhất là tháng 9 năm ngoái lên UBND huyện là phải kíp hạ giải sửa sang nhà Khánh nhà Tổ không thì sụp mất. Kêu mãi nhưng chúng tôi biết kinh phí trên eo hẹp khó mà chu cấp sửa sang kịp thời nên đành phải bươn bả này khác!

Cứ như trong câu chuyện, có vẻ như sư Khoa gần như là người chủ trì lẫn chủ chi việc tu tạo? Theo đó việc tu tạo nhà Khánh nhà Tổ thì cứ y sì căn ke theo kiểu cũ nếp cũ mà làm.

Như bản phô tô như là tỷ lệ 1:1 vậy... Sư nói rất tin tưởng vào các hiệp thợ. Nhưng hỡi ôi bây giờ lại ra cái nông nỗi chuệch choạc ngớ ngẩn thế này?

Trả lời câu hỏi rằng đã có sự hằng tâm hằng sản này khác, gom góp được một khối lượng vật liệu vốn liếng như thế tại sao không thư thư ít ngày làm thủ tục phép tắc với các cấp? Nhà sư chỉ nín lặng...

Chính vì sự vội vàng lẫn mau mắn đó nên không ít những ý kiến, vẻ như quá khích lẫn vội vàng suy diễn cho rằng thái độ chủ động thành khẩn nhận mọi lỗi lầm của sư trụ trì Thích Đàm Khoa trước các nhà chức việc nhằm làm giảm trách nhiệm của cấp quản lý nào đó? Hoặc chủ động bày việc sửa chữa vội vàng qua mặt các cấp quản lý như thế thì có sự hà lạm tiền công đức không? Nhà chùa? Chính quyền địa phương và các hiệp thợ?

Thời kinh tế thị trường tự dưng phát lộ lắm cái lạ. Tỷ như vóc dáng mảnh mai của sư trụ trì chùa đây lại có tầm vóc xuyên quốc gia làm kinh tài! Nhưng có lẽ thay vì đôn đáo bươn bả đây đó, sang cả nước ngoài tầm gỗ kiếm tiền và khoan hãy nói đến việc tu nghiệp trau dồi giáo lý cao siêu, hãy đốn ngộ ngay chính di tích mà mình quản lý với tư cách sư trụ trì lẫn trách nhiệm của một thành viên ban quản lý Di tích ngôi chùa trăm gian độc nhất vô nhị.

Riêng việc đốn ngộ ấy thôi, khi phá dỡ tu tạo 3 hạng mục của chùa (dẫu trái phép) và dưới sự chỉ đạo (dẫu bất đắc dĩ) cũng chả thể sai lệch chuệch choạc như thế này?

Chợt nhớ đến câu của các cụ mình túm anh có tóc chứ tóm chi người trọc đầu. Hình như câu ấy để răn để nhắc cung cách ứng xử và cả lĩnh vực thực thi pháp luật nữa? Quả có hơi bị trớ trêu lẫn oái oăm khi câu ấy vận vào sự cố ở chùa Trăm gian này? Nghĩ mà ngại cho vị sư trụ trì những ngày tới chắc phải chi dùng lắm lắm thời gian để chia lòng chia trí với các nhà chức việc?

Giật thột

Có một chuyện thật cứ như đùa cách đây đã lâu rằng có một bà người Úc, một chuyên gia văn hóa đã thách đố một hiệp thợ (có người nói là ban quản lý di tích?) rằng nếu trùng tu gác chuông chùa Trăm gian y xì kiểu cũ không làm sai lạc không thêm chẳng bớt thì bà sẽ bỏ toàn bộ kinh phí cho việc trùng tu! Hiệp thợ ấy qua nhiều ngày miệt mài cẩn trọng đã không làm hổ danh nền văn hóa Việt và gác chuông trăm gian thâm nghiêm sinh sắc như bây giờ ta vẫn thấy!

Sai lệch chân tảng cũ mới
Sai lệch chân tảng cũ mới .

Hơn chục năm trước, bọn trộm táo tợn đã mò vào chùa rinh đi mấy bức phù điêu Thập điện Diêm Vương chạm khắc công phu. Mấy bức còn lại không biết vì lý do gì đã được sơn phết thứ sơn công nghiệp lòe loẹt làm cho biến dạng.

Mãi gần đây các cơ quan chức năng sau bao lao tâm khổ tứ đã truy tìm thấy mấy bức phù điêu hoàn lại cho chùa. Hút mắt khách tham quan nhất là người nước ngoài bây giờ vẫn là những bức phù điêu để mộc ấy chứ chẳng mấy ai ngó ngàng chi đến các bức sơn phết sặc sỡ bên cạnh! Trớ trêu, bọn trộm có... công không nhỏ trong việc bảo tồn?

Vào thời khắc chiều muộn khi tôi đương nán lại ở chùa Trăm gian, ở Hà Thành đương diễn ra cuộc họp trọng có mặt của ông GĐ, ông Phó GĐ Sở VHTT&DL cùng ông chủ tịch xã Tiên Phương, ông Phó chủ tịch huyện Chương Mỹ, ông Viện trưởng Viện Bảo tồn Di tích với các nhà báo (chiều hôm, cũng đã có một cuộc họp quan trọng do đích thân ông Chủ tịch thành phố chủ trì với các cấp các ngành về phương án khắc phục sự cố 3 hạng mục của chùa Trăm gian mà các phương tiện thông tin đại chúng đã đăng tải).

Nghe các thành phần hai cuộc họp trọng, tôi cứ nghĩ lẩn thẩn, biết bao là tai mắt là công cụ (trong đó có tai mắt giới truyền thông mình nữa chứ?) suốt ba tháng trời rầm rộ tháo dỡ xây cất lèm nhèm ấy, chỉ cần trích ra một vài người thôi xuống ngay Trăm gian là đã kịp thời chấn chỉnh khắc phục và sẽ không có những cuộc họp tốn kém đến như thế này?

Và rồi không ít những nhiêu khê nữa chứ? Đành một nhẽ trân trọng quyết tâm của các nhà chức việc Hà Thành là kiên quyết phục chế lại 3 hạng mục. Nhưng cứ lo lo khi nghĩ đến câu các cụ để là cái áo tháo là cái tấm.

Ngó khối lượng gỗ ngói đổ nát tháo dỡ từ nhà Khánh nhà Tổ chất đống bừa bộn kia, phải là sốt mến lắm và cả tài năng nữa thì mới chắp nối hàn gắn bày đặt cho 3 hạng mục công trình chùa Trăm gian hao hao như nguyên trạng từng đậm dấu thành kính trong mỗi lương dân Việt?

Đã đành nên tránh những điều giật mình. Nhưng cuộc sống sẽ trệ ngưng khi vắng đi những những điều giật thột có lý?

Ngày xá tội vong nhân năm Thìn
Xuân Ba

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Xây dựng sông Hồng là biểu tượng phát triển của Thủ đô
Xây dựng sông Hồng là biểu tượng phát triển của Thủ đô
TPO - “Xây dựng Hà Nội là thành phố xanh và sinh thái, với sông Hồng là biểu tượng phát triển. Cùng với đó, tỷ lệ đô thị hóa đạt 75%..”, đó là một trong những mục tiêu tại Chương trình phát triển đô thị TP. Hà Nội giai đoạn đến năm 2035 vừa được UBND TP. Hà Nội công bố.