Mắt biển Trường Sa

Mắt biển Trường Sa
TP - Đêm. Những ngọn đèn biển tại các nhà đèn Trường Sa vẫn rực sáng báo hiệu tàu thuyền tìm luồng lạch giữa biển trời, đồng thời là cột mốc chủ quyền thiêng liêng. “Lính nhà đèn” thường xuyên đối diện hiểm nguy.
Lau chùi “mắt biển Trường Sa”. Theo anh Tiến: trong mọi hoàn cảnh, phải đảm bảo đèn biển Trường Sa luôn thắp sáng
Lau chùi “mắt biển Trường Sa”. Theo anh Tiến: trong mọi hoàn cảnh, phải đảm bảo đèn biển Trường Sa luôn thắp sáng.

“Gọi là thợ đèn, lính nhà đèn gì cũng được. Không mang quân hàm như lực lượng hải quân nhưng được gọi là lính nghe nó vui tai và thấy trang trọng vì được góp phần mình cho Trường Sa” – Hoàng Đăng Tuyến (quê Kiến An, Hải Phòng), nói.

Tuyến là nhân viên trạm đèn Đá Lát (huyện Trường Sa, Khánh Hòa, thuộc Cty đảm bảo An toàn hàng hải Biển Đông, Tổng Cty đảm bảo an toàn hàng hải miền Nam – Bộ GTVT).

“Đại lão” nhà đèn

30 tuổi, trẻ nhất trong số cán bộ, nhân viên trạm đèn Đá Lát nhưng Tuyến có cả chục năm trực đèn biển. Ngang dọc khắp các trạm đèn Trường Sa, gần năm nay, anh Tuyến phân công gác trạm đèn Đá Lát.

Từ xa trạm đèn Đá Lát như một chiếc cột chọc thẳng xuống biển nước xanh ngắt, nằm cách biệt với khu đảo Đá Lát.

Cánh phóng viên chúng tôi phải tăng bo thành từng đoàn mới có thể đến trạm để tránh quá tải. Chỉ vài cơn sóng xô mạnh cũng đủ khiến việc tiếp cận, lên xuống nhà đèn gian nan, huống chi lúc sóng to, gió lớn, biển động khiến đời sống nhân viên nhà đèn thêm cô lập.

Thiếu tá Trương Văn Núi, Đảo trưởng Đá Lát vui bảo: “Chúng tôi gọi đó là đại lão nhà đèn với nhiều cái nhất: chơi vơi nhất, cũ kỹ nhất, thậm chí cả phần nguy hiểm nhất”.

Thường nhà đèn ở bên mé đảo, nhưng Đá Lát nằm cách biệt nên chỉ lúc thuận tiện hai bên mới có thể thăm hỏi giao lưu, còn lại tất cả báo cáo qua điện đàm.

Trạm đèn nhỏ, mọi vật dụng được bài trí trong không gian tiết kiệm tối đa. Cầu thang vòng xoắn bó sát mép thành trạm. Phải đến vài trăm bậc cho trạm đèn có độ cao hơn 40m.

Anh Tuyến dẫn chúng tôi một vòng lên khu vực trung tâm. “Chỉ anh em trong nghề mới trèo được vòng thang xoáy. Rất nguy hiểm. Nếu sơ ý trượt chân có thể gây chấn thương nặng”.

Cảnh báo của anh Tuyến xem ra không thừa, bởi nhìn bề ngoài cũng thấy không ít đoạn đấu nối thanh ngang cầu thang có dấu hiệu bị ô xi hóa gây hoen gỉ.

Ngày nào cũng thế, anh Tuyến cùng anh em đều đặn chia thành các ca trực lên xuống ngọn hải đăng nhà đèn lau chùi, kiểm tra độ sáng, các thông số vận hành đèn để mỗi đêm giữa biển trời Trường Sa, ngọn hải đăng rực sáng hướng dẫn cho tàu thuyền đi lại và báo hiệu vùng biển chủ quyền Việt Nam.

Việc tiếp cận, lên trạm đèn Đá Lát gặp nhiều khó khăn, đặc biệt khi biển động
Việc tiếp cận, lên trạm đèn Đá Lát gặp nhiều khó khăn, đặc biệt khi biển động .

Anh Nguyễn Quốc Tiến (trú TP Hải phòng), đèn trưởng trạm đèn Đá Lát cho hay: Giữ và đảm bảo cho đèn hải đăng luôn sáng là nhiệm vụ sống còn của chúng tôi. Công việc tưởng chừng đơn giản nhưng không kém phần vất vả, phức tạp. Ảnh hưởng nước biển nhiễm mặn, những ngọn hải đăng thường xuyên bị gỉ sét, nếu không bảo quản thường xuyên đèn dễ chập, cháy, hoặc độ sáng không ổn định. Mỗi tối, dù màn đêm đen đặc, tàu thuyền ở vị trí cách đèn đến gần 20 hải lý vẫn có thể nhận biết ánh sáng từ hải đăng của trạm.

Dọc các đảo và điểm đảo Trường Sa, 8 ngọn hải đăng bên các đảo Đá Lát, An Bang, Đá Tây, Tiên Nữ, Song Tử Tây, Trường Sa Lớn, Sinh Tồn, Sơn Ca và Nam Yết sừng sững, uy nghiêm.

Nhận nhiệm vụ canh đèn từ đầu những năm 1990, đèn trưởng Quốc Tiến nhớ như in từng vị trí, tên gọi và đặc trưng của các trạm đèn: trạm đèn Sơn Ca hình trụ, chân đế giống cột cờ Hà Nội, Song Tử Tây hình tháp… còn Đá Lát theo hình mũi tên và là trạm đèn có tuổi đời lâu nhất trong hệ thống nhà đèn Trường Sa.

Nỗi niềm thợ đèn

“Nhà đèn như gia đình mình vậy”, Đèn trưởng Tiến tâm sự. Đây là lần thứ hai trở lại công tác ở Đá Lát sau hơn 10 năm nhận nhiệm vụ giữ đèn Trường Sa.

Một ngày giữa năm 1988, biển động bất ngờ lúc chập choạng tối. Anh Tiến leo lên bậc thang nhỏ. Sóng to đánh rung các chân đế nhà đèn lật bật. Đôi tay săn chắc bám vững lan can cầu thang. Ra mé ngoài trạm đèn, một đoạn bê tông bị sóng đánh bạt đứt hở văng ra khỏi tường, đập trúng người anh Tiến. Anh bị trọng thương.

Trong đêm, các vết thương đứt hở khiến máu mất nhiều, mọi người tập trung sơ cứu nhưng anh Tiến dặn anh em phải đảm bảo cho đèn sáng đúng thời gian quy định.

“Bão tố, biển động là lúc tàu thuyền ngư dân cần mình nhất để có thể tìm hướng trú tránh an toàn nên không thể chủ quan. Trong mọi trường hợp cần phải hoàn thành tốt nhiệm vụ, bảo vệ đèn như bảo vệ chủ quyền Trường Sa vậy”, anh Tiến nói.

Trạm đèn Đá Lát nằm cách biệt giữa biển trời Trường Sa. Ảnh: Nguyễn Huy
Trạm đèn Đá Lát nằm cách biệt giữa biển trời Trường Sa. Ảnh: Nguyễn Huy.

Trạm Đá Lát bình thường chỉ chịu sóng gió cấp 5-6. Sóng giật cấp 7-8, trạm rung lên bần bật, còn đến cấp 10 anh em phải di tản khẩn cấp sang đảo Đá Lát trú tránh.

Mỗi mùa mưa bão, thiên tai, vừa trực đèn, mọi người còn đề cao cảnh giác, theo dõi dự báo thời tiết để phòng ngừa rủi ro.

Anh Trần Quang Hải (45 tuổi, Nghi Xuân, Hà Tĩnh) kinh nghiệm hơn chục năm canh đèn Trường Sa, nhưng những lần ở Đá Lát mới đúng là thử thách.

“Trượt ngã, gãy chân tay không còn là chuyện hiếm với lính nhà đèn. Chỉ cần sóng lớn, tạt nước vào các bậc cầu thang gây ướt trơn, là ngã như chơi. Có lúc sóng đánh cao, áp vào cả chỗ ngủ. Mọi người phải co ro chờ đến sáng. Ngày thời tiết âm u, hệ thống năng lượng mặt trời hạn chế, mọi người không dám thắp điện mà ưu tiên nguồn điện cho ngọn hải đăng.

Chiến sĩ hải quân Trường Sa tuần tra bên ngọn đèn Hải đăng đảo Sinh Tồn
Chiến sĩ hải quân Trường Sa tuần tra bên ngọn đèn Hải đăng đảo Sinh Tồn .

Tháng ngày bình yên, cái cảm giác nhớ gia đình, vợ con lại ùa về trong mỗi người lính trạm đèn. Hầu hết anh em ở các trạm đều lập gia đình, vợ con trên đất liền.

Anh Hải kể, mỗi năm về phép 1 lần 3 tháng, còn lại là ở miết với nhà đèn, với biển. Mấy lần về phép, vợ con giục anh xin chuyển về đất liền. Thương vợ, nhớ con anh gật gù đồng ý nhưng lúc ra trạm, nghĩ về ngày phải xa những ngọn hải đăng đêm đêm chiếu dọi biển trời Trường Sa, anh Hải không đặng lòng rời bước.

Lúc nhớ nhà, anh Hải ngồi bên mép bàn, lấy bức hình gia đình ra ngắm dưới ánh trăng vằng vặc.

Trường Sa và gia đình nhỏ là hai khái niệm không thể tách rời, không thể chọn lựa. Giọng anh rắn rỏi: Nếu cho chọn tôi sẽ tiếp tục chọn cả hai.

Anh Trần Văn Ngữ, Trạm trưởng trạm hải đăng đảo Sinh Tồn (Trường Sa) cho hay, đời sống anh em ở các nhà đèn đã được cải thiện đáng kể. Việc ra vào thăm trạm cũng dễ dàng hơn. Tuy nhiên, những đảo xa và biệt lập như Đá Lát, Đá Tây, Tiên Nữ… vẫn còn nhiều khó khăn.

Theo đảo trưởng Trương Văn Núi, cùng bám trụ với đảo, mỗi đơn vị có chức năng nhiệm vụ đặc thù, nhưng nhờ anh em trạm hải đăng nhiều thông tin trên biển được cập nhật, đặc biệt trong bối cảnh có nhiều tàu cá xâm lấn trái phép vùng biển chủ quyền Việt Nam.

Ngư dân Phạm Năm (Bình Sơn, Quảng Ngãi), thuyền trưởng tàu QNg - 95339TS bộc bạch: cả chục năm câu mực ngoài Trường Sa, chúng tôi được bình an đến giờ phút này nhờ điểm tựa từ những ngọn hải đăng. Chỉ cần thấy ánh đèn năm giây chớp 1 lần là chúng tôi biết đang gần Đá Lát.

Mùa mưa bão 2 năm trước, nhờ đèn Đá Lát mà tôi tìm hướng trú bão an toàn. Nhiều khi đi ngang qua Trường Sa, thấy các đảo, các trạm đèn, lại vững tâm bám biển, bảo vệ ngư trường.

Anh Hải kể, có lần 1 tàu ngư dân Bình Thuận cố áp vào trạm, xin lên bằng được chỉ để nói 1 tiếng cảm ơn các anh em nhà đèn vì giúp họ vượt bão an toàn. Giữa biển khơi, tình người quý giá biết chừng nào.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG