Ba ngày bị giam trong chuồng dê

Ba ngày bị giam trong chuồng dê
TP - “Bọn cướp dí súng sau lưng rồi thúc bọn em đi. Lúc đó em nghĩ vậy là hết, chúng sẽ thủ tiêu, mình sẽ không còn cơ hội trở về nữa”, thủy thủ Lưu Đình Sơn nhớ lại.

> Suýt bị cướp biển thiêu sống

Thủy thủ Sơn và người thân. Ảnh: Hồ Lài
Thủy thủ Sơn và người thân. Ảnh: Hồ Lài.

Kinh hoàng 3 đêm trắng

Trong số 12 thuyền viên người Việt Nam trên tàu cá Shiuh Fu-1 (Đài Loan) bị cướp biển Somalia bắt cóc thì Lưu Đình Sơn (SN 1991, quê quán tại thôn Thạch Tiến, xã Thạch Nhàn, huyện Con Cuông, Nghệ An) là trường hợp đặc biệt – được cho là đã bị cướp biển sát hại.

“Một tối, bọn cướp ập vào, bảo em cùng hai thủy thủ nữa đi theo. Chúng dí súng sau lưng rồi thúc bọn em đi. Lúc đó em không phải là sợ nữa, mà là rất sợ. Em nghĩ, vậy là em chết rồi, bọn cướp đưa em đi bắn, thủ tiêu”, Sơn rùng mình.

Chúng không giải thích là đưa đi đâu, cũng chẳng nói gì. Im lặng, những gương mặt đen đúa, thân hình cao lớn vác súng. Lưu Đình Sơn và hai đồng nghiệp được đưa đến một cái chuồng dê, nhốt lại trong đó.

“Và 3 đứa bọn em ở chung với dê trong suốt 3 ngày, đó là những ngày kinh khủng nhất mà em trải qua. Chúng đánh đập rồi dọa giết. Luôn có người ôm súng canh giữ bên ngoài. Bên đó không thiếu gì súng. Súng ngắn súng dài, súng máy, súng cối… có hết”, Sơn kể.

Ba ngày ba đêm bị cầm giữ trong chuồng nuôi súc vật hôi hám, bẩn thỉu, Sơn cứ ngồi suy nghĩ, rồi khóc. Anh không thể ngủ và cũng chẳng dám ngủ, bưng bát cơm mà miệng đắng chát, nuốt không trôi.

“Em không biết là em có thể chết lúc nào, chỉ một cái bóp cò nữa thôi. Xung quanh không có một người thân, một người bạn, ở xa xứ, giữa hoang đảo…”, Sơn kể.

Chỉ phó mặc sự sống của mình cho bọn hải tặc, vì trốn thì chỉ có đường chết, chết vì lạc đường, chết đói, chết khát… Những ngày trên đất liền, anh em bị bắt làm như nô lệ, ăn uống khổ sở, bị đánh đập. Nhiều khi nghĩ, chết đi được thì khỏe hơn. “Nhưng khi đối mặt cái chết, ai cũng mong được sống”, Sơn nói.

Sau 3 ngày, bọn cướp lại dẫn con tin quay về. Đến lúc được thả về, Sơn òa khóc vì mừng mà vẫn sợ bọn chúng lừa. Về đến nơi rồi, anh mới thấy hoàn hồn. Mấy anh em thủy thủ quê Nghệ An ôm nhau khóc.

“Tôi đã định lập bàn thờ cho con”

Ở quê nhà, có người đọc được ở trên mạng, nói là Lưu Đình Sơn bị cướp bắn chết rồi, cả làng ồn ào. Tin ấy đến gia đình Sơn, khiến nhà như có tang. Bố mẹ anh định lập bàn thờ cho Sơn. Nhưng khi gọi điện xuống Cty TNHH Hải Thanh (Nghi Lộc, Nghệ An) nơi đưa Sơn đi ngày trước, đại diện Cty khẳng định chưa có thông tin chính thức gì: “Sơn chưa chết, cả nhà cứ yên tâm, đừng có lập bàn thờ em”.

Lưu Trung Hiếu (SN 1982), anh trai Lưu Đình Sơn cho biết: “Lúc đó nghĩ em tôi thế là chết thật rồi. Công ty nói thế là nói dối cho mình chuẩn bị tinh thần thôi, tôi bảo: Nếu nó có chết thật, thì đưa về cho gia đình cái xác, hoặc nắm tro để còn làm ma cho nó”. Nhà Sơn chật kín dân làng đến chia buồn, hỏi thăm. Bố mẹ Sơn vì quá đau buồn và thương con mà ngã bệnh, cứ nghĩ đến con lại quặn hết ruột gan, tưởng không còn gượng dậy được.

“Tôi chỉ mong em được sống sót mà về, nó có bị đánh què tay, què chân thì cũng cứ đưa về nhà cho anh chị nuôi nó. Ai cũng sợ em chết bên đó luôn, chết mà không có xác đưa về, cứ nghĩ đến đó lại không chịu được. Vừa thương em, vừa lo cho mẹ, chỉ sợ bà nằm luôn xuống thì không biết làm thế nào”, Lưu Thị Hoa (SN 1973), chị gái Sơn kể.

Ba tháng đau thương trôi đi. Từng ngày trôi qua là từng ngày tắt hy vọng Sơn còn sống. Cho đến tuần trước, gia đình nhận được tin Sơn cùng anh em thuyền viên đã được giải thoát. Cả nhà không dám tin nữa.

Ông Lưu Đình Chơi (76 tuổi) bố của Sơn cho biết: “Những ngày đó tôi với mẹ nó chẳng còn hồn vía nào nữa, công ty người ta điện lên bảo các thuyền viên được giải thoát rồi, nhưng tôi vẫn không dám tin, không dám chắc con mình còn sống. Người ta được thả về rồi, nhưng trong số đó có con mình hay không”. Mãi tới khi Sơn được gọi điện về nhà, gọi vào số máy anh trai, chỉ gọi được 2 tiếng “Mẹ ơi”, thì cả nhà mới tin Sơn còn sống, để trở về.

Từ ngày Sơn bị bắt, bà Trịnh Thị Ngọc 66 tuổi, mẹ anh, cứ ngất đi tỉnh lại không biết bao nhiêu lần, bố thì vừa nằm ở bệnh viện về, chỉ sợ lúc nhìn thấy con lại quỵ xuống. Vì thế không ai dám cho ông bà đi đón. Công ty hứa sẽ đưa Sơn về tận nhà, nên cả đại gia đình từ hôm đó tập trung hết ở nhà ông bà, rồi thấp thỏm đợi. Ngày về, tivi quay cảnh Sơn bước xuống sân bay ngơ ngác vì không có người thân đến đón.

Ngày 25- 7 gia đình Sơn ra Thị trấn Cây Chanh (huyện Anh Sơn, Nghệ An) đợi từ sáng đến tận 12h trưa. Sơn bước xuống xe, vừa gầy vừa đen, nhưng thực sự nguyên vẹn đứng trước mắt cả nhà. Căn nhà tranh nhỏ bé, nghèo nàn nằm chênh vênh giữa lưng đồi hôm đó không còn chỗ cho bà con đến hỏi thăm: “Thằng Sơn về chưa? Hắn sống thật à? Hắn có khỏe không?”.

Bà Ngọc nói: “May mà tôi vẫn sống đến ngày con về. Ở nhà tôi có muốn cho nó đi đâu, nhưng nó bảo trai tráng lớn rồi cho con đi xa, làm ăn va chạm xã hội cho khôn người. Nghe con kể mà không dám tin nó có thể sống sót trở về từ một nơi xa lơ xa lắc và đầy hiểm nguy như thế”.

(Còn nữa)

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG