Lưu Đình Hùng và bà nội, cụ Trần Thị Tuân (ảnh lớn - ảnh: Q.L). Tàu FV Shiuh Fu đang mắc cạn (ảnh nhỏ - eunavfor.eu) . |
Sự chịu đựng bền bỉ, kiên cường và cả may mắn diệu kỳ đã giúp những chàng trai trẻ thoát nạn, trở về quê hương. Họ kể lại ký ức kinh hoàng.
Kỳ 1: Cuộc truy đuổi giữa đại dương
Lưu Đình Hùng (20 tuổi, quê quán tại xã Nghi Tiến, huyện Nghi Lộc, Nghệ An) là một trong số 25 thủy thủ trên tàu FV Shiuh Fu No1 bị cướp biển Smalia bị bắt giữ, kể: "Bốn ngày trước đó, tàu cá của bọn em đã một lần phải tháo chạy khỏi sự truy đuổi của cướp biển. Nhưng cuối cùng, vì chủ quan, chiếc tàu lại rơi vào phục kích của hải tặc Somalia khiến thuyền trưởng và 25 thủy thủ bị bắt làm con tin, bị giam cầm ròng rã hơn 17 tháng trời!".
FV Shiuh Fu No1 là tàu đánh cá ngừ mang quốc tịch Đài Loan. Mỗi chuyến ra khơi, tàu lênh đênh trên biển dài ngày nên phải mang theo một cơ số lớn lương thực, nước uống, thuốc men đảm bảo sinh hoạt của thủy thủ đoàn. "Tàu được trang bị ra-đa, nhưng chiếc ra-đa này bị trục trặc kỹ thuật, không thu được tín hiệu", thủy thủ Lưu Đình Hùng cho biết.
Giữa đại dương mênh mông, FV Shiuh Fu No1 được một tàu cá cùng hãng hỗ trợ trong việc đánh bắt cá ngừ. Tàu được trang bị phương tiện khai thác hải sản khá hiện đại, việc câu cá ngừ trên tàu chủ yếu vận hành bằng máy móc.
Hùng kể: "Mỗi lần thả câu, tàu chạy khoảng 6h đồng hồ, đường câu dài hàng trăm km và lúc máy cuốn câu cũng phải mất 18 tiếng đồng hồ mới xong”. Mỗi lần đánh bắt như vậy, FV Shiuh Fu No1 thu được 3-4 tấn cá ngừ.
Hai thủy thủ quê Hà Tĩnh đi trên tàu FV Shiuh Fu No1 bị bệnh, phải rời tàu chỉ vài tuần trước khi tàu cá đụng độ với hải tặc. Lúc nhổ neo rời cảng, tàu chở thuyền trưởng và 27 thủy thủ. "Các anh Quyền, Hà (hai người đã rời tàu vào đất liền- PV) nhờ đó mà tránh được…kiếp nạn!", Lưu Đình Hùng nói.
Đêm 20-12-2010, FV Shiuh Fu No1 đang nổ máy thả câu chợt phát hiện hai chiếc ca-nô truy đuổi phía sau. Trong đêm tối, thủy thủ đoàn quan sát thấy trên mỗi chiếc ca-nô chở 5-6 người, súng ống đầy mình. Cho rằng gặp cướp biển, thuyền trưởng ra lệnh tắt hết đèn, cắt câu, tăng tốc.
Tàu FV Shiuh Fu No1 xé sóng lao đi trong đêm và nhanh chóng lẩn vào đại dương mênh mông. Một vài tiếng súng chỉ thiên yếu ớt nổ ra, nhưng không ngăn được hành trình tháo chạy của tàu cá.
"Đêm 20-12, bọn em toát mồ hôi, ai cũng lo sợ bị tấn công bất thình lình. May mà nhờ bóng tối ngụy trang, nếu không thì khó bề thoát nạn!", Hùng nhớ lại.
Khoảng 5h sáng ngày 24-12-2010, FV Shiuh Fu No1 nhận được tín hiệu qua bộ đàm của tàu cùng hãng đang đánh bắt hải sản ở khu vực lân cận. Tàu này đưa ra cảnh báo vì qua ra-đa họ phát hiện thấy một chiếc tàu khác đang tiến tới.
"Sự thực là đến giờ phút đó, không ai trên tàu của bọn em tin là sẽ gặp cướp biển một lần nữa, chẳng mấy ai tin là tàu sẽ bị tấn công!", Hùng nói.
Tiếp tục thả câu cho đến 6h sáng, thuyền phó lên boong, đưa ống nhòm quan sát. Ông giật mình khi nhìn thấy một đốm đen đang di chuyển về phía FV Shiuh Fu No1.
Đốm đen trên mặt biển ngày càng lớn dần. Nhận thấy dấu hiệu không bình thường, ông nhanh chóng trở lại buồng chỉ huy báo cáo với thuyền trưởng. Ngay lập tức thuyền trưởng hạ lệnh tăng ga, tháo chạy.
Cuộc truy đuổi gay cấn trên biển bắt đầu diễn ra, giữa một bên là chiếc tàu đánh cá cồng kềnh ngư cụ đang cố vùng chạy một cách tuyệt vọng, một bên là hải tặc trên chiếc tàu màu đỏ có công suất lớn hơn đang hùng hổ đuổi theo. Khoảng cách giữa kẻ săn đuổi và người bị truy đuổi thu hẹp dần.
Trên hành trình tháo chạy, thuyền trưởng gọi anh em thủy thủ xuống hầm ăn cơm. Sau một đêm thức trắng, đói và mệt, mọi người cần ăn uống dưỡng sức chuẩn bị cho cuộc đối đầu với cướp biển.
"Bưng bát cơm, đắng ngắt trong miệng, em không thể nuốt nổi dù bụng rất đói!", Lưu Đình Hùng kể. 7h 30 phút sáng, hải tặc tung xuống hai chiếc ca-nô cao tốc trong cuộc đua nước rút nghẹt thở. "Không thoát rồi! Mẹ ơi!", ai đó lo sợ thốt lên.
Hai chiếc ca-nô vừa chạm mặt biển, đã rú ga xé sóng đuổi theo, trên mỗi chiếc ca-nô nhấp nhổm 6 tên cướp biển, chúng được trang bị súng ống đầy mình: AK, súng cối, tên nào tên nấy mặt đằng đằng sát khí. Chỉ 30 phút sau, hai chiếc ca-nô đã áp sát mạn tàu. Hải tặc bắn hai phát súng chỉ thiên.
FV Shiuh Fu No1 là tàu đánh cá, trên tàu chỉ được trang bị 2 khẩu súng ngắn và một cơ số đạn, thủy thủ đoàn thì tay không tấc sắt. Nếu bỏ chạy, khó bảo toàn được tính mạng của thuyền viên, nhưng nếu chống trả thì đây là cuộc đối đầu không cân sức vì toán cướp quá hung bạo, lại được trang bị vũ khí tận răng. Thuyền trưởng lệnh tắt máy, dừng tàu.
Trong chớp mắt, hai chiếc ca-nô áp sát hai bên mạn tàu. Bọn cướp tung móc sắt lên thành tàu, dùng thang leo lên boong. Súng lăm lăm trong tay và sẵn sàng nhả đạn nếu gặp sự chống đối, toán cướp lùa anh em thủy thủ vào một góc để khống chế. Cùng lúc đó, chiếc tàu lớn đuổi kịp phía sau. Tàu vừa dừng, khoảng 30 tên hải tặc đồng loạt nhảy sang tàu cá.
"Tên nào tên nấy mặt mũi đen ngòm, chúng cầm dao, cầm súng xông tới hỗ trợ cho 12 tên kia!", Hùng kể. Tên đầu sỏ yêu cầu thuyền trưởng vào ca-bin lấy ra toàn bộ hồ sơ thủy thủ đoàn.
Chúng đếm đi đếm lại, thấy thiếu hai người (thủy thủ Quyền và Hà đã vào đất liền do bị bệnh), tên cầm đầu bất ngờ giáng một cái tát nổ đom đóm vào mặt thuyền trưởng, không để cho ông giải thích.
Một toán cướp vũ trang hơn 40 tên nổ súng uy hiếp, đánh đòn phủ đầu, lăm lăm những họng súng đen ngòm nên mọi sự phản kháng đều tê liệt. Từ giây phút này trở đi, nhất cử nhất động của từng thủy thủ đều đặt dưới tầm kiểm soát của bọn cướp.
"Kiểm tra xong số lượng các thành viên trên tàu FV Shiuh Fu No1, chúng lùa mọi người xuống hầm và chia nhau đi lục soát. Từng nhóm nhỏ anh em chúng tôi bị giam trong phòng nghỉ, ngoài cửa luôn có kẻ bồng súng túc trực khiến chẳng ai cựa quậy được. Mỗi lần thủy thủ đi vệ sinh, bọn cướp đều cử người mang súng bám theo, canh chừng!", Lưu Đình Hùng hồi tưởng ngày đầu tiên anh và đồng nghiệp bị cướp biển Somalia tấn công, bắt cóc và anh gọi đó là "ngày định mệnh".
Viết nhật ký giữa vòng vây hải tặc
Trong phòng thủy thủ có sẵn một cuốn sổ, Lưu Đình Hùng bắt đầu viết nhật ký. Giữa đại dương mênh mông cách xa đất liền trăm ngàn dặm và đường về quê mẹ muôn trùng khơi, chàng thủy thủ cố gắng quên đi sự cầm tù hiện tại, nghĩ về người thân.
Người đầu tiên anh khắc đến trong trang nhật ký thấm đẫm nước mắt, nỗi buồn này là bà nội Trần Thị Tuân. "Ngày 25-12-2012, bà ơi, cháu bị cướp biển bắt rồi… cháu không biết làm thế nào để thoát ra khỏi đây vì xung quanh là biển cả. Cháu muốn về với bà, với mẹ...?".
Trước lúc nộp hồ sơ cho con đi XKLĐ, như đã linh cảm điều chẳng lành, ông Lưu Đình Thu (bố Lưu Đình Hùng) nhiều lần ngăn cản con. "Mày còn ít tuổi, sóng gió chưa quen, đợi thêm vài ba năm nữa cứng cáp lên rồi hẵng đi!", ông bảo con trai.
Hùng cương quyết không nghe, lý do: "Bạn bè đi làm hết cả, ở nhà cũng buồn, con xin bố cho con đi!". Trong thâm tâm, ông Thu muốn đi làm kiếm thêm tiền giúp đỡ bố mẹ, hành trình trên biển vừa tròn một năm thì tàu cá của thủy thủ bị cướp biển tấn công.
Suốt ngày bị khống chế, giam giữ trong phòng, cuộc sống của thủy thủ tàu FV Shiuh Fu No1 chỉ hạn chế trong mấy mét vuông.
"Bọn em không ai được ra ngoài, không được tắm giặt. Ban ngày thì ngồi thu lu trên giường, đêm đến chẳng mấy ai chợp mắt được, phải nằm im. Em bắt đầu sinh chứng mất ngủ, ăn uống kham khổ nên sức khỏe yếu dần. Một số thủy thủ chịu sức ép tinh thần, quá căng thẳng, gầy rộc đi trông thấy!", Lưu Đình Hùng kể. Nhưng với các con tin, đó chỉ mới là thử thách ban đầu.
(còn nữa)
Vẫn được trả lương trong thời gian bị bắt giữ Ngày 25-7, ông Đỗ Hoàng Lê - Phó giám đốc Cty Cung ứng lao động quốc tế và dịch vụ - Inmasco (thuộc Tổng Cty Cienco-1) cho biết, thuyền viên nào có nguyện vọng tiếp tục đi Đài Loan để đánh bắt cá, Cty sẽ ưu tiên. Ngoài ra, trong thời gian các thuyền viên bị bắt giữ, chủ tàu Đài Loan vẫn thực hiện chi trả cho thân nhân các thuyền viên với mức trung bình từ 300-350 USD/người/tháng. Cùng ngày, ông Nguyễn Mạnh Tường - Giám đốc Trung tâm Xuất khẩu lao động (thuộc Cty Thương mại và Dịch vụ tổng hợp Hà Nội - Servico Hà Nội) cũng cho biết, hôm nay (26-7), sẽ gửi công văn tới Quỹ hỗ trợ việc làm ngoài nước để đề nghị Quỹ hỗ trợ 3-5 triệu đồng cho mỗi thuyền viên. |