Tổ quốc cần biết và nhớ những người anh hùng

Tổ quốc cần biết và nhớ những người anh hùng
TP - Thứ ba, ngày 24-7, tại Thư viện Hà Nội sẽ diễn ra lễ ra mắt bản tiếng Nga cuốn “Nhật ký Đặng Thùy Trâm”.

Nhân dịp này, Tiền Phong trân trọng giới thiệu bản dịch lời bạt của cuốn sách do ông N.N. Kolesnik - người đứng đầu tổ chức của các cựu chiến binh Liên Xô/Nga từng sang giúp Việt Nam trong những năm chiến tranh chống Mỹ viết. Do khuôn khổ trang báo, chúng tôi lược một số đoạn.

Tấm ảnh kỷ niệm binh nhì Vitaly Smimov ở làng quê anh
Tấm ảnh kỷ niệm binh nhì Vitaly Smimov ở làng quê anh.

Bác sĩ quân y Đặng Thùy Trâm, tác giả của cuốn nhật ký đi qua một con đường phức tạp để đến với bạn đọc, là người đồng niên với tôi.

Có lẽ bởi vậy mà đọc một mạch cuốn nhật ký này, tâm tưởng tôi lại trở về với những năm 1965-1966 xa xôi ấy, khi trong thành phần nhóm chuyên gia quân sự Liên Xô, tôi tham dự các trận chiến đấu của Trung đoàn 1 tên lửa cao xạ (trung đoàn 236, Hà Nội), sau đó là Trung đoàn 3 tên lửa cao xạ (trung đoàn 285 - Hải Phòng) của Quân đội Nhân dân Việt Nam chống lại các đợt không kích của không quân Mỹ trên lãnh thổ miền Bắc - quê hương của Thùy (tác giả cũng gọi Đặng Thùy Trâm là Thùy - TP).

Trước mặt tôi hiện lên hình ảnh một cô gái Việt Nam trẻ trung, xinh đẹp với tâm hồn nhạy cảm và vị tha, đôn hậu và dịu dàng với ngưới thân và bạn bè, có chí hướng và kiên định trong việc vươn tới đạt các mục tiêu đã định.

Trái tim nhân hậu, xốn xang của Thuỳ tràn đầy tình yêu và đồng cảm với bạn bè, đồng đội quân y và sự cảm thông, chia sẻ với các sĩ quan, chiến sĩ bị thương.

Hình ảnh đó hiện lên trong tôi không phải ngẫu nhiên. Tôi nhớ rất rõ gương mặt và thậm chí giọng nói của các thầy thuốc quân y Việt Nam - các bác sĩ và y tá của Bệnh viện quân y ở Hà Nội đã chữa cho tôi khỏi bệnh kiết lị rất nặng mà tôi mắc phải vào tháng 1-1966 khi ở khu vực chiến đấu của Tiểu đoàn 61, Trung đoàn 285.

Không may là tôi không kịp thời nhờ bác sĩ quân y của chúng tôi là thiếu tá Konobeevky, bởi lẽ chuyên gia phóng tên lửa lúc đó ở trung đoàn quá thiếu và không ai thay tôi lúc đó được cả.

Bởi vậy khi tôi nhập viện thì bệnh đã làm tôi suy kiệt hoàn toàn và với chiều cao 1m77, tôi chỉ còn cân nặng có 49 kg.

Tôi nhớ cô Dôi vui tính không bao giờ biết buồn, cô bé Liên ngượng nghịu, nguyên tắc, cô Quỳnh đáng yêu và mơ mộng.

Nhờ cố gắng và sự quan tâm của họ, bệnh đã bị đẩy lui và sau 14 ngày tôi lại trở về đội ngũ. Thậm chí những mũi tiêm phải là khá đau nhưng được thực hiện bởi những bàn tay con gái dịu dàng trở nên giống như những cái đụng chạm âu yếm và không đau một chút nào.

Cô Liên truyền thuốc cho tôi đã dùng ngón tay út của bàn tay phải xoa xoa vào chỗ mũi kim chọc vào ven, bằng cách thần kỳ nào đó xua đi cái đau.

Tâm hồn người phụ nữ - đó là tâm hồn dân tộc. Khẳng định cho điều đó là việc trong bất kỳ ngôn ngữ của bất kỳ dân tộc nào trên thế giới cũng tồn tại khái niệm thiêng liêng Mẹ - Tổ Quốc.

Những ý nghĩ và ước mơ thầm kín mà Thuỳ ghi lại trong nhật ký không phải để người ngoài đọc, nhưng trong chúng phản ánh tất cả những gì mà hàng triệu bạn đồng lứa với cô, cả những người ít hoặc nhiều tuổi hơn cô đã sống và mơ ước trong những năm chiến tranh chống Mỹ.

Tôi nghĩ rằng bất kỳ người đồng bào yêu nước nào của cô cũng có thể ký tên dưới những dòng nhật ký đó.

Cuốn nhật ký được viết bằng thứ ngôn ngữ trữ tình, hình ảnh và đọc dễ vào giống như dòng chảy rì rào của một con suối khởi nguồn từ tâm hồn trong trắng, mênh mông của Thùy.

Những suy nghĩ thầm kín về cuộc đời, về danh dự, lẽ công bằng, những xúc cảm được gửi gắm vào những trang giấy nhỏ của cuốn nhật ký rất sâu sắc và triết lý, nhưng cũng rất gần gũi, dễ hiểu đối với tất cả mọi người.

Trong đó thể hiện lòng căm thù đối với chiến tranh xâm lược và kẻ thù; nỗi buồn về những người ngã xuống; những trăn trở về mối tình tuyệt vọng, mối lo âu khi chia tay và cảm giác nhói đau của cuộc chia lìa; nỗi buồn khi nhớ về cha mẹ và tuổi thơ yên ả tuyệt vời, mong muốn được trở về nhà; sự khát khao một tình yêu lớn lao và trong trắng, mơ ước lại có được hoà bình và tận hưởng hạnh phúc của cuộc sống yên lành sau chiến tranh, cái mà cô đã không may mắn được sống tới.

Cuộc đời ngắn ngủi, tràn đầy những lo âu và trăn trở của Thùy thật đặc biệt. Như một ngôi sao băng, cô vụt qua bầu trời, bay cao, bằng ánh sáng kỳ diệu của mình soi sáng cuộc đời và số phận cả một thế hệ anh hùng, thế hệ đã chiến thắng kẻ thù hùng mạnh và bạo tàn, giành độc lập, tự do và thống nhất cho cả đất nước Việt Nam.

Trong số phận của cô phản ánh cuộc sống và số phận của cả nhân dân Việt Nam, tính cách và những truyền thống tốt đẹp nhất: nhân hậu, giàu tâm hồn, vị tha, kính trọng, đùm bọc nhau và sẵn sàng giúp đỡ cả những người hoàn toàn chưa biết.

Những đặc điểm tính cách ấy ở mức độ như nhau có ở cả người Việt và người Nga, bởi vì lịch sử hai dân tộc chúng ta đã phải trải qua những đau thương, mất mát vô cùng to lớn trong cuộc chiến đấu chính nghĩa chống ngoại xâm.

Trái tim Nga bao giờ cũng đồng cảm với nỗi đau của người khác, và suốt chiều dài lịch sử, nhân dân Nga luôn luôn giúp đỡ những người khổ đau, luôn đứng về phía những người yếu thế. Giúp người trong hoạn nạn là việc cao cả.

Bìa cuốn
Bìa cuốn "Nhật ký Đặng Thùy Trâm" bằng tiếng Nga.

Tôi phải nhắc rằng 11 nghìn (*) lượt sĩ quan, binh sĩ Xô Viết đã tham gia bảo vệ trời và đất Việt Nam.

Người Việt Nam luôn nhớ và trân trọng điều đó.

Cần phải thấy là lãnh đạo và nhân dân Việt Nam luôn ghi nhớ và gìn giữ kỷ niệm về những giúp đỡ lớn lao mà Liên bang Xô Viết và các chuyên gia quân sự Liên Xô đã dành cho nhân dân và quân đội Việt Nam trong những năm chiến tranh.

Việt Nam có lẽ là đất nước duy nhất trong số những nước mà Liên Xô từng giúp đỡ trong cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc, mà nhân dân ở đó sau nhiều chục năm vẫn giữ trọn tình cảm biết ơn chân thành đối với người Xô Viết và khẳng định tình cảm đó bằng những hành động ân tình với các cựu binh Liên Xô tham gia chiến tranh Việt Nam.

Giờ đây, khi mà một số cựu đồng minh của chúng ta trong Hiệp ước Vácsava, thậm chí một số nước cộng hòa Xô Viết cũ nữa phá đi tượng đài các chiến sĩ Hồng quân đã hi sinh để giải phóng đất nước họ ra khỏi ách phát xít, thì Việt Nam, đất nước duy nhất trong số các nước Liên Xô từng giúp đỡ đã dựng lên ở Cam Ranh cả một quần thể tượng đài hoành tráng để tưởng nhớ các quân nhân Liên Xô/Nga và Việt Nam đã hi sinh vì hoà bình và ổn định trong khu vực.

Cuốn sách này giúp người đọc trẻ tuổi chạm tới được ngọn nguồn tinh khiết tâm hồn trong sáng của Thùy và giúp mỗi người xác định cho mình những định hướng và tiêu chí cuộc sống, những thứ cho phép gìn giữ sự trong sạch của tâm hồn chính họ.

Trong chiến tranh, các đồng đội Việt Nam mà chúng tôi hướng dẫn sử dụng dàn tên lửa cao xạ S-75 “Dvina” nói với chúng tôi: “Các đồng chí dạy chúng tôi chiến đấu, còn chúng tôi học các đồng chí cách chiến thắng. Giống như cách các đồng chí đã chiến thắng phát xít Đức, chúng tôi sẽ chiến thắng đế quốc Mỹ”. Nhưng chiến thắng còn ở rất xa phía trước...

Người lính Xô Viết đầu tiên bị tử thương trong trận chiến đấu ngày chủ nhật, 17-10-1965 để bảo vệ bầu trời Việt Nam là chiến sĩ tên lửa tiểu đoàn 82, Trung đoàn 236 tên lửa cao xạ tên là Smirnov.

Trong trận đó, tiểu đoàn 82 bắn rơi hai máy bay cường kích của địch nhưng cũng bị trúng bom của các máy bay hộ tống. Một dàn dẫn tên lửa và hai dàn phóng bị phá huỷ, một số chiến sĩ hi sinh và bị thương.

Trong số người bị thương có 2 chiến sĩ nghĩa vụ của Liên Xô, một trong số họ là binh nhì Vitaly Smirnov thuộc trung đoàn Kemerovo bị thương rất nặng.

Những bác sĩ giỏi nhất của quân y viện Hà Nội đã cứu chữa cho anh nhưng Vitaly hi sinh ngày 24-10-1965, khi mới 20 tuổi. Anh để lại ở quê hương người vợ và con gái bé bỏng Natasha lúc đó mới có 1 tuổi 4 tháng.

Rất nhiều năm, vì lý do bí mật, sự tham gia của các quân nhân Xô Viết trong chiến tranh Việt Nam được giữ kín.

Cuối năm 2011, qua Internet, Natasha liên lạc với tôi, và sau gần nửa thế kỷ, lần đầu tiên cháu được biết chi tiết về cái chết của cha mình qua hồi ức của người chỉ huy cũ của khẩu đội phóng trong nhóm chuyên gia quân sự Liên Xô tại Trung đoàn 238, tướng Demchenko (năm 1965 ông là trung úy).

Các đây không lâu, Natasha đưa lên Internet một album ảnh “Kỷ niệm về cha”, trong đó giới thiệu ảnh gia đình, ảnh thời phổ thông và thời quân ngũ của Vitaly, cho phép nhìn rõ cuộc đời ngắn ngủi của một chàng trai Nga bình thường, người cũng giống như Thùy, đã cống hiến cuộc sống của mình để bảo vệ đất trời Việt Nam.

Tháng 2-2007, tại quê hương của Vitaly ở làng Yaya, tỉnh Kemerovo, một tấm bia kỷ niệm về anh đã được đặt và phố Mátxcơva của làng này, nơi anh từng sống được đổi tên thành phố Vitaly Smirnov.

Tôi nghĩ rằng để gìn giữ tình bạn chiến đấu Nga - Việt, đã đến lúc phải vĩnh viễn lưu danh các chiến sĩ phòng không Việt Nam và Xô Viết đã hi sinh trên vị trí chiến đấu hay vì các vết thương và bệnh tật bằng cách xây dựng những tượng đài xứng đáng ở Hà Nội và Hải Phòng để cựu binh và thanh niên Việt Nam và Nga có thể đến viếng và đặt hoa trong các dịp lễ.

Tôi tin rằng trái tim mỗi người đọc cuốn sách này sẽ dấy lên cảm xúc sẻ chia, đồng cảm tới những người yêu nồng nàn Tổ quốc mình đã hi sinh trong cuộc đấu tranh vì độc lập, tự do; sẽ cảm thấy tự hào vì những con người sẵn sàng quên mình như thế luôn luôn có giữa chúng ta.

Tổ quốc cần biết và nhớ những người anh hùng của mình.

(*) Chúng tôi chưa tìm được cứ liệu để khẳng định con số này – TP

N.N. Kolesnik
Chủ tịch Đoàn chủ tịch tổ chức liên vùng cựu chiến binh chiến tranh Việt Nam
Lê Xuân Sơn
lược dịch

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG