Cung đường gỗ lậu và “ông trùm” khét tiếng

Con đường vận chuyển gỗ lậu của lâm tặc
Con đường vận chuyển gỗ lậu của lâm tặc
TP - Thớt gỗ nghiến được mua tại rừng với giá 200.000 đồng, bán lại cho đầu nậu với giá 300-400.000 đồng. Đã xuất hiện một “ông trùm” gỗ nghiến, khuynh loát cả vùng rừng Ba Bể. Chuyện không dừng lại ở những cái thớt hay một khu rừng.

> Hạ nghiến cổ thụ ở vùng lõi rừng ở vườn quốc gia Ba Bể

Hành trình của cái thớt

Theo một người từng phá rừng nhiều năm tên Th ở xã Nam Cường, anh ta thường mua thớt nghiến từ lâm tặc trên rừng với giá 150 - 200.000 đồng.

Sau đó, vận chuyển bằng xe máy hoặc ngựa về cất giấu ven đường 254, khi thấy các chủ đầu nậu vào thu gom sẽ bán lại với giá 300 - 350.000 đồng.

Thời điểm lý tưởng để vận chuyển gỗ lậu là 2 - 3 giờ sáng. Đội quân này thường đi theo từng tốp để hỗ trợ nhau.

Họ thường dùng đèn pin đeo trên đầu chứ không dùng đèn xe máy khi di chuyển. Tới những đoạn đường dốc, họ tắt máy, thả cho xe trôi.

Thớt gỗ nghiến bị thu giữ
Thớt gỗ nghiến bị thu giữ.

Trước đây, Th thường đi mua gỗ lậu trên bản Lồm, thuộc xã Nam Cường. Trong quá trình vận chuyển, nếu bị kiểm lâm phát hiện, có thể phải vứt bỏ cả xe và thớt nghiến mà tháo chạy.

Mỗi chuyến vận chuyển bằng xe máy nhiều nhất có thể lên tới 5 thớt, nếu phải “làm luật” thì mất khoảng 200.000 đồng/chuyến, tiền lãi còn lại khoảng 300.000 đồng.

Vóc dáng to cao, khỏe mạnh, Th cho biết, cũng không đơn giản để kiếm lời từ nghề buôn thớt nghiến. Mỗi chuyến vận chuyển khoảng 5-6 thớt, nặng khoảng 3 tạ.

Cùng với tâm trạng luôn bất an, sau mỗi chuyến đi, Th thường đổ bệnh. Tiền thuốc thang, rượu chè nhiều nên chẳng giành dụm được bao nhiêu.

Sau khi “hàng” được tập kết tại xã Nam Cường 2-3 tháng, chủ gỗ sẽ chọn thời điểm thuận lợi để vào thu gom và vận chuyển về thị trấn Bằng Lũng (huyện Chợ Đồn) bằng ô tô theo đường 254. Mỗi chuyến xe như vậy chở được khoảng 30m3 gỗ.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, từ xã Nam Cường, xe máy, xe tải chở gỗ muốn ra huyện Chợ Đồn, chỉ có duy nhất một con đường 254. Trên cung đường này có hai chốt chặn của lực lượng kiểm lâm là: Khu bảo tồn loài và sinh cảnh Nam Xuân Lạc (thuộc quản lý của Chi cục Kiểm lâm Bắc Kạn) và trạm Kiểm lâm Bó Pie (thuộc Hạt Kiểm lâm Chợ Đồn, Chi cục Kiểm lâm Bắc Kạn).

“Ông trùm” Tuấn V. là ai?

Giới buôn gỗ lậu có tiếng ở các tỉnh miền Bắc đều biết đến cái tên Tuấn V.

Tuấn V trú ở thị trấn Bằng Lũng, huyện Chợ Đồn, tỉnh Bắc Kạn, với một ngôi nhà năm tầng màu xanh rất bề thế. Ông trùm này cũng có hệ thống xưởng tập kết gỗ rất lớn ở xã Bằng Lãng, huyện Chợ Đồn với hàng rào “vệ tinh” bảo vệ nghiêm ngặt.

Tại vùng lõi Vườn Quốc gia Ba Bể và các xã lân cận, hầu hết người dân đều cho rằng, gỗ nghiến sau khi đốn hạ đều được đàn em của Tuấn V. thu mua.

Mỗi thớt nghiến dày khoảng 20cm, rộng khoảng 40cm được mua trực tiếp tại rừng giá 200.000 đồng. Sau khi được hợp thức hóa, Tuấn V thu mua lại và bán cho các thương lái xuất sang Trung Quốc lên tới 700 - 800.000 đồng/thớt.

Nhiều người bán thớt nghiến cho các tay chân của Tuấn V. Các thương lái khác muốn mua cũng rất khó, mà nếu mua được cũng không đủ ‘lực’ vượt qua các trạm kiểm lâm.

Do vậy, muốn có đường làm ăn lâu dài, những người buôn gỗ nhỏ lẻ đều nhập cho các đầu mối thu gom của Tuấn V.

Điểm đặc biệt là toàn bộ gỗ nghiến khi đến tay Tuấn V. đều là gỗ hợp pháp, có hóa đơn, dấu búa hẳn hoi. Vì thế, số gỗ được vận chuyển và bán công khai. Vậy, Tuấn V. đã hợp thức hóa số gỗ này bằng cách nào?

Theo lời kể của những người thường xuyên chở gỗ nhập cho các đầu mối thu gom của Tuấn V., rất ít khi những xe hàng của đại gia này bị bắt giữ khi đi qua các trạm kiểm soát.

Những xe bị bắt giữ, nếu không chứng minh được gỗ khai thác tại khu vực Ba Bể, sẽ được lập biên bản, niêm phong và tổ chức bán đấu giá tại Trung tâm dịch vụ bán đấu giá tài sản của tỉnh Bắc Kạn.

Theo một vị đại diện Trung tâm dịch vụ bán đấu giá tài sản tỉnh Bắc Kạn, hầu hết trong các phiên đấu giá, Tuấn V. đều đẩy giá lên cao, qua mặt các thương lái ở Hải Phòng và tỉnh khác. Thông qua bán đấu giá, số gỗ về tay Tuấn V. và trở thành hợp pháp.

Theo số liệu thống kê của Trung tâm dịch vụ bán đấu giá tài sản Bắc Kạn, năm 2011 tổng khối lượng gỗ được đưa ra đấu giá là 693,389m3. Trong đó, khối lượng nhóm gỗ IIA (chủ yếu gỗ nghiến) là 198,461m3. Tổng giá bán trong năm này gần 4 tỷ đồng.

Đấy mới chỉ là số lượng gỗ bị phát hiện, thu giữ, và được bán đấu giá theo quy định của pháp luật. Trong thực tế, lượng gỗ nghiến khai thác trái phép, vận chuyển trót lọt qua các chốt chặn kiểm lâm còn lớn gấp nhiều lần.

Ông Hoàng Văn Hải - Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Bắc Kạn, cho biết, gỗ bị lâm tặc mang ra khỏi rừng bằng nhiều đường. Từ đường mòn trong rừng, lâm tặc tập kết gỗ ra đường xe máy, rồi ra quốc lộ.

Lợi dụng thời điểm kiểm lâm sơ hở, chúng vận chuyển bằng ô tô. Nếu kiểm lâm làm chặt, chúng có thể đi bằng xe máy hoặc vác bộ theo đường tắt.

Năm 2011, trong quá trình kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện ra một số cơ sở của Tuấn V. ở khu vực Chợ Đồn sai phạm. Tuy nhiên, khi phóng viên đặt vấn đề sai phạm gì thì vị Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Bắc Kạn trả lời rằng không nhớ rõ vì đã…từ năm ngoái rồi.

“Có thể người ta lợi dụng hồ sơ, lợi dụng giấy phép khai thác. Ví dụ, ở xã A chỉ được khai thác 100 khối gỗ, nhưng họ có thể lợi dụng giấy phép khai thác lên tới 120 khối gỗ” – ông Hải giải thích.

Kiểm lâm có tiếp tay cho lâm tặc

Gỗ lậu và các phương tiện bị thu giữ tại Hạt Kiểm lâm huyện Chợ Đồn (Bắc Kạn)
Gỗ lậu và các phương tiện bị thu giữ tại Hạt Kiểm lâm huyện Chợ Đồn (Bắc Kạn) .
 

Theo ông Nông Đình Khuê – Phó Giám đốc kiêm Hạt trưởng Hạt kiểm lâm Vườn Quốc gia (VQG) Ba Bể, những năm gần đây, đặc biệt 1 - 2 năm nay, tình trạng khai thác gỗ nghiến đang là vấn đề nhức nhối.

“Dư luận cũng đặt dấu hỏi liệu có sự tiếp tay, thông đồng giữa kiểm lâm và lâm tặc hay không? Tuy nhiên, cái này còn phải chờ kết luận của cơ quan điều tra. Còn chúng tôi chưa có bằng chứng, chưa bắt được quả tang để bắt giải trình, báo cáo, kiểm điểm” – ông Khuê cho biết.

Năm 2011, VQG Ba Bể đã kỷ luật 11 cán bộ vi phạm, trong đó khiển trách 10 cán bộ, cảnh cáo 1 cán bộ do vi phạm điều lệ Đảng và không hoàn thành nhiệm vụ trong công tác quản lý, bảo vệ rừng.

Bên cạnh đó, diện tích của VQG Ba Bể lên tới 10.048 ha, trong khi chỉ có 40 kiểm lâm viên với 14 trạm rất khó để quản lý 24/24h.

Điều kiện địa hình phức tạp, địa bàn quản lý rộng, trong khi đời sống của cán bộ, công nhân viên chức còn nhiều khó khăn. Nguồn kinh phí hằng năm cho sự nghiệp quản lý, bảo vệ rừng còn hạn hẹp.

Đề cập đến phần trách nhiệm để xảy ra nạn phá rừng ở khu vực VQG Ba Bể, theo ông Nông Văn Chí – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Kạn, trách nhiệm đầu tiên thuộc về VQG Ba Bể, tiếp đó là chính quyền địa phương (bao gồm các xã nằm trong VQG Ba Bể, những xã giáp ranh và hai huyện có VQG Ba Bể).

Ông Chí cho rằng, có một bộ phận lâm sản lưu thông hợp pháp (có giấy tờ chứng nhận, dấu búa), một bộ phận lưu thông không hợp pháp bằng nhiều đường khác nhau hoặc có sự tiếp tay của kiểm lâm. Tuy nhiên, chưa có trường hợp nào được lãnh đạo tỉnh “mục sở thị” hoặc có bằng chứng cụ thể để xử lý.

Ông Hoàng Văn Hải – Chi cục trưởng Chi cục kiểm lâm tỉnh Bắc Kạn cũng cho rằng: “Không thể loại trừ một số cán bộ kiểm lâm nơi này nơi khác làm ngơ, tiếp tay, thậm chí né tránh lâm tặc”.

Việc xử lý triệt để, nghiêm khắc như thuyên chuyển công tác, cho nghỉ việc những cán bộ, nhân viên không làm tròn trách nhiệm, theo Phó chủ tịch tỉnh Bắc Kạn, tỉnh này cũng đã xem xét rất nhiều lần. “Tôi cũng đang rất muốn luân chuyển một số cán bộ, song luân chuyển đi đâu thì là cả một vấn đề” - ông Chí phân trần.

Lâm tặc rất manh động

Ông Triệu Văn Hiệu – Tổ trưởng Tổ truy quét Hạt Kiểm lâm huyện Chợ Đồn cho biết, vì lợi nhuận kinh tế, lâm tặc sử dụng mọi thủ đoạn để phá rừng. Những kẻ khai thác gỗ thường hoạt động vào khoảng thời gian nửa đêm hoặc rạng sáng.

Để đối phó với lực lượng kiểm lâm, chúng ngụy trang bằng cả xe biển xanh của nhà nước. Chẳng hạn, ngày 25-8-2011, lực lượng kiểm lâm huyện Chợ Đồn, trong lúc chốt chặn tại xã Bình Trung, đã phát hiện một xe ô tô mang biển xanh 18B-0775 chở 50 cục thớt nghiến trái phép. Lái xe đã vứt xe lại và bỏ chạy khi phát hiện kiểm lâm.

Lâm tặc còn dùng đinh đóng dày đặc vào các mảnh gỗ nhỏ, sẵn sàng vứt xuống đường cản trở lực lượng kiểm lâm truy đuổi. Thậm chí, chúng dùng súng săn để bắn trả kiểm lâm.

Từ đầu năm 2012 đến nay, 4 trạm kiểm lâm của huyện Chợ Đồn phát hiện, bắt giữ 11 vụ vận chuyển gỗ nghiến trái phép (3 vụ vận chuyển bằng ô tô, 8 vụ bằng xe máy).

Trong đó, rạng sáng ngày 14-6, trạm kiểm lâm Bó Pie của huyện Chợ Đồn cũng phát hiện, bắt giữ một xe U-oát chở 29 cục thớt nghiến (khoảng 0,62m3) lưu thông từ xã Nam Cường ra Chợ Đồn. Chủ xe là ông Triệu Văn Cương, trú ở xã Tân Lập (huyện Chợ Đồn) khai nhận vừa mua số thớt nghiến trên từ các xe máy tập kết ở Nam Cường.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Tri thức may, mặc áo dài Huế là Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia
Tri thức may, mặc áo dài Huế là Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia
TPO - Theo Sở Văn hóa - Thể thao tỉnh Thừa Thiên-Huế (TT-Huế), Tri thức may, mặc áo dài Huế được đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia là thành quả thực hiện đề án Huế - Kinh đô Áo dài Việt Nam là điều kiện, cơ sở quan trọng để tỉnh tiếp tục lộ trình hoàn thiện hồ sơ trình UNESCO đưa vào danh sách Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.