> Lâm tặc đốn hạ hai cây sưa trăm tỷ ở Trường Sơn
> Lâm tặc trúng sưa ngàn tỷ
Những gốc sưa cổ thụ còn sót lại ở Hà Nội đang được bảo vệ gắt gao. |
Đảo sưa
Trong 9.600 ha rừng trồng ở Tây Nguyên và Nam Trung bộ thuộc quyền quản lý sử dụng của Cty cổ phần tập đoàn gỗ Trường Thành, đã có một diện tích đáng kể trồng toàn sưa.
Gần 6 năm trước, trả lời báo Tiền Phong về dự án trồng rừng trị giá 20 triệu USD, ông Võ Trường Thành - Chủ tịch kiêm tổng giám đốc Cty tiết lộ: Cơ cấu dự án ưu tiên phần lớn cho các loại cây cung cấp gỗ nhanh, nhưng vẫn dành một tỉ lệ nhất định trồng sưa dự kiến trên 50 năm mới khai thác.
Tại Đền Trần thuộc quần thể hang động Tràng An (Ninh Bình), ông thủ từ cho biết, dù địa bàn rất hiểm trở với núi non dựng đứng, và chỉ có sông hồ là đường di chuyển thuận lợi nhưng hàng đêm, nhân viên của nhà đền phải dùng thuyền đi tuần từ 21 giờ đến sáng để trông sưa. Thuyền vòng từ đảo Si qua thung Trần, rồi lên bộ vào tận động Người Xưa. |
Để bảo vệ rừng sưa, vùng đất được chọn trồng là một hòn đảo giữa sông, được chính quyền tỉnh X nhất trí giao đất lâu dài.
Giữa tháng 5-2012, trong cơn sốt sưa tặc xôn xao dư luận cả nước, hỏi ông Thành rừng sưa của Cty giờ đã ra sao? Ông cho biết: Năm đó đặt mua từ vườn ươm của một ông tiến sĩ ở Quảng Bình hai vạn cây sưa giống lấy hạt từ Lào về, giá 15 nghìn một bầu, gấp 10 lần giá giống keo cấy mô, gấp 30 lần giống keo thường.
Chuẩn bị trồng thì xảy ra tranh chấp, tỉnh X giao hòn đảo nọ cho đơn vị khác. Cây giống không để lâu trong bầu được, Cty đành hạ thổ trên đất bằng huyện Y. Hai vạn cây đã trồng giờ chỉ còn chừng 5 nghìn vì bị kẻ gian rỉ rả nhổ trộm, số sưa còn lại e cũng khó bảo toàn.
Hòn đảo nọ đến nay vẫn trơ trụi do đơn vị kia không có năng lực trồng rừng. Sắp tới Cty sẽ đặt lại vấn đề với tỉnh, nếu được sẽ bứng sưa ra đó, hy vọng sưa trồng trên đảo sẽ an toàn hơn.
Thức trắng canh sưa
Từ năm 2003, Cty Quản lý đô thị & Môi trường Đắk Lắk đã sang Gia Lai mua sưa về trồng tạo cảnh quan. Kết quả 35 cây chết, 22 cây phải bứng về trồng lại ở vườn ươm vì tuyến đường Lê Duẩn mở rộng, 9 cây bị cưa trộm trong năm 2010.
Gốc sưa mới bị cưa trộm ở ngã tư Y Ngông-Lê Hồng Phong, TP Buôn Ma Thuột. |
Từ đó tới nay, mấy chục công nhân trẻ trong Cty phải chia nhau đi tuần liên tục suốt đêm, thậm chí mắc võng nằm canh giữ từng gốc trong 21 cây sưa còn lại trên 5 đoạn phố mỗi độ xuân về trắng nõn hoa sưa.
Ông Bùi Đức Thăng giám đốc Xí nghiệp Công viên Cây xanh (thuộc Cty QLĐT&MT Đắk Lắk) đưa phóng viên đi xem thực trạng sưa: Đêm nào công nhân XN cũng chia nhóm, thủ gậy cao su đi tuần.
Mỗi đêm 2 ca trực chia nhau giữ cây từ 18h30’ tới 5h30’ sáng chẳng có chế độ bồi dưỡng gì thêm, ngoài việc được nghỉ bù vào ngày hôm sau. Đi mệt, anh em mắc võng một đầu vào gốc sưa, đầu kia vào tường rào cơ quan ngả lưng cho đỡ mỏi chứ không dám ngủ. Vậy mà mới đây bọn sưa tặc đã rình cưa được một đoạn gốc sưa non gần ngã tư Lê Hồng Phong- Y Ngông.
Trong những bản án đã tuyên tại Buôn Ma Thuột, hình phạt nặng nhất dành cho sưa tặc là 8 năm tù giam.
Ông Trương Công Thái - giám đốc Cty QLĐT&MT Đắk Lắk cho biết toàn Cty thường xuyên theo dõi vấn nạn sưa tặc đang nóng bỏng khắp nơi, đặc biệt chú ý những cách bảo vệ sưa tại nhiều tỉnh thành gần đây như giao cho công an và cựu chiến binh thức canh sưa, cho sưa “mặc váy” thép, “váy” bê tông, đóng đinh lớn chi chít vào thân sưa. Cách nào cũng chưa ổn vì tốn kém và phản cảm.
Để công nhân canh giữ từng gốc sưa đường phố suốt cả đêm ngày cũng chỉ là giải pháp tình thế, cực chẳng đã, thậm chí vi phạm luật Lao động. Cty đang cân nhắc đến ý kiến nên chăng chuyển nốt 21 cây sưa non đường phố còn lại vào những khuôn viên rộng mà dễ bảo vệ, như UBND tỉnh, bảo tàng, Lâm viên v.v…
70 người trông 50ha
Tại Hà Nội, trao đổi với phóng viên Tiền Phong, ông Cao Xuân Lâm - Phó Tổng giám đốc Cty TNHH một thành viên Công viên Thống Nhất cho biết, có khoảng 70 nhân viên bảo vệ công viên trải rộng trên địa bàn khoảng 50ha. Có hàng rào bao quanh, nhưng lúc nào cũng phải đề phòng “người ngay lẫn với kẻ gian”.
Trong công viên Thống Nhất - (Hà Nội), sưa vẫn nơm nớp. |
Nhiều khi sưa tặc đóng giả một đôi tình nhân ngồi ôm nhau dưới gốc cây. Trong túi quần thủ sẵn lưỡi cưa. Không thấy lực lượng bảo vệ là chúng cưa ngay. Cưa gần đổ thì trèo lên cắt ngọn, sau đó đạp đổ cây, vác chạy.
Buổi tối, đặc biệt những đêm trời mưa gió, công viên lo ngay ngáy, vì đây là thời điểm kẻ gian quay lại “thanh toán” số gỗ sưa mà chúng đã cưa gần đổ và đánh dấu.
“Chúng tôi đã thiết lập sơ đồ, vị trí, kích cỡ, đánh dấu các vị trí có cây sưa trên bản đồ và phân chia lực lượng thành các chốt trực để bảo vệ” – ông Lâm nói. Những điểm tập trung nhiều sưa đều được bố trí trực 24/24h.
Việc bảo vệ cây sưa vẫn dựa vào sức người là chính, nên gặp rất nhiều khó khăn. “Cứ phân công mỗi nhân viên bảo vệ một cây sưa, thì chẳng cây nào mất được. Nhưng, kinh phí ở đâu ra, trong khi, cây sưa cũng chỉ là một trong số rất nhiều cây được trồng để làm đẹp cảnh quan, môi trường, đa dạng sinh học…”.
Bảo vệ sưa ngoài đường còn khó hơn. Theo một công an phường Quang Trung (Q.Đống Đa, Hà Nội) - nơi còn nhiều cây sưa cổ thụ, các anh thường xuyên đi tuần trông sưa. “Xung quanh gốc sưa có bao nhiêu lỗ dế mèn chúng tôi còn biết nữa là” - Một chiến sỹ nói.
Trung tá Nguyễn Hữu Quyền, Phó trưởng công an phường Quang Trung cho biết, đã thông báo cho người dân xung quanh vị trí có cây sưa biết để nâng cao cảnh giác, phát hiện tội phạm trong quần chúng, phối hợp lực lượng công an.
Có một cây sưa ở ngoài đường thuộc phường Quang Trung đã được công an đổ bê tông xung quanh gốc, buộc sắt để đề phòng kẻ trộm.
Một đầu nậu cây giống và gỗ sưa ở Tam Đảo - Vĩnh Phúc có số điện thoại 0984. 635 XXX cho biết giá sưa giống từ 6-12 tháng ở Vĩnh Phúc từ 2.000đ-20.000 đồng/bầu, cầu bao nhiêu cũng đủ cung. Còn ở đâu bán gỗ sưa đỏ (huỳnh đàn, trắc thối), cứ báo tin sẽ có người vào tận nơi mua để bán qua Trung Quốc. Sưa non lõi cỡ 10cm mua giá 2 triệu đồng/kg; Sưa già lõi từ 40-50cm giá hơn 10 triệu đồng/kg. Vân càng đẹp, phiến càng lớn, giá càng đắt... |