> Ca sỹ hải ngoại đầu tiên hát ở Trường Sa
Lần đầu tiên sau 37 năm tính từ năm 75, cộng đồng người Việt tại Mỹ được đón nhận thông tin xác thực về Trường Sa từ chính những nhà báo trong cộng đồng.
Tiền Phong đã có cuộc trao đổi với anh Etcetera Nguyễn, Tổng thư ký tòa soạn tuần báo Việt Weekly, người chủ trì triển lãm này.
Một cơ may hiếm hoi
Cảm nhận của anh nói riêng và các nhà báo người Việt tại Mỹ nói chung về chuyến đi Trường Sa vừa qua là gì?
Sau khi về lại Hoa Kỳ, hình ảnh những con người, cảnh vật ở Trường Sa vẫn còn đọng lại trong tôi. Điều đáng nói nhất, ở góc độ một nhà báo, tôi thấy Trường Sa là một câu chuyện thật phong phú, nhiều điều đáng nói tới mà phải có thời gian lâu dài mới nói hết được.
Một phần vì Trường Sa là điểm nóng đang được mọi người chú ý, nhất là người ở hải ngoại, nhưng lại đang rất thiếu thông tin.
Về mặt cá nhân, tôi xem đây là một cơ may hiếm hoi cho mình để đặt chân đến Trường Sa để tận mắt nhìn thấy những gì chỉ có trong mơ, trong những câu chuyện thời sự được nghe kể lại.
Các anh đã thu được những gì qua chuyến đi này?
Rất nhiều cái “được” từ chuyến đi này. Chúng tôi là nhân chứng sống, kể chuyện thật, nói những gì “mắt thấy tai nghe” với mọi người.
Dư luận cộng đồng sau chuyến đi của các anh như thế nào?
Hiện nay, sau mấy số báo Việt Weekly, hình ảnh và bài vở trên KBCHN, phim video clip trên Phố Bolsa TV, dư luận ở cộng đồng người Việt rất quan tâm, chú ý.
Có hai luồng nhận định trái chiều: Chiều muốn tìm hiểu sự thật thì đến xem triển lãm, tìm thông tin trên mạng và khuyến khích nhà báo làm thêm những điều mới lạ, đưa thêm tin tức để họ được biết.
Một hướng khác thì chê bai, nghi ngờ, cho rằng các nhà báo bị chính quyền VN “lợi dụng” để “tuyên truyền”. Nhưng đa phần họ lại chẳng xem cho rõ ràng.
Cuộc triển lãm tuy khiêm tốn trong một phòng hội nhỏ của tòa soạn, nhưng có một ý nghĩa rất đặc biệt: Vì đây là hình ảnh đầu tiên về Trường Sa được chính các nhà báo địa phương tới tận nơi, công khai ghi nhận và mang về triển lãm cho bà con xem.
Qua những ý kiến của những người tới dự, đã được phỏng vấn tại chỗ đăng tải trên báo và trên mạng, cho thấy đa số người tới xem có thiện cảm với những nỗ lực bảo vệ chủ quyền của chính phủ Việt Nam.
Qua chuyến đi Trường Sa của chúng tôi, những gì đang được đưa ra cho công chúng hải ngoại biết, có giá trị cao vì đây là những bằng chứng hùng hồn nhất về những gì đang diễn ra tại biển đảo thuộc chủ quyền Việt Nam.
Nhờ vậy, Trường Sa không còn mơ hồ, xa xôi hay lệch lạc như trước đây, mà rất gần, rất thân thiết như một phần máu thịt của mình.
Nhà báo vẽ ký họa ở Trường Sa
Etcetera Nguyễn vẽ ký họa lính Trường Sa. |
Trong chuyến đi ra Trường Sa, anh vẽ bao nhiêu bức ký họa người lính Trường Sa?
Ngoài công việc chính là ghi nhận tin tức cho Việt Weekly, tôi còn chuẩn bị thêm đồ vẽ để thực hiện nhanh những bức ký họa phong cảnh, ký họa chân dung.
Tôi rất ấn tượng với cảnh đẹp và nhiều cảm xúc với các anh lính trẻ ở đảo xa và đã vẽ khoảng 100 ký họa, đa số là những bức chân dung các anh lính, sĩ quan, người dân trên các đảo chúng tôi đi qua như Song Tử Tây, Nam Yết, Đá Lát, Sinh Tồn Đông, Trường Sa Lớn, Khu Nhà Giàn DK1.
Có nhiều nơi, mấy anh chiến sĩ xếp hàng chờ tôi vẽ. Ai cũng muốn có một kỷ niệm với nhà báo. Điều tôi còn tiếc mãi là ở đảo Nam Yết, tôi gần như dành mọi thời gian có được để ngồi vẽ liên tục gần 20 bức chân dung nhưng cũng không đáp ứng được hết nhu cầu.
Thời gian phải rời đảo gần kề, mấy anh lính nói: “Thôi, chú chụp hình chung với bọn cháu cũng được”. Sáng kiến của chú lính khiến mọi người cười ồ lên, tôi nghe mắt mình cay cay.
Trở về Hoa Kỳ, những bức vẽ chân dung ký họa còn giữ được, chụp lại được qua hình ảnh, tôi cứ thấy xúc động, nghĩ tới những khuôn mặt rám nắng, chịu gian khó của người lính đảo. Mấy hôm chập chờn trong giấc ngủ, tôi như còn nghe tiếng lao xao của nhiều nụ cười ở các anh lính này.
Nghe nói, anh sẽ mang những bức ảnh này sang triển lãm tại Nhật và tại tỉnh Khánh Hòa, Việt Nam? Anh đã chuẩn bị cho công việc này như thế nào?
Một trong những khán giả của trang mạng KBCHN.net là thành viên của Cơ quan phát triển Nhật Bản (JICA) đã tán thưởng những thông tin về Trường Sa của chúng tôi, nên có nhã ý mời đoàn nhà báo tham quan Nhật Bản trong 12 ngày để ghi nhận đời sống ở 6 thành phố có đông đảo người Việt gốc Nhật đang cư trú.
Chúng tôi đang bàn nhau, có thể mang bộ ảnh “Trường Sa trong mắt chúng tôi” sang đó để kể chuyện cho bà con Việt mình nghe. Đây là dự tính, chưa phải là quyết định chính thức.
Cá nhân tôi, nhờ sự quen biết với một người bạn trên Facebook, cũng có dự tính gởi tham gia một cuộc thi ảnh, viết về Trường Sa do tỉnh Khánh Hòa tổ chức.
Tôi dự tính chọn ra (từ hàng ngàn bức) một cụm ảnh khoảng 5 tấm ảnh nói về “Màu xanh biển đảo TS” là những bức ảnh chụp rải rác trên các đảo đã đi qua.
Những bức ảnh không mang nặng tính nghệ thuật, nhưng lại đầy thông tin, thời sự của loại ảnh phóng sự dùng cho báo.
Tôi tham gia không vì mục đích tranh giải, mà chỉ muốn góp một tiếng nói, của một nhà báo hải ngoại đã đến tận nơi đảo xa, nhìn thực tế bằng con mắt của mình những gì tốt đẹp nhất mà mỗi người dân Việt trong chúng ta, ai cũng muốn tự hào về chủ quyền đất nước mình.
Các anh có dự định gì trong tương lai ?
Dự tính trong tương lai của chúng tôi là tiếp tục công việc báo chí của mình là đi tận nơi, ghi nhận thực tế và tường trình khách quan về Việt Nam.
Chúng tôi rất muốn được đi đến vùng biên giới phía Bắc để thăm và làm phóng sự về những cột mốc biên giới và những cửa khẩu của VN với Trung Quốc. Thăm thác Bản Giốc và những danh thắng miền biên giới phía Bắc…
Xin cảm ơn anh.