Sau bài báo “Hồn ở lại Gạc Ma”: Hội ngộ bất ngờ

Đồng đội năm xưa hội ngộ ở nhà anh Đức Ảnh: Nam Cường
Đồng đội năm xưa hội ngộ ở nhà anh Đức Ảnh: Nam Cường
TP - Ngày 14-3, tại nhà anh Phan Văn Đức, nhiều đồng đội của anh đã có một buổi hội ngộ đầy bất ngờ và cảm động. Những cái bắt tay thật chặt, nước mắt tuôn rơi, và nụ cười lại nở trên khuôn mặt khắc khổ của binh nhất năm xưa.

> Hồn ở lại Gạc Ma

Hai giờ chiều, mấy đồng đội của Phan Văn Đức đã hội ngộ ở nhà anh, phường Mân Thái (Sơn Trà - Đà Nẵng).

Ai cũng biết rõ anh Đức, nhưng rồi, cuộc sống đưa đẩy, mỗi người một số phận. Mấy chục năm, thời gian vật đổi sao dời, giờ gặp lại nhau mừng mừng tủi tủi.

Vừa chạm mặt anh Nguyễn Lê Cao Nghiêm (ở Hòa Cường, cùng nhập ngũ tháng 2-1987), Phan Văn Đức trút được vẻ mặt ưu tư thường nhật: “Nghiêm đây mà, nhớ chứ!”.

Anh Nghiêm hiện nằm trong Ban liên lạc Cựu chiến binh Trường Sa, khi được đọc bài báo trên Tiền Phong (số ra ngày 14-3), nói: Chúng tôi biết rõ trường hợp anh Đức này, tội lắm.

Nhưng anh em đồng đội, mỗi người một hoàn cảnh, chỉ biết chia sẻ, động viên nhau chứ không còn cách nào khác hơn. Với lại, tính Đức thì ai cũng biết, trở về như con người khác, chẳng thiết giao lưu với ai.

Các đồng đội cũ của anh Đức như anh Dương Trần Khánh, Trương Văn Hào (phường An Hải Tây), Nguyễn Văn Mười, Nguyễn Văn Bình… hôm qua cũng có mặt. Những anh này đều đi Trường Sa vào ngày 15-3-1988, tức sau một ngày hải chiến Trường Sa xảy ra ở Gạc Ma.

Trong buổi hội ngộ, anh Đức cũng như các đồng đội hơi nuối tiếc vì không có mặt anh Dương Văn Dũng (tổ 27A, khu dân cư Nam Cẩm Lệ), người cùng đi trên tàu HQ 604, tham gia trận đánh và may mắn sống sót, bị phía Trung Quốc bắt rồi thả về.

Anh Đức nói: Số Dũng cũng may, về khoản bơi lội, hồi đó nó cũng không bằng tôi đâu. Nhưng nghe nói cuộc sống bây giờ cũng khó khăn.

Anh Nguyễn Văn Mười (Hòa Cường Bắc), chia sẻ: Cuộc sống đưa đẩy, biệt tin nhau, giờ gặp lại mới hay, đời vẫn còn nhiều ý nghĩa. Cảm ơn báo Tiền Phong đã quan tâm đến số phận anh Đức.

Thật ra, với những người đã đi Trường Sa, xả thân vì Tổ quốc, không ai màng đến này nọ. Nhưng quả đúng là trường hợp của Đức quá tội. Anh em cũng chỉ biết bắt tay, động viên nhau.

Anh Nguyễn Lê Cao Nghiêm cho hay, ngày 22-12-2011, Ban liên lạc CCB Trường Sa cũng tổ chức cuộc gặp gỡ thân mật hơn 100 anh em, vui lắm, cuộc đó có anh Phan Văn Đức dự, nhưng không hề nói gì đến hoàn cảnh của mình.

“Ban liên lạc chúng tôi hiện có cái tên nhưng vẫn chưa có tính pháp nhân. Chúng tôi đang gửi đơn đến HĐND và UBND thành phố, đề nghị được lập một Ban liên lạc đàng hoàng, giống như các địa phương khác, để mỗi lần tổ chức kỷ niệm cho quy củ, thống nhất. Hy vọng là được lãnh đạo thành phố chấp thuận” - anh Nghiêm bày tỏ.

Chiều qua, trao đổi với PV Tiền Phong, Thiếu tá Trần Thức - Chủ nhiệm chính trị Trung đoàn 83, Công binh Hải quân, cho biết: Ngay sau khi báo Tiền Phong đăng bài “Hồn ở lại Gạc Ma” viết về binh nhất Phan Văn Đức, anh đã chỉ đạo bộ phận lưu trữ hồ sơ lục tìm, tuy nhiên đến cuối giờ chiều vẫn chưa có kết quả.

“Trung đoàn 83 có lưu trữ đầy đủ tên của 64 liệt sĩ và những người mất tích trong trận 14-3-1988. Tuy nhiên, với những người cùng đi trên 3 tàu năm ấy, bị thương và trở về, sau thời gian dài, do di chuyển nhiều đồ đạc nên có lẽ thất lạc hồ sơ đâu đó. Những trường hợp thế này không phải là hiếm. Chúng tôi sẽ tiếp tục kiểm tra hồ sơ và kiểm chứng qua những nhân chứng sống năm đó” - Thiếu tá Trần Thức nói.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Triệt phá hơn 48.000 vụ án hình sự, bắt giữ hơn 3.900 đối tượng truy nã trong năm 2024
Triệt phá hơn 48.000 vụ án hình sự, bắt giữ hơn 3.900 đối tượng truy nã trong năm 2024
TPO - Chiều 26/12, Bộ Công an tổ chức họp báo, cho biết năm 2024, lực lượng công an đã trình Quốc hội thông qua 8 dự án luật, trong đó có 6 luật do Bộ Công an chủ trì soạn thảo; hoàn thành xây dựng hơn 3.000 căn nhà hỗ trợ người dân có hoàn cảnh khó khăn, đồng bào dân tộc thiểu số và các gia đình chính sách; triệt phá hơn 48.000 vụ án hình sự và bắt giữ hơn 3.900 đối tượng truy nã...