Làm thế nào để giết một cây thông?

Làm thế nào để giết một cây thông?
TP - Đây là những cây thông đang sống ngay trong lòng thành phố Đà Lạt, nó cũng giống như con người, như một cư dân của Đà Lạt, nhờ có nó mà du khách đến Đà Lạt vẫn còn thấy một chút vi vu. Nó nằm mơ mộng trong những khu vườn, vô tư ca hát trên những ngọn đồi cao, nó không hề biết có những người đang lập mưu giết nó.

> Nhiều thông già Đà Lạt bị cưa trộm

Người ta thường nói về vấn nạn phá rừng, đốt rừng, hủy hoại môi trường, hủy hoại sự sống... đã có những bài báo nói về cả một khu rừng thông bị băm nát, bị lật tung để san lấp mặt bằng làm nhà hàng khách sạn biệt thự cao cấp, đã có những tiếng kêu khẩn thiết báo động đỏ về sự tàn bạo của con người với thiên nhiên, lòng tham không đáy, sự vô trách nhiệm, sự lộng hành của một số người đặc quyền đặc lợi, và tệ hơn còn là sự tàn bạo không có điểm dừng khi phá rừng chỉ để thỏa mãn quyền lực. Rừng thông khi chỉ còn là những khoảng trống ghê người, người ta chợt nhớ đến câu “mười năm trồng cây, trăm năm trồng người”, nó trở nên ngược ngạo trên miệng một số quan chức đang hàng ngày rao giảng về môi sinh môi trường, bảo vệ sự sống, bảo vệ màu xanh!

Người ta có thể hủy diệt một khu rừng dưới chiêu bài phát triển du lịch sinh thái. Rừng được phân lô chia chác, rừng được chia nhỏ, khoét sâu. Bên trong những cánh rừng kia là những ngôi biệt thự, resort đang âm thầm mọc lên, được cấp phép hợp pháp đến 40 - 50 năm, được “nở hoa trong lòng địch”. Chúng có tên tuổi rõ ràng trên những tấm biển to đùng dọc theo đường đèo vào TP Đà Lạt, dọc theo bờ hồ Tuyền Lâm, kèm theo tấm bản đồ chỉ dẫn chi tiết, những con đường trải nhựa thọc thẳng vào tim của rừng, những tòa nhà tiện nghi sang trọng ngất ngưởng hiện ra, có địa chỉ tên tuổi rõ ràng. Rừng thông Đà Lạt đang chết từng ngày với quy mô lớn, vậy thì nó dính dáng gì đến một cây thông, dính dáng gì đến việc “Làm thế nào để giết một cây thông?” vì dường như giết thông Đà Lạt không khó.

Người ta không đốn hạ một cây thông ngay vì làm như thế sẽ vi phạm pháp luật về “bảo vệ rừng”, vì không ai cấp phép cho đốn hạ một cây thông trong vườn nhà, việc này trở nên rất khó khăn vì những cây thông trong thành phố luôn được rất nhiều người dân chú ý, trong khi đốn hạ cả một cánh rừng với nhiều lí do mục đích thì luôn dễ hơn vì khuất mắt dân. Chính vì thế nên việc giết một cây thông phải thật tinh vi, việc tính toán hành động giết một cây thông trở nên nham hiểm tàn độc hơn bao giờ hết.

Nhưng vì sao lại phải giết, nó có làm gì nên tội đâu, có nó thì chỉ đẹp hơn cho Đà Lạt thôi có gì mà phải giết nó? Có đấy, nó cản trở cả một... luống rau, nó tỏa bóng che khuất những vườn hồng đang mùa sai quả, nó chiếm chút đất ít ỏi mà mấy bác cán bộ hưu trí có được. Vậy thì phải làm thế nào để “giết” nó đây?

Phải có kĩ thuật, phải cho nó chết từ từ, chết trong đau đớn, chết mà không ai biết nó bị chết, và khi nó chết rồi thì cứ để nó ủ mục tự ngã xuống một cách tự nhiên hợp pháp, không đốn ngã, không cưa kéo, không tốn công, tốn tiền. Nếu có dịp khi đi ngang qua những khu vườn hay những ngọn đồi còn sót lại giữa Đà Lạt bạn sẽ thấy rất nhiều cây thông bị chết khô, bạn sẽ nghĩ chắc những cây thông đó đã quá già cỗi nên chúng đang “chết khô”, tội nghiệp quá. Xin thưa không phải vậy đâu, nó đã và đang bị giết đấy. Bạn đang thấy biểu tượng về một cái chết được báo trước của Đà Lạt. Cái chết đau đớn đã được nhiếp ảnh gia MPK chụp, trong một triển lãm nghệ thuật mang tên “Đà Lạt Ứa”. Những bức ảnh đăng kèm theo bài này.

Tôi là thằng lang thang nơi nầy qua nơi khác do công việc viết lách cần phải thế, và mỗi lần về đến nhà việc đầu tiên là tôi nhìn mấy cây thông đang thì thào rì rào trên những ngọn đồi cao cao kia và thấy lòng vô cùng bình an tự tại, nhìn nó vươn lên sừng sững trên trời cao mà cảm khái dùm cho Nguyễn Công Trứ. Ông hàng xóm của tôi lấn chiếm san lấp để kiếm một khoảnh vườn nho nhỏ để trồng vài khóm rau cải, mấy cây chuối, vài cây hồng. Và mấy cây thông mấy mươi năm tuổi ngạo nghễ giữa vườn làm ông ta ngứa mắt. Dường như chúng nó làm cho ông ta cảm thấy nhỏ bé kém cỏi? Như cái mặt thằng cha nhà thơ ngày ngày đi ra đi vô trước mặt ông ấy, đã vậy hắn còn nhìn những cây thông như là thương yêu lắm, có khi hắn còn ông ổng ngâm lên mấy câu thơ của Nguyễn Công Trứ “kiếp sau xin chớ làm người, làm cây thông đứng giữa trời mà reo”, nghe mà nhột cái lỗ tai. Ông ta cần chút đất để trồng rau , nhưng mấy cây thông “quân tử” này cứ trêu ngươi cản trở, làm sao đây?

Đốt lửa ngay gốc cây thông
Đốt lửa ngay gốc cây thông .

Chuyện rằng, có một tay nhà thơ ở đâu tận miền Trung khi vào đến Đà Lạt, khi nhìn thấy rừng thông bị tàn phá và hình như cả sự xuống cấp con người nữa, đã gào lên: “Những cây thông cụt đầu - ào vào...!” (thơ Thanh Thảo, đăng trên Tạp chí Langbiang số 1). Báo hại, làm cho những cơ quan đầy trách nhiệm phải họp lên họp xuống, không hiểu mấy “cây thông cụt đầu” là ngụ ý gì?!? Bây giờ thì mấy cây thông đó vẫn còn ngay nơi cơ quan quan trọng kia, nhưng chỉ là những cái đầu khô khốc trong những khu rừng trống lốc, chúng vẫn còn ngọn phơ phất khô khan quờ quạng trên trời cao, nhưng chân, gốc của nó thì đang ngày đêm bị đốt cháy âm ỉ, nó đang bị ám sát ngay từ... gốc.

Một hôm, ông hàng xóm kêu tôi qua nhà lai rai, trong lúc hàn huyên tâm sự tôi có than phiền không hiểu vì sao mấy cây thông kì này không nghe nó hát reo trong gió nữa, nó đang rũ xuống trong khi lá vẫn còn xanh? Ông hàng xóm cười cười “chúng nó đã bị ám sát rồi ông ơi”. Tôi giật mình hỏi ám sát là sao, vì sao, ai ám sát? Ông ta cao hứng: “Tôi ám sát chúng nó chứ ai”, tôi bàng hoàng: “Ông giết mấy cây thông hả ?”; gã tỉnh rụi: “Ừ”. “Trời đất ơi - tôi than thầm trong bụng rồi hỏi nhỏ “Ông giết chúng nó bằng cách nào, ông không sợ chính quyền sợ kiểm lâm à?”. Gã tợp ngụm rượu khà khà: “tôi có kịch bản để qua mặt họ, tôi cho nó chết, mà không ai biết vì sao nó chết. Cũng như họ cho hàng loạt rừng thông chết mà có ai đụng đến đâu, tôi chỉ giết vài cây nhằm nhè gì”, gã nói một cách đắc ý, tự nhiên tôi có cảm giác lành lạnh sống lưng khi gã diễn lại chi tiết cảnh giết một cây thông.

Thì ra, để giết một cây thông dễ ợt! Việc đầu tiên là khoét một cái lỗ sâu ở gần gốc thông - nơi người ta thường cậy vỏ để khai thác nhựa thông ấy. Hãy lấy dao chém vào tạo thành một vết thương rộng bằng bàn tay và sâu, cho máu (nhựa) thông chảy ra, rồi nhét vào vết thương ấy một nùi giẻ tẩm dầu. Bật lửa đốt lên, lửa sẽ cháy thẳng vào vết thương, nhựa và gỗ thông sẽ bắt lửa cháy âm ỉ luồn từ trong ruột cây ngày nầy qua tháng nọ, dù trời nắng hay trời mưa bão. Nhựa sống cho cây thông bị đốt cháy từ gốc, nó sẽ quằn quại chết, nó sẽ tức tưởi chết, không thể ca hát cho gió mang đi nữa.

Thông ứa máu
Thông ứa máu.

“Đêm đêm trong tiếng mưa gió u u uất uất, ông sẽ nghe tiếng nó khóc than rên rỉ vì đang hấp hối từng giờ. Vài tháng nữa nó sẽ khô queo ông à”. Tôi hỏi: “Rồi lúc đó ông sẽ đốn hạ nó à”; gã cười khùng khục: “Điên à, ai cho ông đốn, nó là tài sản quốc gia đấy, cứ để nó đứng đó chết khô giữa trời, đến một lúc nào đó gốc nó mục nát và chỉ cần một cơn gió thôi nó có thể ngã xuống, lúc đó tôi sẽ báo chính quyền nếu họ không thanh toán nó thì lúc ấy tôi mới làm, sẽ không để lại dấu tích gì, như nó đã chết vì già yếu, ông hiểu không?”. Bây giờ thì tôi hiểu, làm thế nào để giết một cây thông. Tôi cảm giác như đang nghe những cây thông sống cạnh con người đang ngày đêm rên xiết oằn oại kêu cứu.

Nghe đâu kiểu giết thông nầy đã và đang được nhân rộng, và nếu bạn thấy môt cây thông cổ thụ nào đó khô đi thì có nghĩa là nó đang bị “giết” đấy. Và những kẻ sát thông có thể là những kẻ hiền lành, như là ông hàng xóm mà tôi vẫn thường ngày chào hỏi.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Tri thức may, mặc áo dài Huế là Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia
Tri thức may, mặc áo dài Huế là Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia
TPO - Theo Sở Văn hóa - Thể thao tỉnh Thừa Thiên-Huế (TT-Huế), Tri thức may, mặc áo dài Huế được đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia là thành quả thực hiện đề án Huế - Kinh đô Áo dài Việt Nam là điều kiện, cơ sở quan trọng để tỉnh tiếp tục lộ trình hoàn thiện hồ sơ trình UNESCO đưa vào danh sách Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.