Vua Voi trăm tuổi: Yêu, ai chả thích!

Vua Voi trăm tuổi: Yêu, ai chả thích!
TP - Buôn Ko Tam, xã Ea Tu (TP Buôn Ma Thuột, Đăk Lăk) ngày đầu năm mới tấp nập. Từ hai giờ sáng, bếp nhà Khăm Phết đã đỏ lửa. Một con trâu mộng dắt về từ Buôn Đôn được xẻ thịt mở tiệc đãi cả làng để mừng “đại thượng thọ” 100 tuổi của Vua Voi Ama Kông.

Con, cháu, dâu, rể, chắt, chít của Ama Kông, nếu tính hết, phải tới cả trăm người, sống rải rác khắp các huyện thành ở Đăk Lăk. Hôm nay hơn nửa số đó kéo về mừng đại thượng thọ Vua Voi.

Khách quý thân hữu xa gần thuộc nhiều sắc tộc Kinh, Lào, M’Nông, Ê Đê, Jơ Rai, có cả ông bà thông gia người Khmer sang từ bên kia biên giới Campuchia. Rồi cán bộ các sở ban ngành, chính quyền địa phương, doanh nghiệp chế biến dược phẩm từ bài thuốc Ama Kông.

Căn nhà gỗ đơn sơ của Khăm Phết trải chiếu và bày ghế tràn ra sân vườn. Trưa, chiều, khách mừng thọ tới tấp nập kín cả 30 bàn. 

Nhân vật chính vui vẻ ngồi khoanh chân dưới tấm phông nổi bật dòng chữ: Mừng Đại Trường Thọ Vua Voi Ama Kông. Sinh ngày 1-1-1910 - 1-1-2010.

Nhà chật, khách đứng phải xếp hàng luồn vào sau lưng khách ngồi, ai cũng muốn được nắm bàn tay rộng ấm của ông và mời ông rượu.

Như mọi cuộc vui khác từng diễn ra tại đây, loại rượu duy nhất được rót là rượu Ama Kông thơm nồng, ủ trong bồn lớn rồi chiết vào vỏ chai nước suối.

Ama Kông đón từng ly rượu đầy, nâng ngang mặt rồi ngửa cổ uống cạn. Sau vài lượt rượu, mặt ông hồng hào, cử chỉ nhanh nhẹn hẳn lên.

Bí thư Đảng ủy kiêm Chủ tịch UBND xã Nguyễn Hữu Vượng tặng quà mừng Vua Voi, cười lớn: Từ nay các báo đài khỏi phải cãi nhau về tuổi Ama Kông nữa nhé!

Giờ bố mới được quàng vai mẹ!

Vua Voi trăm tuổi: Yêu, ai chả thích! ảnh 1
Vợ chồng  Khăm Phết Lào vui vì bố mẹ đã chịu cười với nhau

Trong 4 bà vợ chính thức mà Ama Kông từng được cưới, bà Nhất và bà Ba đã mất, bà Tư vừa ly hôn năm ngoái. Thật ý nghĩa trong ngày vui này, bà Hai có mặt để cùng đàn con cháu đông đúc hiếu thảo mừng tuổi Vua Voi.

Bà Hai tên thời con gái là H’Hốt, vừa là em vợ vừa là em họ con ông bác ruột của Ama Kông, cách đây gần 7 thập kỷ, khi mới 12 tuổi đã chịu theo tục nối dây, cưới anh rể để nhận trách nhiệm làm mẹ 2 đứa cháu nhỏ sớm mồ côi.

Lấy chồng, bà trở thành Amí Liêng - mẹ của 11 người con sinh chung với Ama Kông, trong đó có con trai thứ bảy Khăm Phết Lào nay là người thừa kế duy nhất các bài thuốc gia truyền từ Ama Kông.

Suốt những năm tháng vất vả cực nhọc vì Ama Kông đi rừng, theo gái biền biệt, Amí Liêng vừa quán xuyến việc nhà, vừa âm thầm góp công góp của giúp đỡ cách mạng.

Sau ngày đất nước thống nhất, ông bà đều được trao Huân chương Kháng chiến chống Mỹ, Ama Kông hạng Nhất, Amí Liêng hạng Nhì.   

Cuộc giận Ama Kông của Amí Liêng đã kéo dài hơn bốn mươi năm. Kể từ cái ngày bà còn chưa ra khỏi ổ đẻ đứa thứ 11, ông đã dám dắt nhân tình với đứa con gái riêng 5 tuổi về xin cưới làm bà Ba.

Sau những cơn ghen hờn dữ dội của bà, Ama Kông may mắn được già làng phạt nhẹ, cho để lại mọi của cải, chỉ cưỡi một con voi sang nhà vợ mới...

Từ đó tới giờ, chưa một lần Amí Liêng chịu làm lành, chịu sang thăm Ama Kông dù nhà cách nhau có trăm bước chân, ngay cả những lần Vua Voi dưỡng thương cả tuần vì bị vợ Tư... say rượu đánh.

Thuyết phục để mẹ chịu hàn gắn, chịu ngồi xích lại gần và cười dàn hòa với bố là kỳ tích đàn con đã thực hiện được trong dịp vui này.

Tuổi gần tám mươi, Amí Liêng vẫn minh mẫn hài hước và ngúng nguẩy khi nhắc lại chuyện cũ. Bà oang oang: Ama Kông nhiều vợ nhiều con, nhưng ông ấy có nuôi đứa nào đâu. Ổng không thích nuôi con, chỉ thích yêu và nuôi... gái thôi!

Ama Kông tủm tỉm cười khi nghe bà kể tội, gật đầu: Amí Liêng nói có sai đâu, bà là vợ tốt nhất mà!

Nhìn bố mẹ sum họp bên nhau, thầy thuốc Khăm Phết Lào len lén ra sau nhà, đứng cạnh con voi giả ngậm chân bên hòn non bộ anh mới đặt thợ làm để chiều chiều Vua Voi ra ngồi ngắm cho đỡ nhớ rừng, khóc một mình vì...  sung sướng.

Vua Voi trăm tuổi: Yêu, ai chả thích! ảnh 2
Vua voi ngắm con voi giả bên nhà cho đỡ nhớ rừng

Bị bắt gặp, anh mếu máo như trẻ nhỏ: Tôi mơ ước được thấy mẹ về bên bố từ lâu lắm rồi...

Yêu nhau, ai chả thích!

Có thể nói, hiếm có cuộc tụ tập nào ở xứ này mà người ta không nhắc đến Ama Kông. Tên ông từ lâu đã thành huyền thoại.

Ban đầu là huyền thoại về săn voi, về sau là huyền thoại về những thang thuốc cường dương bổ thận mà bản thân ông, cuộc đời ông chính là minh chứng sống động nhất.

Trong dòng đời bề bộn trắng đen phải trái, mọi huyền thoại về Ama Kông vẫn thuần khiết chất sinh tồn hồn nhiên, đem lại cho mọi người cảm giác thư nhàn vui vẻ.

Ngồi bên Vua Voi, người con trai đầu của Ama Kông ý tứ bớt những ly rượu khách mời đầy tràn khỏi tay bố, âu yếm gắp cho bố món này món nọ, ông gạt phắt: Không sao đâu, bố còn khỏe cả chục năm nữa mà!

Cách đây hai tháng, bố vợ Khăm Phết nhà ngay bên cạnh qua đời. Thương bố vợ cả đời hiền lành chăm chỉ, Khăm Phết cùng các anh chị em trong nhà làm đám tang thật lớn, thịt 2 con bò và 3 con heo.

Đồng bào xa gần gùi nếp, gùi chăn nườm nượp lên nhà sàn ngủ lại. Ama Kông là ông sui, cũng liên tục tiếp khách từ hàng xóm ghé qua.

Con dâu Amí Sumay ngồi cạnh xới cơm cho bố chồng, khoe: Mỗi bữa bố đều xơi hết hai bát đầy. Ông hay kể chuyện ngày xưa bằng tiếng Kinh và tiếng M’nông. Khi quên từ, ông lại chuyển qua... tiếng Pháp.

Hôm nay trăm tuổi, Ama Kông uống nhiều rượu với những người thân đến từ Buôn Đôn, Ea Súp và cũng dùng hết hai bát cơm với thịt trâu xào và canh cà đắng.

Ông lại kể về thời trai trẻ, mắt hấp háy vui khi nghe hỏi chuyện yêu đương. Ông cười lộ cả hàm răng xỉn màu rượu thuốc, nhấn mạnh từng tiếng rõ ràng: Chuyện yêu nhau, ai chả thích!

Nhìn bố mẹ sum họp bên nhau, thầy thuốc Khăm Phết Lào len lén ra sau nhà, đứng cạnh con voi giả ngậm chân bên hòn non bộ anh mới đặt thợ làm để chiều chiều Vua Voi ra ngồi ngắm cho đỡ nhớ rừng, đứng khóc một mình vì...  sung sướng.

Bị bắt gặp, anh mếu máo như trẻ nhỏ: Tôi mơ ước được thấy mẹ về bên bố từ lâu lắm rồi...

MỚI - NÓNG
Tri thức may, mặc áo dài Huế là Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia
Tri thức may, mặc áo dài Huế là Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia
TPO - Theo Sở Văn hóa - Thể thao tỉnh Thừa Thiên-Huế (TT-Huế), Tri thức may, mặc áo dài Huế được đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia là thành quả thực hiện đề án Huế - Kinh đô Áo dài Việt Nam là điều kiện, cơ sở quan trọng để tỉnh tiếp tục lộ trình hoàn thiện hồ sơ trình UNESCO đưa vào danh sách Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.