Khi tiến gần giàn khoan khoảng 8,2 hải lý, lập tức 8 tàu hải giám, hải cảnh và kiểm ngư Trung Quốc bao vây các tàu Việt Nam. Cự ly tiếp cận gần nhất của tàu Trung Quốc khoảng 300m so với tàu 4032 của CSB Việt Nam. Tàu CSB Việt Nam 4032 chủ động vòng tránh, đồng thời liên tục phát loa tuyên truyền chủ quyền biển Việt Nam.
Trưa cùng ngày, phóng viên Tiền Phong chuyển qua tàu CSB 4033 tiếp tục làm nhiệm vụ. Lúc 14h30, tàu CSB 4033 tiếp tục nhận lệnh tiếp cận giàn khoan trái phép của Trung Quốc để làm nhiệm vụ tuyên truyền. Cùng phối hợp với tàu CSB 4033 có các tàu kiểm ngư của Việt Nam gồm KN 628, KN 761, KN 764, KN762, KN 634, KN797.
Trần Tuấn
Lập tức tàu hải cảnh số hiệu 32101 của Trung Quốc cùng một đoàn tàu khác tăng tốc rất cao, nhằm đâm trực diện tàu CSB 4033. Với ý định cố tình gây đâm va, tàu hải cảnh 32101 của Trung Quốc chạy tốc độ 22 - 24 hải lý/giờ. Cuộc rượt đuổi diễn ra căng thẳng cao độ nhưng cuối cùng tàu Trung Quốc phải quay đầu bỏ cuộc.
Thuyền trường tàu CSB 4033 Lê Công Thành cho biết: tàu CSB 4033 thời gian gần đây là mục tiêu đâm va chính của các tàu hải cảnh Trung Quốc.
Nhà báo Pluno Laymond Phillip (Báo Le Monde của Pháp) có mặt trên tàu CSB 4033 chứng kiến những hình ảnh như trên khi được phỏng vấn đã nhận xét: “ Chúng tôi có thể thấy rất rõ những gì xảy ra hôm nay và cả hôm qua nữa. Khi tàu của Việt Nam đến gần giàn khoan để tuyên truyền thì Trung Quốc cử các tàu hải cảnh lao đến với tốc độ rất lớn. Đó là việc làm không tuân thủ pháp luật quốc tế và chủ quyền biển đảo của Việt Nam. Tình huống trên, với tôi không phải là một ván cờ bình thường, một ván cờ vây thì đúng hơn”.
Trước đó, tối 14/6, trên boong tàu CSB 4033, diễn ra chương trình văn nghệ “Hát với biển đảo Hoàng Sa” với sự tham gia của toàn bộ cán bộ chiến sĩ tàu 4033 cùng các nhà báo trong và ngoài nước. Dù là chương trình mang tính ngẫu hứng nhưng đã giúp các phóng viên quốc tế có mặt trên tàu có dịp hiểu sâu hơn tình cảm thiêng liêng với biển đảo của người Việt Nam.