Nguy cơ từ đê bao tràn lan ở Đồng bằng sông Cửu Long

Trung tâm thành phố Cần Thơ hiện nay hễ mưa lớn là ngập. Ảnh: Duy Khương.
Trung tâm thành phố Cần Thơ hiện nay hễ mưa lớn là ngập. Ảnh: Duy Khương.
TP - Việc đắp đê bao chống lũ triệt để cho từng ô nhỏ ở ĐBSCL bắt đầu hai chục năm trước. Đến nay, toàn vùng đã có hàng vạn ô, đang đẩy vùng đất này vào nguy cơ ngập lụt rất lớn.

Năm nay, không có lũ nhưng hễ mưa lớn hay triều cường là khắp nơi ngập lụt, nhiều đô thị vốn cao ráo cũng bì bõm trong nước. Thống kê mới nhất của GS.TS Đào Xuân Học, nguyên Thứ trưởng Bộ NN&PTNT, vùng ĐBSCL đã đắp 19.900 km đê để bảo vệ hơn 6.000 ô ruộng làm lúa ba vụ, 17.700 km đê bảo vệ hơn 4.000 ô ruộng lúa hai vụ. Hệ thống đê bao ĐBSCL dài gấp gần 30 lần hệ thống đê sông Hồng.

Việc đắp đê bao chống lũ theo giải pháp manh mún như hiện nay, ngoài việc mất rất nhiều kinh phí còn mất rất nhiều diện tích đất, trên 100.000 ha.

GS.TS Đào Xuân Học

Việc đắp đê bao bảo vệ lúa chủ yếu ở các tỉnh đầu nguồn lũ như An Giang, Đồng Tháp nơi ngập lụt thường rất sâu, có thể đến 5-6 m, nên lượng nước khổng lồ bị dồn ra xung quanh và đẩy xuống hạ lưu khiến những nơi này ngập sâu. Chẳng hạn, năm 2011 so với năm 2000, nước lũ ở Tân Châu (gần biên giới với Campuchia) thấp hơn 0,2 m nhưng ở Cần Thơ lại cao hơn 0,2 m.

Nhiều đô thị ở ĐBSCL bị đẩy vào cuộc đua chống ngập, cũng bằng việc đắp đê bao. Để chống ngập cho trung tâm, thành phố Cần Thơ, thành phố Vĩnh Long và thành phố Cà Mau đã phê duyệt quy hoạch đắp khoảng 500 km đê bao, làm 39 trạm bơm. Nhiều đô thị khác cũng chống ngập với giải pháp tương tự. “Theo hướng tiếp cận này, thời gian tới cần khoảng 20.000 km đê chống lũ triệt để, với vốn đầu tư khoảng 170.000 tỷ đồng nữa”, ông Học nói. Trong lúc, càng đắp nhiều ô đê bao thì nguy cơ ngập lụt càng tăng vì nước lũ bị dồn vào diện tích hẹp; chưa kể tình trạng đất lún và nước biển dâng.

Lãng phí vì manh mún

Dự án Ô Môn-Xà No (Cần Thơ) đắp đê bao bảo vệ 43.000 ha vườn cây ăn trái, vay 300 triệu USD của Ngân hàng Thế giới. Khi hoàn thành, lại gây ngập nặng trung tâm thành phố Cần Thơ và lân cận. Hiện phải triển khai một dự án chống ngập khu trung tâm thành phố Cần Thơ, tiếp tục vay 250 triệu USD của Ngân hàng Thế giới.

Chống ngập lụt từng ô, từng địa phương kiểu “làm đâu biết đó” theo ông Học, gây lãng phí rất lớn, số tiền làm đê bao đã gần 100.000 tỷ đồng. Quy định hiện hành, các dự án trên 30.000 tỷ đồng phải trình Quốc hội xem xét quyết định, còn ở đây, tiêu tốn số tiền khổng lồ nhưng vì làm hàng vạn ô “thì Quốc hội lại chưa quan tâm”.

Ngập lụt tăng đã đẩy nhiều quy định trở thành lạc hậu, gây ra lãng phí dây chuyền lớn hơn nữa. Ông Kỷ Quang Vinh ở Văn phòng Công tác biến đổi khí hậu thành phố Cần Thơ nêu sự bất cập trong quy định báo động lũ. Ở Cần Thơ, báo động lũ cấp 3 khi mực nước đạt 1,9 m, trước đây hàng trăm năm mới xuất hiện một lần còn nay, hàng năm đều đã vượt. Như năm nay không có lũ, mực nước cũng 1,85 m. “Các quy hoạch xây dựng công trình dựa theo quy định cũ gây ra lãng phí rất lớn”, ông Vinh nói.

Trong cuộc chạy đua chống ngập lụt, ĐBSCL còn bị đẩy vào một vấn nạn là các đô thị giống hệt nhau, chưa gắn quy hoạch với sản xuất và cư trú, môi trường. PGS.TS Nguyễn Hồng Thục, Chủ tịch Hội đồng Viện Nghiên cứu định cư, nhận xét: “Quy hoạch xây dựng đô thị 13 tỉnh, thành phố ĐBSCL đều có chung một mẫu đô thị nhạt nhẽo”. Việc bao ô chống lũ của các đô thị hiện nay, theo bà là sự hủy hoại môi trường, hệ sinh thái, bỏ qua vấn đề cực kỳ quan trọng: “Nước là linh hồn phát triển của ĐBSCL”.

Để thoát ra khỏi nguy cơ, bà Thục nhấn mạnh: “Cần thoát khỏi cách làm manh mún mang dấu vết tiểu nông trong xây dựng quy hoạch hiện nay”. PGS.TS Thục thống nhất quan điểm tích hợp quy hoạch toàn vùng, như gắn hệ thống đê với giao thông, với đường an ninh quốc phòng, thủy lợi với giao thông thủy .v.v. để tránh mâu thuẫn, cản trở lẫn nhau.

MỚI - NÓNG