Trạm bơm cấp 1 cầu Mượu có công suất 60.000m3/ngày, đêm. Trong thời gian này, trạm bơm đang hoạt động hết công suất để đủ nước vận chuyển về nhà máy. Nguồn nước này sẽ được Nhà máy nước Hưng Vĩnh xử lý để làm nước sạch, cung cấp cho người dân thành phố Vinh và một số vùng lân cận. Theo ghi nhận của phóng viên, tại các điểm bơm và dọc theo bờ sông, nguồn nước nơi đây đang trở nên báo động về tình trạng nhiễm bẩn. Dòng nước đen ngòm, rác thải trôi lênh láng là hiện trạng rõ nhất gần khu vực Nhà máy nước Hưng Vĩnh bơm về xử lý. Không chỉ có rác thải đơn thuần mà còn xác động vật nổi trôi, lâu ngày chưa phân hủy. Tiếp tục dọc theo bờ sông, chúng tôi bắt gặp nhiều trang trại chăn nuôi gia cầm và nơi tập kết rác. Hai bên bờ sông, rác ùn thành đống, chỉ cần có mưa, số rác này sẽ tuôn xuống dòng nước.
Bà Nguyễn Thị Lương (xóm 4, Hưng Chính, thành phố Vinh) cho biết: “Buổi sáng dòng nước đã là màu đục bẩn, buổi chiều nước sẽ chuyển sang màu đen. Nhiều bữa xác lợn, chó, gà chết trôi đầy sông. Cách đây mấy năm thì tắm nước sông được còn bây giờ thì thôi đó, ghẻ chết! Cá tôm còn phải chết, nổi lên mặt nước”. Chưa hết, cạnh trạm bơm cầu mượu, nhà máy bia Sài Gòn hàng ngày xả thải ra sông. Nước thải của nhà máy bia hòa lẫn nước sông nhưng trạm bơm lại dùng làm nguồn nước thô này để xử lý làm “nước sạch” để bán cho dân thành phố Vinh. Người dân đặt câu hỏi, nước mà người dân thành phố Vinh và một số vùng lân cận dùng, liệu rằng có được đảm bảo?
Ông Nguyễn Quang Duyên, Phó giám đốc Cty TNHH một thành viên cấp nước Nghệ An thừa nhận: “Chúng tôi có biết việc nguồn nước thô mà hai trạm bơm Cầu Mượu và Cầu Đước mà dân phản ánh nhiễm bẩn, ô nhiễm nặng là có thật. Tuy nhiên, chúng tôi buộc phải dùng nó vì không có nguồn nước nào khác. Nếu muốn có nước sạch thì phải đợi đến năm 2016 mới có dự án đưa nước sông Lam về. Chúng tôi không có sự lựa chọn, việc các nhánh sông ô nhiễm một phần do ý thức của người dân”.