Lãnh đạo TP Đà Nẵng cho biết, sau kỳ họp, có 3 dự án ven biển bị thu hồi do treo quá lâu và dự án Khu CNTT tập trung cũng nghiên cứu thu hồi. Hiện Đà Nẵng có 52 dự án ven biển với tổng diện tích hơn 1.600ha, trong đó có 14 dự án đầu tư nước ngoài, 38 dự án trong nước. Tuy nhiên, chỉ có trên dưới 20 dự án triển khai, còn lại đang thế “án binh bất động” hoặc triển khai như “rùa”, nhất là khu vực bờ biển kéo dài từ quận Ngũ Hành Sơn đến giáp thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam.
Theo các ĐB, người dân rất bức xúc vì dự án treo ven biển quá nhiều, lấn chiếm, dựng tấm chắn ngăn người dân sử dụng bãi tắm. “Không có chuyện người Đà Nẵng có biển mà không có quyền tắm biển” - Bí thư Trần Thọ khẳng định và yêu cầu các cấp, ngành trong 6 tháng cuối năm rà soát, chấn chỉnh ngay và tiến tới thu hồi các dự án treo, trả lại bãi tắm cho dân. Liên quan đến các vụ khai khoáng, phá rừng nghiêm trọng trên địa bàn, ông Thọ yêu cầu kiểm lâm, chính quyền nhanh chóng nghiêm khắc kiểm điểm, thực hiện kỷ luật cán bộ.
“Vụ Cà Nhông, kiểm lâm, cán bộ bảo vệ rừng tiếp tay cho lâm tặc. Giờ bắt rồi, yêu cầu công an, ngành tư pháp sớm đưa ra xét xử. Phải xử tột khung để làm gương. Còn phá 5 ha rừng ở Hòa Bắc, tuy không lớn nhưng mức độ ngang nhiên, kéo dài cả tháng. Lâm tặc làm đường, đào ao thả cá, phá ầm ầm cả tháng trời mà sao anh không biết. Kiểm lâm ở đâu?”. Ông Trần Thọ không đồng ý với cách xử lý kiểm điểm, rút kinh nghiệm, khiển trách cán bộ của Kiểm lâm Đà Nẵng.
Theo Bí thư Trần Thọ, 6 tháng cuối năm, Đà Nẵng cần phải đẩy nhanh làm đầu việc, cụ thể như khẩn trương bố trí đất tái định cư cho các hộ dân còn bị nợ đất, đẩy nhanh các công trình trọng điểm, thu hồi dự án treo…
Chủ tịch UBND thành phố Huỳnh Đức Thơ cho biết, Thanh tra Chính phủ đã có ý kiến và sẽ làm việc trực tiếp với Đà Nẵng về vụ giấu 17 ngàn lô đất tái định cư. “Hiện đã có báo cáo rõ ràng, minh bạch, xử lý trách nhiệm cá nhân, tập thể. 17 ngàn lô là con số đất thực tế, còn số lô báo cáo thiếu chính xác, trung thực chỉ là 1.301 lô mà thôi” - ông Thơ cho biết.
Đề xuất mở rộng huyện Hoàng Sa
Trước đó, tại nghị trường, ĐB Nguyễn Đăng Hải phát biểu: “Đà Nẵng có một nhiệm vụ thiêng liêng là bảo vệ chủ quyền lãnh hải Hoàng Sa, nghiên cứu, tìm chứng cứ pháp lý để từng bước đòi lại quần đảo Hoàng Sa vốn đang bị Trung Quốc cưỡng chiếm. Kỳ họp Quốc hội vừa qua đã ban hành Luật Tổ chức chính quyền địa phương và có hiệu lực từ ngày 1/1/2016. Với luật này, UBND thành phố nên cho tách 2 phường Thọ Quang và Mân Thái (quận Sơn Trà) để nhập vào huyện đảo Hoàng Sa”. Hai phường trên cũng là nơi có đông ngư dân đánh bắt xa bờ ở ngư trường Hoàng Sa.
Ông Trần Văn Mười (chủ tàu cá ĐNa 90567 ở Mân Thái - Sơn Trà) cho hay, ý tưởng tách hai phường Mân Thái và Thọ Quang, nhập vào huyện Hoàng Sa để huyện đảo này có công dân là đúng. “Chúng tôi, những ngư dân mong mỏi điều này từ lâu. Mong nhà nước sớm thực hiện nó, để Hoàng Sa có những công dân, có chính quyền, có giao dịch hành chính…”.
Ông Nguyễn Văn Còn B (thuyền trưởng tàu ĐNa 90039) bày tỏ: Chúng tôi, những ngư dân bám biển, lâu nay được xem như là công dân của Hoàng Sa, nhưng đó chỉ là cách nói hình tượng thôi. Bây giờ, nếu như tách được 2 địa phương, nhập vào huyện Hoàng Sa thì rất hay. Chúng tôi nguyện làm công dân luôn có mặt ở Hoàng Sa đúng nghĩa đen và cũng có những giấy tờ, những giao dịch thông thường nhưng có chữ Hoàng Sa trong tay, là công dân của Hoàng Sa. Ông Đặng Công Ngữ, nguyên Chủ tịch huyện Hoàng Sa cho rằng, đây là thời điểm chín muồi để đưa ra đề xuất trên và ý tưởng của ĐB Nguyễn Đăng Hải cũng chính là khát vọng của triệu người dân Việt Nam. Nó cũng phù hợp với xu thế phát triển chung.
“Không có chuyện người Đà Nẵng có biển mà không có quyền tắm biển” – Bí thư Trần Thọ khẳng định và yêu cầu các cấp, ngành trong 6 tháng cuối năm rà soát, chấn chỉnh ngay và tiến tới thu hồi các dự án treo, trả lại bãi tắm cho dân.