> Nước lũ vây nhà dân, 30 người chết, mất tích
> Miền Trung ngập chìm trong lũ, đã có người tử vong
Nhà dân Quảng Nam chìm trong lũ. Ảnh: Hoài Văn.. |
Riêng Bình Định lũ lên chớp nhoáng vượt mốc lịch sử 1999, đến chiều hôm qua đã có tới 13 người chết.
Từ 6 giờ sáng hôm qua, giữa lúc cao điểm nước dâng ở hạ lưu, thì cùng lúc có tới 15 thủy điện của miền Trung - Tây Nguyên đồng loạt xả lũ. Nhiều thủy điện xả nước với mức khủng, như Sông Tranh 2 (Quảng Nam), Ba Hạ (Phú Yên), Ya Ly (Gia Lai), Sê San 4A (Kon Tum-Gia Lai)… đều trên 2.300m3/s.
Hai cô giáo dạy mầm non ở K’Bang (Gia Lai) bị lũ cuốn trôi trên đường đến trường. Một bé gái lớp 5 ở Nghĩa Hành (Quảng Ngãi) bị gió mạnh hất văng xuống lũ, chết tức tưởi khi trên vai còn quàng khăn đỏ, cặp sách trên tay. Quốc lộ 19 từ Gia Lai xuống Quy Nhơn lần đầu tiên trong lịch sử bị lũ chia cắt.
Huyện Đại Lộc của Quảng Nam sau quá nhiều phen bị thủy điện bất ngờ làm cho điêu đứng, đã phải dùng tới cả cái cách thô sơ từ trăm năm trước, là khua chiêng gõ mõ, đánh kẻng để báo động thôn xóm chạy lũ mỗi khi thủy điện xả nước.
Thế giới vừa chết lặng trước nỗi tang thương mà người dân Philippines gánh chịu sau bão Haiyan. Nước mắt của hàng vạn con người đói khát, kiệt quệ đang đổ xuống giữa hoang tàn ngập xác người. Và có giọt nước mắt đơn độc của một người đàn ông Philippines rơi xuống ở một nơi xa Tổ quốc, khiến nhân loại rúng động.
Người đàn ông tuyệt vọng đó tên là Naderev Yeb Sano - trưởng phái đoàn Philippines tại Hội nghị công ước Khung của Liên Hiệp Quốc về biến đổi khí hậu (COP 19) vừa diễn ra tại Warsaw (Ban Lan). Ông khóc vì bất lực, và đơn độc tuyệt thực suốt những ngày diễn ra hội nghị. Bởi tiếng nói của những quốc gia bé nhỏ đã không thể đến tai nhiều quốc gia và những ông chủ lớn vì quyền lợi ích kỷ đã tảng lờ việc thực thi Công ước, khiến thiên tai tiếp tục giết hàng vạn người mỗi lúc.
“Nếu không phải chúng ta thì là ai? Nếu không phải bây giờ thì bao giờ? Nếu không phải ở Warsaw thì ở đâu?. Sao chúng ta không chấm dứt sự điên rồ ấy ngay tại đây?”, Yeb Sano cay đắng hỏi trong nước mắt.
“Quy hoạch thủy điện trải qua nhiều thời kỳ là quy hoạch chung của cả nước chứ không phải quy hoạch riêng của Chính phủ hay Bộ Công thương… Chúng ta nói về chúng ta chứ không phải chúng ta nói về Chính phủ, cũng không phải chúng ta chỉ nói về bộ này, ngành khác mà chúng ta nói về chúng ta”. Đó là trả lời của Bộ trưởng Bộ Công thương trước chất vấn của ĐBQH về việc rà soát, hạn chế xây dựng thuỷ điện. Đến nỗi nghe xong, vị ĐBQH quê Quảng Nam nọ phải thốt lên giữa nghị trường “Tôi không hiểu Bộ trưởng nói gì”!.
Hai chữ “chúng ta” vừa dẫn lẽ nào chỉ là tập hợp của…hư vô? “Chúng ta” là ai, có phải là người dân nghèo miền Trung đang chới với, khóc ròng trong lũ của trời và của thuỷ điện? Và không biết đêm nay, đêm mai, những tiếng mõ tiếng kẻng mang dấu ấn của thời mông muội có kịp vang lên không, hay cũng chới với và bị nuốt chửng bởi lũ dữ?