Lại bàn thương hiệu

Lại bàn thương hiệu
TP - Câu chuyện về thương hiệu không phải đến bây giờ mới được xới lên.

> Thương hiệu lúa gạo - phải một thập kỷ nữa?
> Thu mua trên 40% lúa gạo tạm trữ

15 năm trước có một nữ doanh nhân tự mình làm cuộc hành trình cam go đi đòi thương hiệu cho sản phẩm Kẹo dừa Bến Tre bị một đối tác làm nhái và đăng ký độc quyền nhãn hiệu này ở Trung Quốc. Trần ai qua bao hành lang pháp lí nhiêu khê, nữ doanh nhân này mới giành được chiến thắng.

Tiếp đó, hàng loạt DN như Vinataba, Trung Nguyên, Vifon...giật mình phát hiện thương hiệu của mình bị đăng ký tại nhiều quốc gia.

Rồi đến nước mắm Phú Quốc, nước mắm nhĩ Phan Thiết cũng bị các công ty nước ngoài cướp mất thương hiệu…

Và lúc này đây câu hỏi: Thương hiệu nào cho lúa gạo Việt Nam, cho thủy sản Việt Nam được đặt ra, hối thúc từ chính đòi hỏi của thực tiễn cuộc sống, thực tiễn thương trường và nó khiến cho các nhà hoạch định chính sách phải lưu tâm trên các diễn đàn nghị sự.

Nhiều người sẽ ngạc nhiên, khi trên các phương tiện truyền thông có những thời điểm chúng ta ngất ngây khi được xếp thứ nhất, thứ hai trong lĩnh xuất khẩu nông sản, xếp trong top 10 kim ngạch xuất khẩu thủy sản thế giới, để rồi bây giờ ngồi tự vấn thương hiệu sản phẩm tầm vóc quốc gia, ai đã bỏ quên?

Mổ xẻ nó, có rất nhiều nguyên do. Người thì cho rằng, chính những người làm ra sản phẩm ấy không “cứu mình trước khi trời cứu”. Người lại chỉ ra, đội ngũ nghiên cứu khoa học sao không “dẫn đường, mách lối” cho nông dân chân lấm, tay bùn. Lại có ý kiến thiên về trách nhiệm này thuộc về các doanh nghiệp. Họ kinh doanh, kiếm lời trên sản phẩm của nông dân, họ phải biết xây dựng thương hiệu cho nông dân, cho chính mình và cho đất nước chứ không thể cứ tư duy đánh quả, mùa vụ mãi vậy được…

Nhiều hội nghị, hội thảo đã và đang mổ xẻ nguyên do để tìm cách khắc chế khoảng trống bỏ quên thương hiệu chí tử này. Nhưng dư luận chưa thực sự an tâm, khi nhạc trưởng cho bản giao hưởng thương hiệu nông, thủy sản chưa chắc tay cầm đũa chỉ huy với đầy đủ tâm huyết, trách nhiệm và tầm chiến lược trước vấn đề ảnh hưởng đến quốc kế dân sinh.

Còn tươi rói bài học cuộc chiến giành và bảo vệ thương hiệu dai dẳng, khổ ải mà không phải lúc nào cũng kết thúc có hậu như Kẹo dừa Bến Tre minh chứng ở đầu bài viết này. “Kiếm ngắn thì phải nhanh hơn một bước”. Câu danh ngôn ấy, lúc này buộc chúng ta phải nhanh hơn rất nhiều bước may ra mới kịp trong thời buổi thương trường như chiến trường này.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG