Dân nông

Dân nông
TP - Cày ải quần quật suốt cả năm trời, mỗi hộ nông dân cũng chỉ để dành được khoảng từ 5-8 triệu đồng, con số khảo sát trên 12 tỉnh thành cả nước vừa được Viện Chính sách chiến lược phát triển nông nghiệp-nông thôn công bố.

> Phổ biến 70% người dân về 'tam nông'

Mấy năm trở lại đây, 20% hộ nông dân phải cắt giảm mạnh khẩu phần ăn hằng ngày. Có tới một nửa số hộ nông dân hiện đang là con nợ, những món nợ đồng lần quanh làng quanh xóm bình quân lên tới 50 triệu đồng mỗi hộ. Vay thì cứ vay, còn tiền đâu để trả thì cơ bản là… chịu.

Trong 3.000 hộ nông dân được khảo sát, hộ nghèo thu nhập khoảng 2,5 triệu đồng/năm của năm 2008, đến năm 2012 tăng lên 10 triệu đồng. Thế nhưng do tiền mất giá, mức chi tiêu hằng tháng cũng tăng theo từ 130 ngàn đồng mỗi người lên đến trên 400 ngàn đồng. Nghĩa là đời sống người nông dân nghèo vẫn hoàn nghèo.

Tám triệu đồng, đem chia cho 5 người trong nhà, mỗi người mỗi năm có chưa đầy 2 triệu đồng để phòng thân lúc ốm đau, hoạn nạn, học hành. Bằng một góc chai rượu loại “hơi sang” mà nhiều quan chức quen dùng.

Ngót 2 triệu đồng mỗi đầu người dành dụm cho 365 ngày bất trắc, đem so với 12 tỷ đồng của Nhà nước từ thuế dân bay vèo khi người ta vừa thản nhiên bóc dỡ đoạn đường nhựa mới dùng để đắp bằng bê tông cho xe buýt nhanh chạy ở thủ đô. Hai triệu đồng so với hàng loạt nhà vệ sinh trường học 6-7 trăm triệu đồng mới dùng đã xuống cấp. So với hàng ngàn tỉ lãng phí từ các công trình “khủng”, lễ lạt rình rang khắp nơi.

Hai chữ “bần nông” mấy chục năm rồi có vẻ vẫn chưa xoá nổi triệt để, với người nông dân nhiều nơi. Nhiều làng xã bỏ hoang kéo nhau chui nhủi qua xứ người làm thuê. Nhiều người bỏ quê tha hương bán vé số, đánh giày, bán báo dạo… Ruộng đất bị thu hồi cho các dự án. Nhà máy về làng lại thêm lo.

Cả nước hiện có tới 37 “làng ung thư” mà nguyên nhân chính do sản xuất gây ô nhiễm. Mấy ngày nay người dân xã Duy Tân (Kinh Môn, Hải Dương) đang bị côn đồ hành hung, đòi giết chỉ vì họ phản đối một nhà máy gây ô nhiễm tại xã. Côn đồ nhận tiền bảo kê cho doanh nghiệp hành hung nông dân không còn là chuyện xa lạ ở nhiều nơi.

Nhớ năm ngoái tại một kỳ họp Quốc hội, có đại biểu dẫn chứng về chuyện dạy nghề cho con em nông dân. Lớp dạy sửa xe máy cho một xã thu hút 50 học viên. Tưởng tượng một xã có tới 50 quán sửa xe máy, chỗ đâu mà ngồi, xe đâu mà sửa.

Thành ra, không hề ngạc nhiên khi tại nhiều vùng nông thôn hiện nay, nông dân quyết liệt đấu tranh để được giữ lại “danh hiệu”…hộ nghèo, dù đã bước vào ngưỡng thoát nghèo! Để phần nào còn được nương dựa vào những chính sách ưu đãi, hỗ trợ của Nhà nước. Dẫu rằng ai cũng biết thế là xấu hổ chứ chả vinh vang gì. Nhưng nếu buông ra, với nhiều gia đình sẽ là đuối, là chìm nghỉm. Phận dân nông không ít nơi vẫn cứ mong manh với hai chữ “eo nghèo”…

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG