Một vị khách nước ngoài trò chuyện trên truyền hình bày tỏ sự ngạc nhiên về hình ảnh người nông dân Việt Nam. Anh ta nói: “Lạ thật, sao ruộng Việt Nam lại nằm mỗi nơi một miếng. Có người vác cuốc đi thăm ruộng hết ngày vẫn chưa xong”.
Anh ta lại cật vấn phóng viên: “Sao cứ một người phải dắt một con bò hết ngày ở đồng?”. Phóng viên đáp: “Đó là người ta đi chăn bò!”. Anh ta cười ồ: “Một người “chăn” một bò hết ngày này sang ngày khác, không rời nửa bước thì còn làm ăn gì nữa? Bò chăn người hay người chăn bò?”.
Ruộng đồng manh mún, chăn nuôi nhỏ lẻ... qua góc nhìn của người nước ngoài vừa hài hước vừa chân thực về ngành chăn nuôi, trồng trọt của ta.
Sẽ còn lạ nữa nếu vị khách nước ngoài này giỏi tiếng Việt, đọc báo Việt với những cái tít nghịch tai như: “Được mùa lúa nông dân khóc ròng”, “Xuất khẩu gạo thứ nhì thế giới dân vẫn nghèo”, “Nông dân: điệp khúc trồng- chặt”…
Một số người sẽ vặn lại rằng, có thể vị khách nước ngoài nhìn cảnh lạ ấy ở một số vùng quê đồng bằng Bắc bộ, hoặc Trung bộ, nơi chưa phải vựa lúa của đất nước!
Cơ cấu kinh tế đang chuyển dịch mạnh theo hướng giảm nông nghiệp tăng công nghiệp, dịch vụ. Hiện đại hóa nông nghiệp đang diễn ra mạnh mẽ, giải phóng đáng kể sức lao động cho nông dân. Hình ảnh “con trâu đi trước, cái cày theo sau” đang ít dần trên những cánh đồng thẳng cánh cò bay ở đồng bằng Sông Cửu Long. Máy cày, máy cấy, máy gặt…đang làm thay những đôi tay chai sần của nông dân.
Máy bay trực thăng cũng được sử dụng để tưới tiêu, chống hạn. Ngày trước nông dân đi cấy cầu mưa thuận gió hòa mới “yên tấm lòng”. Nay công tác dự báo thời tiết tốt hơn, hệ thống thủy lợi tưới tiêu đã hiện đại hóa, nông dân chủ động hơn trong sản xuất. Công cuộc xóa đói giảm nghèo cũng đang tiến tới bền vững.
Đúng vậy, thành quả là chúng ta giữ vững an ninh lương thực, xuất khẩu gạo đứng thứ nhì thế giới!
Nhưng vẫn lạ. Lúa gạo làm ra nhiều nhưng sao bà con vẫn khổ? Theo lý giải của một số bà con Đồng bằng Sông Cửu Long, đầu tư đầu vào cho hạt lúa (phân bón, thuê nhân công, lãi ngân hàng) cao và cả thiên tai nữa nên không có lãi. Vậy, nhất định phải có người được hưởng lợi, làm giàu từ hạt lúa? Lúa gạo làm ra nhiều, xuất khẩu nhiều, không lẽ không mang lại lợi ích cho ai?
Nghe bà con nông dân ví von về “điều lạ” này với phóng viên Tiền Phong: “Làng quê nhiều nơi vẫn vang vọng bài hát ngợi ca cây lúa với điệp khúc “Ngày mai bắt đầu từ hôm nay...”.
Nghe bài hát, có người chợt hỏi: “Nhạc sỹ và ca sỹ ai nghèo, ai giàu? Ca sỹ giàu! Họ hát một bài được trả tiền bằng mấy héc ta lúa. So sánh trong chuỗi giá trị hạt lúa, hạt gạo - nông dân như nhạc sỹ, người xuất khẩu như ca sỹ. Và, người kinh doanh vật tư nông nghiệp cũng có thể là ca sỹ…”.
Người nông dân đã chỉ ra ai giàu từ hạt lúa của họ rồi. Vậy, bà con nông dân chúng ta chỉ có thể giàu khi nào họ vừa là nhạc sỹ vừa là ca sỹ! Chuyện hai trong một này có khó không? Chắc là không. Trên thị trường âm nhạc hiện nay, nhạc sỹ kiêm ca sỹ đang là mốt!