> ‘Chạy chức là loại tham nhũng nguy hiểm nhất’
> Nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan bàn về chạy chức, chạy quyền...
Xét ở vị trí bà Lan và bà Dương đang công tác (tương đương trưởng phòng), thì cả hai đều được thăng chức chỉ sau một cuộc thi.
Đáng lưu ý, nói như bà Đỗ Thị Hoàng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Quảng Ninh thì các thí sinh bị loại (kể cả những thi sinh thuộc diện quy hoạch tại chỗ lên Phó giám đốc TT&TT) cũng thấy tâm phục khẩu phục khi hội đồng chấm thi tuyển chọn hai ứng viên trên. Như vậy, có thể nói việc thi tuyển đã có kết quả tốt, dù nhìn ở khía cạnh nào.
Cái được đầu tiên, chính là cơ chế thi cử này (ứng viên tự thuyết trình và hỏi đáp trực tiếp) đã tạo ra môi trường bình đẳng để từng ứng viên thể hiện năng lực của mình, thay vì cơ chế bổ nhiệm cán bộ theo kiểu dựa trên quy hoạch và “xét tuyển” lâu nay, nên việc đánh giá cán bộ khó mà công tâm và khách quan.
Nguy hiểm hơn, cơ chế “xét tuyển” dễ bị chi phối bởi người có thẩm quyền bổ nhiệm, nên tiêu cực có cơ hội len lỏi. Chạy chức quyền cũng xuất phát từ đây.
Với cơ chế thi tuyển ở Quảng Ninh, ngay cả người có thẩm quyền bổ nhiệm cán bộ, cũng chỉ là 1/14 người (trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy), lại bị khống chế bởi thang điểm chấm (không được chấm chênh lệch quá 20% so với các thành viên khác), nên dù muốn tiêu cực hay thiên vị cũng khó.
Còn xét ở khía cạnh của đối tượng mong muốn được bổ nhiệm, thì cơ chế thi tuyển sẽ dần loại được quan niệm “có tiền mua tiên cũng được”, và khi tâm lý ấy trở thành thói quen, thậm chí thành văn hoá, thì sẽ loại dần được những kẻ cơ hội lên chức bằng mua bán. Và khi không có người mua, thì người bán dù muốn cũng khó.
Ngoài ra, một tác dụng khác của thi tuyển cũng sẽ được phát huy, là loại bỏ dần được văn hoá “đơn thư nặc danh” kiện tụng liên miên, gây mất đoàn kết nội bộ, nhằm hạ gục đối thủ, mà lâu nay thường rộ lên mỗi khi cơ quan nào đó bổ nhiệm cán bộ, hay mỗi kỳ đại hội, bầu cử để sắp xếp lại nhân sự.
Vấn đề còn lại, chỉ là cơ chế giám sát và xử lý cán bộ sau khi trúng tuyển, được bổ nhiệm. Để có thể hạn chế tình trạng mất cân đối giữa “học và hành” của cán bộ, và khi điểm số không tương xứng với khả năng thực tế, thì cơ quan có thẩm quyền cũng có cơ chế giám sát và xử lý linh hoạt.