Luận về lợi ích

Luận về lợi ích
TP - Đa phần các ý kiến phản biện gần đây về hai dự án thủy điện Đồng Nai 6 và Đồng Nai 6A được cho là xây dựng trên cơ sở tư duy khoa học. Việc làm đúng ấy là chưa đủ.

> Chủ DA Thủy điện Đồng Nai 6&6A: Không đòi hỏi gì khi dừng dự án, nếu…

TS Nguyễn Đức Huỳnh, nguyên Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Phát triển An Toàn & Môi Trường Dầu khí, cho rằng cần có thêm những phản bác khoa học đối với những lập luận về “lợi ích” của hai công trình thủy điện này đem lại mà những người bảo vệ nó lập luận. Có vậy, lý lẽ phản biện mới thuyết phục hơn.

Trong thư góp ý gửi Hội Đánh giá tác động Môi trường Việt Nam cách đây vài tháng, ông viết: “Những lợi ích kinh tế không thể phủ nhận của hai công trình thủy điện này theo thời gian sẽ được tăng theo cấp số cộng. Còn những thiệt hại hiển nhiên về sinh thái, môi trường, xã hội cũng của hai công tình này theo thời gian sẽ gia tăng theo cấp số nhân”.

Không phủ nhận có không ít đánh giác tác động môi trường (ĐTM) được làm nghiêm túc. Nhưng số ấy chiếm bao nhiêu phần trăm trong tổng số các ĐTM được làm ở VN kể từ khi chúng ta có Luật Bảo vệ Môi trường năm 1993? Chưa ai thống kê.

Ngay cả với các ĐTM nghiêm túc, bao nhiêu phần trăm được thực hiện và giám sát thực hiện đúng như khuyến cáo trong các ĐTM nghiêm túc ấy? Cũng chưa ai thống kê.

Hàng loạt sự cố môi trường như thải nước thải gây ô nhiễm sông Thị Vải của hai doanh nghiệp Vedan và Nonadezi đều ở tỉnh Đồng Nai vẫn còn đó.

So với những gì trong báo cáo ĐTM trước đó của các dự án này, chúng ta sẽ thấy những bài học thực tế cho công tác ĐTM của VN hiện nay.

Rồi sự cố tràn dầu DeepWater Horizon ở Vịnh Mexico năm 2010. Hay thảm họa sóng thần ở Nhật Bản năm ngoái.

Một trong những bài học lớn từ những thảm họa này là “con người phải chuẩn bị đối phó với những tai ương mà những tính toán lý thuyết của loài người hiện nay chưa đề cập tới”.

Hãy nghĩ về các công trình thủy điện ở VN từ bài học này. Những dữ liệu về lượng mưa, cấp độ động đất chúng ta thu thập được bao nhiêu năm? Mức độ chính xác của chúng, nhất là, những diễn biến bất thường của thời tiết gần đây, chúng ta làm được đến đâu rồi?

TS Huỳnh, người có thâm niên làm ĐTM trong cơ quan nhà nước, thẳng thắn trong một trao đổi với một quan chức của Bộ Tài nguyên&Môi trường: “Làm sao chúng ta tính toán, cập nhật hết được trong các báo cáo ĐTM để đề ra các giải pháp giảm thiểu cho phù hợp”.

Ông kể chuyện Thủ tướng Võ Văn Kiệt từng mời một đoàn chuyên gia Đại học Harvard, Hoa Kỳ, qua VN nghiên cứu và tham mưu cho Chính phủ về chiến lược phát triển kinh tế VN.

Một trong những điều họ góp ý cho ta là “Cân nhắc phát triển thủy điện ở VN” như kế hoạch lúc bấy giờ vì ba lý do. Một, VN nằm ở cuối nguồn các con sông lớn, không chủ động nguồn nước. Hai, VN có hai mùa (mùa khô & mùa mưa) nên không điều chỉnh nguồn điện ổn định cho cả năm nếu không dùng nguồn điện khác. Và ba, phát triển thủy điện đi kèm với việc phá rừng, làm thay đổi hệ sinh thái.

Và thực tế diễn ra không khỏi quan ngại.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG