Đã nghèo còn lãng phí

Đã nghèo còn lãng phí
TP - Nhiều nơi ở Việt Nam vẫn còn nghèo, nền kinh tế đang gặp khó khăn, ấy vậy mà những ví dụ về thói lãng phí, nhất là lãng phí của công kể ra không hết.

> Không kỷ luật không có nghĩa là không có khuyết điểm

Từ chuyện sắm xe công, xài xe công vô tội vạ, đi máy bay thích ngồi ghế VIP tới việc chiếm dụng đất công, nhà công sử dụng sai mục đích, họp hành, ăn uống, phong bao, phong thơ liên miên, tổ chức đám cưới xa hoa, tốn kém.

Rồi chuyện các tỉnh thành đua nhau làm lễ hội đình đám, truyền hình trực tiếp khắp nơi tới chuyện hàng trăm ngàn m2 đất “vàng” đang bị bỏ hoang giữa thủ đô, công trình trăm tỷ, ngàn tỷ bỏ hoang, xuống cấp hoặc ít có giá trị sử dụng...

Cảnh khai trương, khánh thành, lễ kỷ niệm nọ kia với bạt ngàn hoa tươi cả trăm lẵng không còn chỗ mà để, dễ nhận thấy ở không ít nơi.

Trong khi đó, trong giấy mời dự lễ kỷ niệm ngày quốc khánh của một đại sứ quán tại Hà Nội vừa qua lại trân trọng đề nghị, đại ý : Xin vui lòng không mang lẵng hoa, nếu có nhã ý tặng hoa hãy dùng số tiền đó ủng hộ vào một cơ sở từ thiện gần nơi qauý vị ở. Không hiểu đã có bao nhiêu cơ quan, ban ngành của ta từng áp dụng lời đề nghị chống lãng phí đầy ý nghĩa kia.

Xa hơn, trông ra xứ người, thấy Phó Tổng thống Mỹ Biden vừa được vinh danh là hành khách đi tàu “vĩ đại”, đến nỗi nhà ga Wilmington nơi đông khách thứ 12 của nước Mỹ, đã đổi tên thành Joseph R. Biden.

Ông có sở thích hằng ngày đi làm và về nhà bằng tàu điện suốt 36 năm qua, kể từ khi còn làm việc ở Thượng viện, để được trò chuyện thường xuyên với dân chúng.

Dịp Olympic vừa qua, Thủ tướng Anh David Cameron tới dự khán một trận đấu bằng tàu điện ngầm, thậm chí khi tàu hết chỗ ngồi ông còn phải đứng như bao người dân bình thường khác.

Nữ Thủ tướng Đức Angela Merkel cũng từng được dân chúng Đức ca ngợi về tính cần kiệm, sau khi một tờ báo nước này chộp được hình ảnh bà đi mua đồ trong siêu thị, kiên nhẫn đứng nhận từng đồng xu lẻ trả lại như bao người phụ nữ khác.

Còn nhớ dịp Hội nghị APEC 2006 diễn ra tại Hà Nội, báo chí Việt Nam đã phát hiện ra ngài Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long sang dự APEC bằng máy bay của Singapore Airlines, thậm chí khi trở về ông và đoàn tùy tùng 10 người còn đi hàng không giá rẻ Tiger Airways, với giá vé tổng cộng cho 11 người là 12 triệu đồng.

Còn ở ta, hình như chưa có vị quan chức nào đi làm bằng xe buýt thì phải.

Ngẫm ra, hình như quốc gia nào càng giàu có, văn minh thì lại càng biết cách tiết kiệm, chống lãng phí cả về vật chất lẫn thời gian, cả của công lẫn của tư. Còn quốc gia nghèo thì lại hay vô độ, chi tiêu, mua sắm bừa bãi, dễ nảy sinh tham nhũng, vì thế đất nước lại càng nghèo đi.

Đề cập vấn đề phòng chống tham nhũng, lãng phí, tại buổi tiếp xúc cử tri quận Hoàn Kiếm, TP Hà Nội ngày 17- 10, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nói: “Vấn đề lãng phí các bác nêu rất đúng. Bây giờ lãng phí cũng rất lớn, nhiều chỗ lãng phí ghê gớm lắm. Lãng phí đất đai, tài nguyên, của cải, tiền bạc. Hội họp quá nhiều, thăm viếng lẫn nhau quá nhiều, toàn hình thức thôi. Cưới xin, ma chay, đi nước ngoài lu bù, vậy tiền ở đâu, có bỏ tiền túi ra không, xót xa lắm chứ. Bác Hồ đã nói rồi, làm bao nhiêu mà lãng phí thì như gió vào nhà trống thôi. Nói học Bác Hồ thì phải làm, nếu cứ nói không thôi hoặc không thực hiện thì giống như chẳng học gì”.

Đúng vậy, Bác Hồ là tấm gương mẫu mực về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Chỉ có điều có làm được như Bác hay không mà thôi.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG