Khổ thân cụ, cứ tưởng tôi là đại gia. Quê tôi nhiều người làm ăn phát đạt nên xây nhà thờ hoành tráng. Họ muốn làm rạng rỡ cho tổ tiên, tỏ lòng hiếu lễ, nhưng đôi lúc cũng muốn thiên hạ phải bái phục vì số tiền bỏ ra. Có nhà thờ giá hàng triệu đô la, cái mèng cũng hàng tỷ bạc.
Báo chí đưa tin, có vị từng quan chức cấp tỉnh chi khoản tiền khủng xây nhà thờ họ Trần rộng tới 7.000 m2 giữa một vùng quê nghèo; một đại gia ở Hà Nội bỏ ra hàng trăm tỷ dựng nhà thờ người cha liệt sĩ tại quê nhà. Chưa kể nhiều đại gia bỏ hàng trăm triệu, thậm chí hàng tỷ đồng để mua đất xây “biệt thự” cho tương lai và cả người thân đã khuất.
Hai khu nghĩa trang Lạc Hồng Viên (Hòa Bình) và Vĩnh Hằng (Hà Tây) rộng hàng trăm hecta, được qui hoạch một cách cầu kỳ, là một ví dụ. Mới tuần trước, dân chúng lại rỉ tai nhau về ngôi mộ ba tỷ ở Tây Ninh của bà bán bún có tài sản ước tính cả ngàn tỷ đồng.
Trong khi đó ở phương Tây, người giầu lại làm khác. Cách đây hơn 100 năm, Alfred Nobel, nhà hóa học, một nhà kỹ nghệ, người phát minh ra thuốc nổ và là triệu phú người Thụy Điển, đã dùng tài sản của mình để sáng lập ra Giải thưởng Nobel.
Hiệu ứng giải thưởng uy tín nhất hành tinh này khỏi phải bàn. Thời nay, Bill Gates và Buffet đóng góp từ thiện mấy chục tỷ đô la, giúp hàng chục triệu người thoát bệnh AIDS, bệnh ỉa chảy, mù mắt ở châu Phi.
Smithsonian ở thủ đô Washington DC (Mỹ) là một viện, bao gồm hệ thống bảo tàng lớn nhất thế giới miễn phí cho người vào thăm, và các trung tâm nghiên cứu khoa học, được bảo trợ bởi chính phủ Hoa Kỳ với kinh phí hàng năm gần 800 triệu đô la.
Người tài trợ ban đầu cho viện là một nhà khoa học Anh quốc tên James Smithson (1765-1829) với số tiền 104.960 đồng vàng, tương đương 500.000 Mỹ kim (khoảng 10 triệu đô la thời giá hiện nay), một tài sản khổng lồ lúc đó.
Bắt đầu là hơn một chục triệu đô la, bằng số tiền một đại gia Việt bỏ ra xây nhà thờ cho cha, sau gần 170 năm, người Mỹ đã biến thành tài sản Smithsonian vô giá.
Bệnh viện và trường đại học nổi tiếng khắp thế giới Johns Hopkins ở Maryland đến nay đã có 37 giải Nobel. Khu đại học và bệnh viện rộng lớn trên do nhà hảo tâm Johns Hopkins (1795 – 1873), một thương gia giầu có, đóng góp 10 triệu đô la, một khoản hiến tặng lớn nhất trong lịch sử nước Mỹ lúc bấy giờ.
Thế hệ sau đã biến khoản tiền kia, có lẽ không nhiều hơn tài sản của bà bán bún Việt Nam mà con cháu hiện đang tranh cãi, thành hệ thống các trường đại học và bệnh viện mang tên Johns Hopkins có mặt ở nhiều nơi, và giá trị khó mà tính bằng tỷ đô la.
Người giầu ở nhiều nước trên thế giới thường hiến tặng tiền của cho tương lai, nên tài sản của họ thường tăng gấp bội ngay cả khi từ giã cõi đời mà chính họ không thể ngờ tới.
Tiền hảo tâm cho giáo dục, y tế, bảo tàng, viện trợ nhân đạo như chống AIDS, bình đẳng giới, bảo vệ môi trường, giúp xóa đói giảm nghèo, hay cả nạn nhân chiến tranh, đã làm tên tuổi của họ sống mãi.
Thử hỏi một vài thập kỷ nữa, liệu có ai còn nhớ nhà thờ hàng chục triệu đô của một đại gia Hà Nội hay ngôi mộ giá vài tỷ đồng của bà bún Nam Bộ. Nhưng nếu họ làm theo như cách James Smithson hay Johns Hopkins thì sự thể sẽ khác.
Làm ra tiền đã khó, tiêu thế nào cho có văn hóa và đóng góp hảo tâm, gây hiệu ứng xã hội một cách tốt đẹp cho tương lai còn khó hơn nhiều. Của cải để lại cho tiền thế hay hậu thế luôn là câu hỏi thú vị cho những người giầu tại Việt Nam.