Suy kiệt

Suy kiệt
TP - Người lao động tại các khu công nghiệp, chế xuất bị teo cơ, suy kiệt vì thiếu ăn - thông tin nhức nhối vừa được đưa ra tại hội thảo liên quan đến bữa ăn công nhân vừa diễn ra tại Bình Dương - “thủ phủ” của các KCN. Sự thật ngỡ ngàng, nhưng không hề khó hiểu.

> Nỗi lo… tăng lương cơ bản

Miếng ăn đã ít, lại thường xuyên bị đe dọa bởi thức ăn bẩn gây ngộ độc, do các cơ sở cung cấp suất ăn tham lam vô trách nhiệm chỉ chạy theo lợi nhuận, chuyên mua đồ thiu thối.

Như mới đây tại Bà Rịa - Vũng Tàu phát hiện dòi bò lúc nhúc trong món thịt heo kho của suất ăn công nhân. Các vụ ngộ độc tập thể mà nạn nhân là công nhân xảy ra như cơm bữa.

Kể cả với những bữa ăn tự nấu, thì công nhân cũng chỉ dám mua những lát thịt bèo nhèo phơi cả ngày ruồi muỗi, bó rau héo chẳng ai thèm mua.

Thời đại công nghiệp hóa, nhà máy công xưởng càng to lớn dềnh dàng, thì thật nghịch lý, thân thể và thân phận công nhân lại càng nhỏ nhoi, héo hắt.

Đói khát từ miếng ăn, chỗ ở, thuốc thang bệnh tật đến sinh hoạt văn hóa tinh thần… Hàng vạn, hàng triệu công nhân giam cuộc đời nơi xưởng máy từ sáng đến tối mịt, rời xưởng về lại chui vào những góc nhà trọ tồi tàn, lay lắt sống với bụng rỗng, túi rỗng, sức kiệt không biết vui chơi giải trí là gì.

Lâu nay vẫn nghe người lao động nơi này nơi kia đình công, lãn công để chống lại việc bị cắt xén đồng lương bèo bọt, phản đối chủ ép làm thêm giờ, lờ bảo hiểm xã hội, y tế, đấu tranh cả đến việc bị cấm đi vệ sinh trong giờ làm việc!

Nhưng dường như dư luận xã hội vẫn thờ ơ, coi là chuyện của ai đó chẳng mấy quan trọng, chẳng bằng việc một “sao” nào đó ăn mặc hở hang, phát ngôn lăng loàn gây sốc.

Hình ảnh chị công nhân, bác nông dân mạnh khỏe, tươi vui hăng say lao động có lẽ chỉ còn trong sách giáo khoa.

Nên dễ hiểu vì sao mỗi năm hàng triệu sĩ tử chen chúc đi thi giành suất vào đại học. Và các trường đại học cũng mọc lên như nấm.

Nhiều bạn trẻ trong số ấy thực cũng chẳng mong học hành sẽ trở nên giàu có, thành ông nọ bà kia, mà chỉ muốn thoát khỏi đời công nhân, nông dân.

Bán ruộng vườn, cầm cố vay mượn để đi học. Ráng học để đổi đời. Nhưng khi cầm tấm bằng cử nhân, không nơi nào sử dụng, không có tiền lo lót chạy chọt, “chuột chạy cùng sào” lại phải quay về làm công nhân, nếu không sẽ chết đói. Để rồi thầy không ra thầy, thợ chẳng ra thợ, vẫn cơ cực hẩm hiu.

Chúng ta luôn động viên, hô hào, phân luồng hướng nghiệp cho học trò vào các trường nghề, để ra đời làm những người thợ thực thụ, nâng cao chất lượng lao động cho xã hội.

Đó là chủ trương đúng và rất cần thiết. Nhưng nhìn vào thực trạng đời sống công nhân hiện nay, thật khó dũng cảm để ai đó dấn thân đi làm thợ.

Chất lượng sống của công nhân, một nút thắt cổ chai ngặt nghèo cho bài toán chất lượng lao động. Công nhân suy kiệt, cũng chẳng khác gì nền sản xuất suy kiệt.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Ưu tiên đầu tư bảo tồn biển để giữ gìn cho mai sau
Ưu tiên đầu tư bảo tồn biển để giữ gìn cho mai sau
TPO - Hệ thống các khu bảo tồn biển đóng vai trò rất quan trọng trong việc duy trì đa dạng sinh học, cung cấp nguồn lợi hải sản, cung cấp các dịch vụ quan trọng để phát triển kinh tế biển và là “cơ sở hạ tầng” tự nhiên chống đỡ thiên tai và biến đổi khí hậu. Đây cũng là yếu tố quan trọng gắn với công tác đảm bảo quốc phòng, an ninh, bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo của Việt Nam.