Năng lực làm người

Năng lực làm người
TP - Ngay sau kỳ thi tốt nghiệp THPT, clip quay cảnh giám thị ném bài, thí sinh quay cóp, lộn xộn trong phòng thi tại trường THPT Dân lập Đồi Ngô (Bắc Giang) tràn ngập trên mạng.

> Thầy giáo Đỗ Việt Khoa: Vẫn tin vào 'hai không'

Một lần nữa, công luận không thể không lo ngại về chất lượng học hành, thi cử hiện nay, về tính hiệu quả của cuộc vận động “hai không” - Nói không với tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích- do ngành giáo dục phát động.

Sự cố này buộc chúng ta phải ngược dòng thời gian, nhớ lại câu chuyện về một thầy giáo, một giám thị Đỗ Việt Khoa, người dũng cảm quay clip, tố cáo tiêu cực thi cử ở Hà Tây cũ, người tạo nguồn cảm hứng cho cuộc vận động “hai không” được phát động ngay sau đó.

Thầy giáo Khoa từng được nhận bằng khen của Bộ GD&ĐT, được Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân (nay là Phó Thủ tướng) đến tận nhà thăm hỏi, động viên.

Còn nhớ khi đó, thầy Khoa còn được Bộ GD&ĐT mời tham dự lễ phát động “hai không” tại TPHCM, được dư luận, báo đài rần rần tán dương, ủng hộ, được là nhân vật “Người đương thời” của Đài truyền hình Việt Nam...

Cuộc vận động “hai không” cho thấy tác dụng ngay tắp lự trong kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2007: Lần đầu tiên tỷ lệ đỗ từ 94% tụt mạnh xuống còn 66%, 12 tỉnh đỗ dưới 50%, nhiều trường không có thí sinh nào đỗ tốt nghiệp...

Nhưng sau đó tỷ lệ đỗ tốt nghiệp lại tiếp tục tăng lên nhanh chóng như có phép màu, năm 2008 đạt 75%; 2009 đạt gần 84%; năm 2010 vọt lên gần bằng mức cũ (năm 2006) 93%; năm 2011 đạt mức kỷ lục gần 96%, trong đó 54/63 tỉnh, thành phố đỗ tốt nghiệp trên 90%, gần chục tỉnh đạt trên 99,5%.

Tuy nhiên, trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội về tỷ lệ tốt nghiệp cao bất thường này, người đứng đầu ngành GD&ĐT Phạm Vũ Luận vẫn khẳng định, kết quả thi tốt nghiệp năm 2011 về cơ bản là phù hợp với kết quả bài thi, quá trình dạy học nghiêm túc hơn những năm trước.

Dù Bộ trưởng Phạm Vũ Luận đã từng trả lời trước Quốc hội như vậy, song với loạt clip “loạn phòng thi” ở cả 6 môn thi tốt nghiệp tại một Hội đồng thi của tỉnh Bắc Giang năm nay, hẳn ông sẽ phải cho kiểm tra, rà soát lại để có sự đánh giá thực chất, chuẩn xác hơn nữa. Nhất là năm nay lần đầu tiên Bộ bỏ thi theo cụm, bỏ chấm chéo và thanh tra ủy quyền.

Và cho dù hiện tượng ở Bắc Giang chỉ là cá biệt, công luận vẫn có quyền nghi ngờ mức độ nghiêm túc, thực chất của các kỳ thi tốt nghiệp THPT những năm qua, một khi tỷ lệ đỗ cứ tăng vọt đến bất thường, bất thường tới mức nhiều người cho rằng nên bỏ kỳ thi này vì quá tốn kém, một khi nhiều tỉnh cứ 100 em thi thì chưa tới... nửa em trượt thì chỉ cần xét tốt nghiệp là đủ.

Cho dù sự cố ở Bắc Giang năm nay khiến nhiều người liên tưởng tới tình trạng bát nháo, tiêu cực trong thi cử ở Hà Tây cũ năm 2006, thời điểm trước “hai không”, trả lời phỏng vấn báo Tiền Phong, thầy giáo Đỗ Việt Khoa vẫn tin tưởng và hy vọng vào cuộc vận động do Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân (nay là Phó Thủ tướng) phát động.

Bởi ý nghĩa sâu xa của “hai không là ở chỗ, như ông Nguyễn Thiện Nhân từng nói “cái các em cần khi học xong THPT không phải là tấm bằng tốt nghiệp mà phải là năng lực làm người, năng lực để vào đời”.

Không riêng thầy Khoa, cả xã hội vẫn luôn tin tưởng và hy vọng vào “hai không”, bởi đó là cái đích đích thực mà nền giáo dục Việt Nam phải hướng tới. Ngoài kiến thức, sự trung thực, đoàng hoàng, tử tế là hành trang mà mỗi học sinh khi rời ghế nhà trường cần phải có. Đó cũng là đòi hỏi cấp bách của mỗi gia đình, của toàn xã hội hiện nay.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG