Với tên gọi “Tương lai toàn cầu 2045”, trong đó cái mốc năm 2045 được coi là thời điểm mô hình con người cũ bị vứt bỏ, “loài người mới” với sự can thiệp của khoa học sẽ mang trí khôn, sức khỏe và sự trường thọ nhân tạo bắt đầu thống trị !
Thực chất, đây không xuất phát từ ý chí chủ quan đầy điên rồ của các nhà khoa học, mà theo nhận định, xu thế tồn tại của nhân loại đã đến lúc buộc phải vậy. Bởi khủng hoảng dữ dội của sinh thái toàn cầu, bởi “cường độ tiêu dùng không có điểm dừng và quá ích kỷ”. Và bởi “sự phát triển của kỹ thuật tất yếu dẫn tới việc tạo ra những thực tế với tri thức vượt qua sự hiểu biết của con người”…
Thế nhưng, ngay chính các nhà khoa học hăng hái nhất trong cuộc siêu cách mạng này, cũng phải đau đầu khi nghĩ về bản chất nào dành cho những thế hệ siêu con người mới.
Nói như Viện sĩ David Dubrovsky (Viện Hàn lâm khoa học Nga), rằng: “Không khó để đoán rằng những “siêu người” đó với nhận thức cũ của họ sẽ cũng làm chính việc mà trước đó họ vẫn làm: đánh nhau, tranh giành chính quyền, đòi hỏi đặc quyền, lừa dối kẻ khác và khư khư ôm giữ nhu cầu tự lừa dối…
Việc cải tổ đáng kể nhận thức ít khả năng xảy ra bởi vì ở họ, những chương trình gen cũ của hoạt động tâm lý vẫn được bảo toàn như thế”.
Rút cuộc, khát vọng đẻ ra “siêu người” để thay thế cho con người sinh học đầy rẫy tham lam, bệnh hoạn, lố lăng hiện thời, cuối cùng vẫn vấp phải câu hỏi mang tính tồn tại của triết học: “Ý nghĩa thật sự của cuộc đời và hoạt động của con người, một chủ thể nào đó hoặc toàn nhân loại, là gì ?”.
Dẫu hàng ngày thế giới vẫn chứng kiến ngày một nhiều những sự điên rồ của con người đem lại khổ đau mất mát cho người khác. Nhưng không vì thế mất đi niềm tin vào bản năng gốc không thể thay thế của con người, đó là tình yêu và sự tốt đẹp.
Loài người vốn được gọi với cái tên Homo Sapiens, theo tiếng Latin nghĩa là “người thông thái”. Cho dù thế giới văn minh vật chất và kỹ thuật được sản sinh từ sự thông thái ấy đang là mối nguy cho chính con người.
Không đợi đến khi các nhà khoa học nhận thức ra giới hạn của “siêu người”, thi hào vĩ đại Rabindranath Tagore đã thấu nhận điều ấy từ lâu: “Thần thánh không cứu giúp người thì người phải cứu lấy người”. Bởi con người, “dù đi tận nơi đâu, vẫn là người vuốt ve sự sống”.