Thật giả quà tết

Thật giả quà tết
TP - Không phải hàng thật với hàng giả, mà là tấm lòng thật và giả của người biếu và người nhận quà Tết, đang rộn ràng tư gia, công sở những ngày này.

> Lo quà biếu Tết
> Quà xuân cho dân đảo và người nghèo

Năm hết Tết đến, chẳng biết từ bao giờ, là dịp công chức nước ta sốt vó lo quà Tết biếu xén cấp trên. Từ ngày mở ra kinh tế thị trường, biếu xén quà Tết loang rộng đến chóng mặt theo sự phát triển của kinh tế tư nhân.

Bởi vì Nhà nước vẫn là nhà đầu tư lớn nhất, mỗi năm đất nước có khoảng 300.000 công trình sử dụng vốn ngân sách, hàng triệu doanh nghiệp xoay quanh đó, chưa kể còn những dự án lấy đất của dân mà đền bù giá rẻ (hoặc cưỡng chế lấy không) sinh ra những mối lợi quá lớn phải tranh giành.

Thế là quà Tết có bao nhiêu ý nghĩa tốt đẹp từ xưa để lại được tận dụng bằng hết, làm vỏ bọc cho mục đích vụ lợi giấu kín bên trong. Quà Tết giả là thế! Những món quà hàng chục, hàng trăm triệu đồng chắc không còn mấy dấu vết bản sắc văn hóa của một dân tộc làm nông, có chăng chỉ còn bay bổng ở lời nói của người biếu và nụ cười mềm mỏng của người nhận, mà xong cuộc trao nhận, những người này cũng quên luôn.

Quà biếu rất đắt, người biếu khi về thường chửi đổng, đôi lúc chửi ra miệng mà không ít nhà báo thân thiết ở vào tình thế chia sẻ nỗi bức xúc, đã phải nghe. Có lẽ người nhận những món quà đắt tiền, cũng biết sẽ bị chửi, bởi họ thường đã trải cảnh biếu xén từ dưới để đi lên, nhưng rồi vẫn cứ nhận, của hết người này đến người khác, nhận tất tật như chỉ còn một cái Tết để mà nhận quà. Nhiều năm nay, quà Tết đắt tiền đã trở thành một hình ảnh của sự giả dối.

Cái sự giả dối xem ra nghiêm trọng hơn ở chỗ, cũng nhiều năm nay, mỗi dịp gần Tết, các cấp các ngành đều có nhiều chỉ thị cấm biếu quà Tết cho cấp trên, cho lãnh đạo, thế nhưng thị trường quà Tết quan chức vẫn phát triển khó tượng tưởng. Dân gian còn nói, quà Tết là một dấu hiệu của lãnh đạo lớn hay bé.

Chục năm trước, truyền thông loan tin, một vị lãnh đạo của thành phố Hà Nội đem tiền biếu Tết nộp cho cơ quan, số tiền lớn khiến nhiều người giật mình. Hẳn nhiên, ở Hà Nội không chỉ vị ấy được biếu, cũng không riêng Hà Nội và năm ấy có biếu quà Tết. Như thế, có người ký chỉ thị cấm biếu quà Tết nhưng cứ nhận quà Tết.

Nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan mới đây nói trên Tiền Phong, càng về già ông càng chiêm nghiệm “tình cảm thật là điều quý giá nhất trong những cái đáng quý”, và để có được tình cảm thật của người khác thì trước hết mình phải biết tự trọng. Ông nói: “Mình mà không biết trọng mình thì thử hỏi còn mong ai trọng mình?”.

Đem câu hỏi ấy đặt ra cho những vị đang bề ngoài rạng rỡ, biếu và nhận những món quà Tết rất đắt tiền, hẳn cũng cần thiết. Tuy nhiên, nói rồi cũng phải nói thêm. Muốn có hành vi văn hóa, phải có văn hóa. Còn như trường hợp quan chức biếu trống đồng cho nhau để đặt trong nhà riêng, dứt khoát cả hai phía đều kém văn hóa. Bởi vì, theo sử sách đến nay biết được, trống đồng xưa chỉ dùng trong chiến trận và tang lễ, và được chôn theo các vương hầu, lạc tướng.

Người hiểu biết rất kiêng kị khi đào được những thứ như thế từ đất đen, lại biếu cho nhau để trưng trong nhà riêng. Vả lại, đó là tài sản quốc gia. Biếu xén đã dám làm những việc như thế thì còn biết né tránh những việc gì? Đó cũng là mối lo lớn nhất trong sự giả dối quà Tết hiện nay.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Nơi được ví là ‘Nhà Trắng mùa đông’ của ông Trump
Nơi được ví là ‘Nhà Trắng mùa đông’ của ông Trump
TPO - Sau khi ông Donald Trump đắc cử Tổng thống Mỹ, Mar-a-Lago trở thành địa điểm yêu thích không chỉ của chính trị gia, người giàu đam mê tiệc tùng mà còn những kẻ cơ hội, tò mò. Phải tốn hàng nghìn USD để có được một chỗ ngồi trong bữa tối, nhưng không phải có tiền là mua được.