Chủ quyền biển đảo đang bị đe dọa
Đánh giá về kết quả kỳ họp, Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng khẳng định, bằng trí tuệ, tâm huyết và trách nhiệm của mình trước nhân dân, các đại biểu QH đã thẳng thắn đánh giá mặt được, chưa được, chỉ ra những yếu kém, tồn tại trong các ngành, lĩnh vực, dự báo nguy cơ tiềm ẩn cản trở sự phát triển, nhất là trong bối cảnh chủ quyền biển đảo của Việt Nam đang bị đe dọa nghiêm trọng do việc Trung Quốc tiến hành xây đắp với quy mô lớn tại các bãi đá thuộc chủ quyền của Việt Nam ở quần đảo Trường Sa, đe dọa cuộc sống yên bình của người dân và hòa bình, ổn định, tự do hàng hải, hàng không ở biển Đông.
QH yêu cầu Chính phủ, các ngành, các cấp cùng cả hệ thống chính trị vào cuộc bằng các giải pháp mạnh mẽ, quyết liệt, nâng cao hiệu quả, chất lượng, sức cạnh tranh của kinh tế nước nhà, giữ vững đà tăng trưởng, thực hiện thành công tái cơ cấu và chuyển đổi mô hình kinh tế; mở rộng hợp tác, hội nhập quốc tế; đồng thời bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, kiên quyết đấu tranh giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước, bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội…
Tại cuộc họp báo cùng ngày do Văn phòng QH tổ chức, trả lời câu hỏi của báo chí về việc nhân dân rất quan tâm, lo lắng về tình hình biển Đông, nhưng chờ mãi mà không thấy QH ra nghị quyết? Ông Nguyễn Hạnh Phúc, Chủ nhiệm Văn phòng QH cho biết, những vấn đề liên quan đến biển Đông tương đối phức tạp. Trung Quốc hiện đang xây dựng, cải tạo các bãi đá, bãi ngầm ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Vì thế, trong phiên họp trù bị khai mạc, các đại biểu QH đã đề nghị Chính phủ báo cáo vấn đề này.
“Sau khi QH có đề nghị, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh đã báo cáo trước QH. Còn việc QH có ra Nghị quyết hay không, quan điểm của tôi là tán thành tuyên bố của Bộ Ngoại giao về vấn đề biển Đông. QH sẽ tiếp tục theo dõi tình hình, nếu thấy cần thiết sẽ ra Nghị quyết”, ông Phúc nói.
Chọn đại biểu phải chặt chẽ ngay từ ban đầu
Đề cập đến việc bãi nhiệm đại biểu QH đối với bà Châu Thị Thu Nga, thuộc Đoàn đại biểu QH thành phố Hà Nội, Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng khẳng định, QH đã thảo luận, cân nhắc một cách thận trọng. Quyết định bãi nhiệm đã khẳng định sự nghiêm khắc, công minh của QH khi xem xét tư cách đại biểu. Đồng thời cũng là yêu cầu về sự phấn đấu, rèn luyện để đại biểu QH luôn xứng đáng với niềm tin và sự tín nhiệm của cử tri và của nhân dân.
Liên quan đến việc bãi nhiệm trên, trả lời câu hỏi vì sao bà Nga có những dấu hiệu vi phạm từ đầu nhưng vẫn trúng đại biểu QH, ông Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, quy định ứng cử đại biểu QH rất chặt chẽ. Ngay phiên họp đầu tiên xác định tư cách đại biểu Quốc hội, không thấy có ý kiến gì liên quan đến vấn đề bà Châu Thị Thu Nga. Cho đến thời gian qua, mới có đơn tố cáo những vấn đề liên quan đến bà Nga. Ngay sau đó, các bên đã xác định tình trạng vi phạm của bà Nga và đã bãi nhiệm tư cách đại biểu QH.
“Bà Nga bị bãi nhiệm do không đủ tiêu chuẩn, mất uy tín với nhân dân. Việc này cần rút kinh nghiệm sâu sắc cho việc chuẩn bị bầu cử đại biểu Quốc hội và HĐND khóa tới. Việc chọn đại biểu khóa tới cần phải làm chặt chẽ ngay từ ban đầu để chọn được người xứng đáng là đại biểu của nhân dân”, ông Phúc nói.
Xây dựng sân bay Long Thành là đúng đắn
“QH đã thảo luận, cân nhắc thận trọng và tiếp tục khẳng định sự cần thiết, tính đúng đắn của chủ trương đầu tư xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành. Coi đây là dự án quan trọng đặc biệt quốc gia, có ý nghĩa to lớn đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của vùng, động lực phát triển phía Nam và cả nước. QH đã thông qua Nghị quyết quyết định chủ trương đầu tư giao Chính phủ tiếp tục hoàn thiện báo cáo khả thi, tiến hành các công việc cần thiết để triển khai dự án và hằng năm báo cáo QH kết quả thực hiện” – Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng.